Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vừa xuất khẩu 180.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo đã xuất từ đầu năm đến ngày 15/12 được 5,6 triệu tấn.
Dự kiến, trong những ngày còn lại của năm nay, các tỉnh sẽ xuất thêm 250.000 tấn, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu trong năm lên 5,85 triệu tấn, với trị giá 2,9 tỷ USD, tương đương với năm 2013.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Đồng Nai. (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
Trong số gạo xuất khẩu trên, thị trường châu Á, châu Phi chiếm 83% lượng gạo xuất khẩu của vùng, còn lại là xuất sang thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương.
Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của vùng đồng bằng gặp khó khăn về thị trường và giá vì phải cạnh tranh khá gay gắt với gạo xuất khẩu của một số nước.
Khắc phục khó khăn này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, giữ vững thị phần tại các thị trường truyền thống như Singapore, Trung Quốc, Hong Kong, Philippines, Malaysia, Algeria, Indonesia; đồng thời, tìm kiếm thêm khách hàng tại các nước EU, Bắc Mỹ, châu Á, châu Phi nên đã giữ vững kim ngạch xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, nhờ 70% diện tích lúa trồng các giống chất lượng cao nên phần lớn lượng gạo xuất khẩu của vùng có sức cạnh tranh cao hơn so với gạo cùng phẩm cấp của một số nước lân cận, trong khi giá bán lại thấp hơn nên được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.
Cùng với đó, công tác thông tin, dự báo thị trường tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng kịp thời, chính xác hơn nên đã giúp các doanh nghiệp định hướng tốt trong kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các tỉnh cũng tổ chức tốt việc thu mua nguyên liệu, chế biến và bảo quản tốt hơn.
Không chỉ vậy, năm nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được chỉnh đốn nên tính chuyên nghiệp được nâng lên, có trách nhiệm với khâu sản xuất của người nông dân hơn. Số lượng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh bảo đảm sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng và xây dựng thương hiệu hàng hóa tăng thêm.
Trong khi đó, hệ thống thương lái và xay xát bước đầu được tổ chức lại theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp xuất khẩu và mua lúa gạo theo giá thị trường, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi từ 30% trở lên.
Ngoài ra, các tỉnh trong vùng cũng kịp thời hỗ trợ hợp lý cho doanh nghiệp trong việc bao tiêu lúa hàng hóa cũng như hoàn thành tốt việc mua tạm trữ 2 triệu tấn gạo; mở rộng liên kết, mua thêm nguyên liệu để chế biến, đáp ứng đủ cho nhu cầu xuất khẩu.
Đáng chú ý, năm nay có thêm hàng chục doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vốn mở rộng hệ thống silo, kho chứa, lắp đặt mới hệ thống máy móc xay xát, thiết bị phân loại, đánh bóng gạo, nâng công suất chế biến và quản lý hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HACCP sản xuất các loại như 5%, 10%, 15%, 25%, 35%, 100% tấm, nếp và gạo thơm đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng nước ngoài./.
Thế Đạt
(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận (0)