trò bảo vệ những người yếu đuối, giữ gìn lòng chung thuỷ… Đó là những bài học đầu tiên thầy dành cho tôi và rất nhiều học trò Tổng hợp Văn khi bắt đầu chập chững vào làng báo.
Một buổi sáng năm 2000, tôi vào chào thầy để chuẩn bị về Nghệ An làm một cuộc điều tra theo thư tố giác của người dân. Đây là một nhiệm vụ khá hóc búa đối với một phóng viên tập sự mới 23 tuổi như tôi. Sau khi tìm cho tôi vài địa chỉ quen, thầy chợt hỏi:
– Em có bao nhiêu tiền trong túi?
– Dạ, em có 400.000 đồng, cũng đủ cho chuyến đi – tôi trả lời. Năm ấy vé tàu xe từ Hà Nội vào Vinh chỉ hết khoảng 30.000-40.000 đồng/lượt.
– Cầm thêm 500.000 đồng nữa của tôi, nếu hết tiền của em thì dùng tiền của tôi, không dùng đến thì về trả sau cũng được.
Lúc đó, thầy còn khó khăn, ngoài 2 con, thầy còn nuôi 3-4 cháu trong quê nghèo ra trọ học, nhưng tôi vẫn phải cầm cho thầy vui lòng. Chuyến đó điều tra xong xuôi. Sau khi 3 bài báo đăng tải, một lãnh đạo huyện phải chịu kỷ luật. Khi tôi đem trả, thầy mới nói vì sao phải đưa tiền cho tôi: "Có nhiều người tốt, nhưng chỉ vì trong túi hết tiền nên vin vào hoàn cảnh mà nhận "quà" của họ, rồi há miệng mắc quai, thậm chí có thể tiêu tan sự nghiệp khi vừa mới bắt đầu…”. Thầy nhắc đừng bao giờ vin vào hoàn cảnh mà tặc lưỡi, vì đối phương luôn có thể tạo ra cho nhà báo bất cứ hoàn cảnh nào họ muốn.
Thì ra thầy đã thầm lo bảo vệ cho những bước chân đầu tiên mà tôi không hề hay biết. Không chỉ tôi, mà nhiều huynh đệ khác trước khi trở thành những nhà báo giỏi như anh X.Q (báo Lao Động), anh N.D (Đài Truyền hình Việt Nam)… cũng đã từng được "cứu đói" bằng những bát cơm rau cùng vợ chồng thầy.
Nhiều học trò khác của thầy đã đảm nhiệm nhiều chức vụ thư ký, lãnh đạo các báo… Có lẽ vì vậy mà thầy nổi tiếng được rất nhiều học trò trường Nhân văn yêu quý.
Người thân thiết gọi thầy bằng bố, kẻ nghịch ngợm gọi thầy bằng "Cụ". Riêng tôi, dù không phải truyền nhân về ngành học của thầy, nhưng tôi vẫn thường gọi thầy bằng "sư phụ" một cách vừa trân trọng vừa gần gũi, pha chút tinh nghịch. Thầy vui vẻ nhận tất cả!
Bài học của thầy về "bảo hiểm nhân cách" như một liều tiêm chủng giúp tôi "miễn dịch" được với các trò mua chuộc. Về sau này, khi tôi làm những điều tra ở Nam Định, có kẻ đã định mua tôi với giá 30 triệu đồng, với điều kiện "đánh" giúp họ một bài. Dù vẫn cảnh phóng viên thuê nhà nhưng tôi lắc đầu bỏ về, lòng hoàn toàn thanh thản.
Một lần khác, tôi đứng giữa ngã ba đường, phân vân không biết nên chọn việc ở lại làm báo hay sang làm một doanh nghiệp. Đã có lúc tôi nghiêng về phía doanh nghiệp, nhưng khi vào hỏi ý kiến thầy, tôi nhận được lời khuyên chân thành của một người cha: Với khả năng và tính cách của em, nên tiếp tục làm báo, vì đó là cách đóng góp trực tiếp tiếng nói của mình cho xã hội, hãy đứng về phía những người yếu đuối thấp cổ bé miệng… Em có thể chọn bất cứ cơ quan nào, nhưng ở đâu thì cũng cần giữ lòng chung thuỷ!
Rồi thầy kể chuyện trên lớp Văn của thầy, có một em sinh viên hỏi: "Thầy ơi, thế nào là hạnh phúc?" Một câu hỏi mà theo thầy, phải nghĩ rất nghiêm chỉnh trước khi trả lời. Vì mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, thầy phải chọn góc độ những sinh viên vất vả nhất trong lớp để trả lời: "Hạnh phúc là được hưởng thành quả lao động của mình sau mỗi ngày lao động". Câu chuyện nhỏ ấy đã theo tôi mãi đến nay và có lẽ cả rất lâu về sau nữa…
Cùng với thời gian, chúng tôi nhận ra nhiều điều, rằng nghiệp vụ có thể học được, tự rèn giũa được, thầy trong trường dạy không đủ, cuộc sống sẽ dạy thêm. Cái khó dạy hơn, khó tiếp thu hơn là những bài học về nhân cách, nhưng chẳng có giáo trình nào thấm thía với chúng tôi hơn chính cuộc sống và ứng xử của Thầy.
Cứ đến ngày 20/11 hoặc 21/6, anh em phóng viên "gốc" Tổng hợp Văn lại hẹn nhau ghé thăm cái cổng gốc cây bàng nhà thầy để mời thầy một vài chén rượu, đúng hơn là vào uống rượu của thầy. Thầy trò cùng đàm luận từ chính sự trong nước đến chuyện thế giới rồi quay về thư pháp, khảo cổ dân gian. Say chuyện, thầy trò có thể thức đến 2-3 giờ sáng, rồi lăn ra ngủ…
Năm nay, tôi có một chút thành tựu, giải A – báo chí Quốc gia, vừa kịp khoe thì thầy đã phải nhập viện vì tai nạn giao thông, Nằm trên giường bệnh, thầy vẫn gọi cho tôi: "Sơn ơi, năm nay miền Bắc trúng mùa lúa lớn, thử hỏi nhà khoa học giải thích xem…".
Còn nhiều chuyện nữa về "sư phụ" của tôi – một giảng viên Văn học dân gian – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Anh em chúng tôi thường thân mật gọi thầy là “Cụ Vỹ”.
Nguyễn Hoàng Sơn
(Giải A Báo chí quốc gia năm 2007)
Theo Vietnamnet
Bình luận (0)