Đây là lần đầu tiên những thửa rừng của người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) được tiếp cận tiêu chí đánh giá chứng chỉ rừng FSC. Bà con phấn khởi bởi trồng rừng không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn hướng đến quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm bảo vệ môi trường bền vững.
Đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở huyện miền núi Hướng Hóa phấn khởi tham gia trồng rừng theo “tiêu chuẩn quốc tế”
1.Ưu điểm của trồng rừng theo chứng chỉ FSC là rừng được quản lý bền vững hơn, hạn chế sự xói mòn của đất đai, cải thiện tình trạng môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu và tăng cường tích trữ các bon rừng. Với năng suất gỗ đạt từ 170 đến 200 tấn/ha, tính bình quân mỗi ha sẽ mang đến số tiền lãi từ 15 đến 20 triệu đồng cho người nông dân.
“Trồng rừng theo tiêu chí FSC có lẽ không còn xa lạ với miền xuôi, nhưng với người dân miền núi quanh năm chỉ biết đến nương rẫy, đời sống kinh tế còn khó khăn, việc tiếp cận các thông tin còn ít ỏi thì điều đó rất lạ lẫm”, ông Hồ Văn Chiến – Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ.
Điều lạ lẫm mà ông Chiến nhắc đến cũng vừa xảy ra cách đây không lâu, khi những ánh mắt ngơ ngác của hơn 20 thành viên Ban quản lý rừng cộng đồng thôn tỏ vẻ khó hiểu khi nghe cán bộ lớp tập huấn quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC giải thích. “Trước đây, chúng tôi không hề biết chứng nhận FSC nghĩa là gì. Nghe cán bộ giải thích, mới biết FSC là một chứng nhận quốc tế trong quản lý rừng bền vững. Nếu rừng của chúng tôi được chứng nhận FSC thì điều đó có nghĩa là người ta thừa nhận rừng cộng đồng thôn được quản lý và bảo vệ tốt. Vui nhất là lâm sản ngoài gỗ từ rừng cộng đồng của người dân có thể được mua với giá tốt hơn, các nhà tài trợ quan tâm hỗ trợ nhiều hơn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Điều này mở ra hy vọng thay đổi về đời sống kinh tế cho bà con ở miền rừng còn lắm khó khăn này”, ông Hồ Văn Chiến nói.
2.Cùng với thôn Chênh Vênh, thôn Hồ thuộc xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) cũng được thành lập ban quản lý rừng cộng đồng. Nhớ lại những ngày đầu khi ghi tên vào tổ chức trồng rừng, rồi được tham gia tập huấn kiến thức bảo vệ, phát triển rừng, anh Hồ Xa Lăng (ở thôn Hồ) bảo: “Lúc đầu tôi nghe đến chứng chỉ FSC rất lạ lẫm. Lâu nay cũng như nhiều người dân khác, tôi trồng rừng trên sườn núi, đợi rừng lớn để bán rồi trồng lại thửa khác. Được cán bộ giới thiệu trồng rừng tiêu chuẩn mới này có nhiều cái lợi nên tôi ghi tên vào làm thành viên ban quản lý. Sau khi đi học hỏi mô hình trồng, khai thác và cung ứng mây bền vững ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, thấy bà con các nơi đó làm rất hiệu quả nên thấy tự tin để trồng thửa rừng của mình theo tiêu chuẩn mới”.
Vài tháng nay, anh Lăng chăm chỉ lên rừng hơn. Anh cẩn thận vun vén gốc cây theo hướng dẫn, để lại những thân cây cỏ giữ ẩm, cắt tỉa cành để cây vươn thẳng, đạt chất lượng gỗ cao nhất. “Hy vọng thời gian tới cây mây ở rừng cộng đồng thôn Hồ cũng được phát triển, bảo vệ và khai thác một cách hiệu quả để đời sống của bà con Vân Kiều ở đây khấm khá hơn. Bây giờ trồng rừng theo chứng chỉ FSC rồi, việc được công nhận hay không còn phải chờ đánh giá nhưng tôi nghĩ bà con trong thôn sẽ có nhiều động lực hơn trong quản lý và bảo vệ rừng của mình, của cộng đồng”, anh Lăng nói.
3. Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh và Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Hồ là những chi hội quản lý rừng tự nhiên ở miền núi đầu tiên của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị (gọi tắt là Hội CCR Quảng Trị) được kết nạp vào hội lần lượt vào tháng 12-2020 và tháng 7-2021. Bên cạnh hai chi hội này và một hợp tác xã thành viên cũng ở miền núi Bắc Hướng Hóa, Hội CCR Quảng Trị hiện có 37 chi hội khác là những chi hội thành viên trồng rừng keo gỗ lớn ở các huyện đồng bằng ở Quảng Trị, với tổng số thành viên là 538 hộ gia đình và tổng diện tích tham gia FSC là 4.399ha (trong đó có 2.837ha diện tích rừng trồng keo gỗ lớn và 1.562ha diện tích rừng tự nhiên giao cộng đồng quản lý).
Hiện rừng cộng đồng của bà con ở thôn Chênh Vênh đang chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ đánh giá FSC giai đoạn 2021-2025 của Hội CCR Quảng Trị, trong đó có diện tích 774 ha rừng cộng đồng mà bà con Vân Kiều ở thôn này là thành viên tham gia quản lý. Được biết, đây sẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam việc đánh giá FSC được áp dụng đối với rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý. Cùng tham gia kỳ đánh giá chứng chỉ FSC lần này ở khu vực miền núi còn có rừng cộng đồng thôn Hồ với diện tích khoảng 800ha ở xã Hướng Sơn.
Tiêu chí trồng rừng FSC là đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững, cân bằng giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích của nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương. Tại Quảng Trị, hiện có khoảng 25 ngàn hecta rừng đạt chứng chỉ FSC và mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 42 ngàn hecta rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC. |
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” do Liên minh châu Âu tài trợ, nhiều hoạt động khác nhau đã được thực hiện một cách tích cực nhằm giúp hai ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ có sự chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá. Song song với các hoạt động tập huấn, hội thảo cung cấp kiến thức về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, các hoạt động khảo sát, đánh giá liên quan cũng được thực hiện đối với 2 rừng cộng đồng này. Bên cạnh đó, hai ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh và thôn Hồ cũng được tập huấn sơ cấp cứu ban đầu và được trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động để đảm bảo điều kiện làm việc tốt hơn cho các tổ tuần tra bảo vệ rừng. Các pa-nô truyền thông với thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ cũng được lắp đặt tại các khu dân cư và khu vực bìa rừng để góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Cũng như ông Hồ Văn Chiến và Hồ Văn Lăng, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô ở Chênh Vênh và thôn Hồ bây giờ không còn lạ lẫm với khái niệm “Chứng chỉ FSC”. Họ đang thay đổi tư duy để những cánh rừng của cộng đồng mình dần dần được quản lý và bảo vệ tốt hơn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bài, ảnh: Phan Lệ
Bình luận (0)