Vài năm trở lại đây, đồng bào Vân Kiều dọc dãy Trường Sơn thuộc huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã chủ động tham gia các lớp tập huấn và thử sức với quy trình trồng cà phê sạch hữu cơ. Sản phẩm cà phê Khe Sanh qua đôi tay chai sần của người nông dân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cà phê “Khe Sanh”, hướng đến OCOP 5 sao.
Giúp nông dân thay đổi tư duy canh tác
Người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô dọc dãy Trường Sơn ở Quảng Trị không còn xa lạ với cà phê. Loài cây này trăm năm trước đã được người Pháp mang đến nơi đây để trồng. Cà phê hợp khí hậu, thổ nhưỡng đã nhanh chóng cho ra sản phẩm cà phê thơm ngon hiếm thấy trên mảnh đất miền Trung nhiều nắng, lắm gió và thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
Cây cà phê “cắm bản” trăm năm là một phần nguồn sống của người dân một thời. Cũng có giai đoạn, cà phê rớt giá, năng suất thấp bởi phương thức canh tác không hợp lý. Nhiều người dân chặt bỏ. Không thể vì thế mà để một sản phẩm đặc trưng quê xứ rơi vào quên lãng. Sau nhiều năm trăn trở, tìm lối đi, chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa đã cùng một số hộ trồng cà phê thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản Khe Sanh. Chị Hằng bảo: “Sau thời gian thuyết phục, vận động, HTX có 30 thành viên chính thức và 115 thành viên liên kết, trong đó có 7 tổ nhóm hoạt động cùng nhau xây dựng chuỗi cà phê sạch khép kín. Phương pháp sản xuất được các thành viên HTX thực hiện khép kín từ khâu giống đến các vườn trồng, chăm sóc và thu hái, chế biến ra sản phẩm”.
Lối đi đã mở, các hộ dân Vân Kiều nơi đây trồng cà phê sạch hiện không còn khó khi được tập huấn, hướng dẫn làm theo quy trình để có được sản phẩm tốt nhất. Chị Hồ Thị Sanh, một hộ trồng cà phê ở thôn Trằm, xã Hướng Tân (huyện Hướng Hóa) phấn khởi nói: “Trước đây gia đình tôi trồng cà phê thu nhập rất bấp bênh, khi được mùa thì rớt giá và ngược lại. Đói nghèo mãi. Từ ngày tham gia HTX, được cán bộ tập huấn nên biết cách trồng, chăm sóc và thu hoạch. Bây giờ tôi đã biết bón phân, tỉa cành đúng cách rồi, trái cà phê cũng đợi chín mới thu hoạch thì sẽ có chất lượng tốt. Rẫy cà phê bây giờ là nguồn thu nhập chính mang lại kinh tế cho gia đình tôi, cho con cái đến trường học chữ”.
Ông Hồ Văn Tịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Tân chia sẻ, cây cà phê bây giờ là mũi nhọn xóa đói giảm nghèo của xã. Hiện xã có 3 cơ sở xay xát cà phê quả tươi và 1 HTX sản xuất chế biến cà phê đạt OCOP 4 sao. Tham gia hướng canh tác cà phê OCOP, bà con đã nắm bắt được kiến thức về canh tác hữu cơ, quảng bá sản phẩm thông qua công nghệ số… Tư duy canh tác, bán hàng của bà con lâu nay đã dần được thay đổi. Đó là tín hiệu đáng mừng đối với đồng bào vùng cao.
Hướng đến sản phẩm cà phê OCOP 5 sao
Cây cà phê có mặt ở vùng đất Quảng Trị vào đầu thế kỷ XX. Qua quá trình chọn lọc tự nhiên, cà phê chè Catimor hiện có diện tích hơn 4.400 hécta, nổi tiếng thế giới với thương hiệu cà phê Khe Sanh. Không phải ngẫu nhiên mà người Pháp chọn Khe Sanh để trồng cà phê trăm năm trước. Cà phê Khe Sanh có hương vị vùng miền đặc trưng nhờ thiên nhiên khí hậu ưu đãi, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau rất lớn. Trong một ngày có thời tiết 4 mùa xuân hạ thu đông. Tầng đất đỏ bazan dày, sâu bên dưới là lớp đá xanh tạo ra khí hậu mát mẻ, ôn hòa.
Chị Hằng bảo, để có được thành phẩm cà phê hoàn thiện và đúng chuẩn sạch, ngon, chất lượng thì từ khâu bón phân cũng cần đúng chuẩn hữu cơ. Đầu năm 2022, HTX Nông sản Khe Sanh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh từ vỏ quả cà phê với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Phân bón được cung cấp cho các hộ nông dân theo hình thức trả chậm nên ai cũng phấn khởi. Người dân được mua phân vi sinh với giá rẻ hơn thị trường 20%, thành viên HTX được hỗ trợ 50%. “Việc sử dụng phân bón vi sinh giúp phục hồi đất, tăng độ xốp cho đất, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh và an toàn với môi trường tự nhiên, chi phí thấp hơn so với phân hóa học… Đó là một trong những yếu tố giúp cho sản phẩm cà phê Khe Sanh ngày càng được nâng cao chất lượng”, chị Hằng nói.
Quảng Trị là một trong 8 tỉnh được Bộ NN&PTNT chọn thực hiện đề án “Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, giai đoạn 2021-2030”. Đây cũng là cơ hội để cà phê Khe Sanh ngày càng được chú trọng phát triển và khẳng định vị thế trên thị trường. Hiện nay, HTX Nông sản Khe Sanh đang tập trung xây dựng sản phẩm nâng hạng 5 sao cho sản phẩm “Khe Sanh Coffee dạng bột 100% Arabica” – là một trong 2 sản phẩm được tỉnh Quảng Trị chọn để xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. |
Người dân trồng cà phê rất nỗ lực từ khâu trồng, thu hái, chế biến. Bên cạnh họ còn học cách quảng bá thương hiệu, tham gia hội chợ quốc tế và trong nước, mang sản phẩm của mình đến để giới thiệu với du khách thập phương. Sản phẩm cà phê Khe Sanh đạt giải đặc sản Việt Nam trong 3 năm liên tục, được cấp giấy chứng nhận. Là giám đốc, chị Hằng từng tự tay cầm sản phẩm giới thiệu đến khách hàng. Sau khi ứng dụng công nghệ số có gian hàng điện tử trên trang Shopee, Lazada, Facebook, Zalo… sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn. Cà phê Khe Sanh được dán tem truy xuất nguồn gốc và tem OCOP. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng hành trình 5 sao HTX chúng tôi nghiên cứu hợp tác với các nhóm làm chuỗi cà phê nông lâm kết hợp. Trong đó vừa cải thiện môi trường và cảnh quan du lịch nông nghiệp và mang lại chất lượng. Vì cây cà phê được che dưới tán rừng nên chất lượng đảm bảo”, chị Hằng cho biết.
Thiên Phúc
Bình luận (0)