Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đồng bộ phương tiện thu gom: Hộ lấy rác dân lập không kham nổi

Tạp Chí Giáo Dục

Đồng bộ phương tiện thu gom và vận chuyển rác để tránh phát tán mùi hôi, giữ mỹ quan đô thị là cần thiết, song với nguồn thu chủ yếu từ ve chai thì rác dân lập không lấy đâu ra tiền để đầu tư.

TP.HCM sẽ đổi mới phương tiện thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt. Ảnh: T.Anh

Phương tiện mới “gây khó” cho rác dân lập

Tại buổi họp về phương án đổi mới phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM do Sở TN-MT tổ chức chiều 28-11, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, phương tiện thu gom rác tại TP.HCM lâu nay chưa có quy chuẩn. Để thực hiện quản lý về môi trường hiệu quả, vấn đề đặt ra là phải thống nhất trong đầu tư phương tiện thu gom và vận chuyển đến nơi xử lý.

Theo đó, Công ty Samco đã giới thiệu một số mẫu xe thiết kế cho việc thu gom rác, cơ cấu ép rác và xả rác hoạt động bằng thủy lực phù hợp với điều kiện và không gian đô thị thành phố. Ưu điểm của xe này là đảm bảo vệ sinh thu gom, có khả năng đóng kín thùng chứa ở trạng thái không hoạt động và di chuyển trên đường. Để giảm sức người, đơn vị này còn thiết kế xe rác đẩy tay sử dụng điện được thiết kế đẩy được thùng 240 lít – 660 lít rất cần cho các quận trung tâm như 1, 3, 10…

“Từ các mẫu xe mà Samco giới thiệu, các quận, huyện xem thiết kế về mặt kỹ thuật như vậy có đảm bảo vận hành cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường hay không, trên cơ sở đó có thể cải tiến để cho ra một loại xe có đặc thù chung nhất chứ không thể thỏa hết tất cả các điều kiện của TP.HCM. Các đơn vị cũng cần cụ thể hóa các đề nghị, sở sẽ nghiên cứu và tham mưu UBND TP.HCM”, bà Mỹ yêu cầu.

Các công ty dịch vụ công ích thừa nhận, việc thay đổi phương tiện là thiết yếu nhằm bảo vệ môi trường, tuy nhiên vẫn còn lo ngại về vốn đầu tư, đặc biệt là với các hộ lấy rác dân lập sẽ không kham nổi.

Ông Võ Văn Dũng (Giám đốc Xí nghiệp môi trường, Công ty Dịch vụ Công ích Q.Tân Bình) lý giải: “Với loại xe rác 800kg, Q.Tân Bình đã thực hiện từ 10 năm trước. Tuy nhiên vì phải chi trả rất nhiều khoản như: tài xế, nhiên liệu, phí bảo trì, đăng kiểm… nên các hộ rác dân lập đã phải bán xe và quay lại sử dụng phương tiện ba gác, xe lôi. Hơn nữa, loại xe ép 2 tấn thu gom 400 hộ/chuyến mất 3 giờ, tiền rác thu được khoảng 20 triệu đồng/tháng, trong khi đó phải trả lương cho tài xế, tiền mua dầu và đặc biệt là tiền sửa xe. Vì vậy rất khó khuyến khích các hộ rác dân lập thay đổi phương tiện vận chuyển rác…”.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến từ phía các công ty dịch vụ công ích cho thấy, việc thay thế phương tiện thu gom không thể thực hiện ngay mà cần có lộ trình cụ thể bởi đầu tư ban đầu rất nặng, đó là chưa kể chi phí duy tu, bảo dưỡng và đăng kiểm xe định kỳ. Không những thế, một số địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm đậu xe để tránh ủ rác gây mùi. “Q.1 không có trạm trung chuyển, vậy sau khi lấy rác xong xe sẽ đậu ở đâu, vệ sinh xe như thế nào?”, đại diện Công ty Dịch vụ Công ích Q.1 lo lắng.

Cần tăng tiền rác vệ sinh dân lập

Theo Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TP.HCM, công tác vệ sinh đô thị được giao cho 25 đơn vị công lập (công ty môi trường đô thị và công ty dịch vụ công ích các quận, huyện) thực hiện, quản lý. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh từng khu vực chưa có sự đồng nhất do cơ chế quản lý, thanh toán khác nhau. Khoảng 60% khối lượng rác thu gom thô sơ được thực hiện bởi các đơn vị thu gom rác dân lập và trực tiếp thu phí từ hộ dân. Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường xuất phát từ phương tiện thu gom và vận chuyển rác dân lập cũ kỹ, phần lớn là tự chế.

Nhiều ý kiến đồng tình việc thu gom và vận chuyển rác gây ô nhiễm môi trường chỉ xảy ra ở rác dân lập, do sử dụng phương tiện thô sơ. Bên cạnh đó, rác dân lập sống nhờ ve chai nhặt được từ rác mà thiết kế mới của xe không có chỗ để chứa ve chai, người lấy rác tiếp tục treo, móc bao rác bên ngoài thì cũng bằng không. Vì vậy đòi hỏi thiết kế xe mới phải vừa đảm bảo môi trường vừa thỏa mãn nhu cầu của lực lượng thu gom rác dân lập.

Từ những ý kiến này, đại diện Samco cho rằng trên thế giới không có một chiếc xe rác nào có thiết kế để treo ve chai.

Nhiều ý kiến lo ngại sắp tới đây, thành phố sẽ đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn, vậy phương tiện vận chuyển, thu gom đã đầu tư có đáp ứng được hay không hay phải chuyển đổi lần nữa?

“Chi phí mua xe, chi phí đăng kiểm rất cao nhưng nguồn sống chủ yếu của rác dân lập là ve chai nên tạm thời Samco nghiên cứu thiết kế thùng 660 lít để xe máy kéo, có thiết kế đổ trực tiếp để hạn chế sức người và kinh phí. Phương tiện này có thể vừa chạy đường lớn vừa vào hẻm nhỏ thuận tiện”, đại diện Công ty Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh đề xuất.

Ông Võ Văn Dũng kiến nghị Sở TN-MT TP.HCM nên tính toán lại để nâng giá thu gom rác. “10 năm rồi, số tiền rác vệ sinh dân lập thu từ mỗi hộ vẫn chưa tăng, chỉ 20.000 đồng, nếu xé rào thì cũng chỉ thu được 30.000 đồng/ hộ, số tiền này không đủ chi phí. Tiền ở đâu mua xe nếu thành phố không có chính sách trợ giá”, ông Dũng tâm tư.

Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các đơn vị rác dân lập đầu tư đổi mới trang thiết bị, phương tiện thu gom chất thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; Có cơ chế cho vay trả chậm, ưu đãi lãi suất khi chuyển đổi thiết bị, phương tiện… là những đề xuất được đưa ra tại cuộc họp. Bà Mỹ cho biết sẽ nghiên cứu và tham mưu UBND TP.HCM có giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Trần Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)