Một xe khách lỡ lưu thông tới chân cầu Ông Buông phải quay trở lại đường Hồng Bàng vì không có bảng hướng dẫn lưu thông ở ngã tư Hồng Bàng – Minh Phụng
|
Từ ngày 13-9 đến nay, kể từ khi đóng cầu Ông Buông (Q.6) để phục vụ cho dự án xây mới, tình hình giao thông ở cửa ngõ từ TP.HCM về miền Tây trở nên hỗn loạn do nạn ùn tắc giao thông. Nhất là vào các giờ cao điểm, nhiều hộ dân phải đóng kín cửa, hàng quán ế ẩm, ùn tắc hàng giờ do bị ảnh hưởng.
Cơ quan chức năng… chậm
Theo kế hoạch, kể từ 6 giờ ngày 13-9 đến ngày 31-12-2014 cầu Ông Buông 1 và 2 trên đường Hồng Bàng, Q.6 sẽ cấm toàn bộ các loại phương tiện lưu thông để phục vụ công tác tháo dỡ xây cầu mới. Theo đó, lộ trình lưu thông hướng từ đường Hồng Bàng về đường Kinh Dương Vương (Q.6) được thay thế bằng lộ trình mới.
Giao thông khu vực cầu cũng được thay thế lộ trình: Đường Tân Hóa (đoạn từ Hồng Bàng đến Đặng Nguyên Cẩn) tất cả các phương tiện lưu thông một chiều theo hướng đường Hồng Bàng đến Đặng Nguyên Cẩn. Cấm xe 3,5 tấn trở lên và xe buýt lưu thông vào đường này. Đường Đặng Nguyên Cẩn (đoạn từ Tân Hóa đến Tân Hòa Đông) các phương tiện lưu thông một chiều theo hướng từ đường Tân Hóa đến Tân Hòa Đông. Cấm xe trên 30 chỗ lưu thông, xe buýt và xe dưới 3,5 tấn được phép lưu thông. Đường Tân Hòa Đông (đoạn từ đường Đặng Nguyên Cẩn đến vòng xoay Phú Lâm) các phương tiện lưu thông một chiều theo hướng Đặng Nguyên Cẩn đến vòng xoay Phú Lâm.
Kế hoạch phân luồng trên đây do được triển khai quá chậm nên các hướng lưu thông gần và trong khu vực cầu rơi vào tình trạng giao thông hỗn loạn trong mấy ngày liền. Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư nâng cấp đô thị TP.HCM (cũng là chủ đầu tư), ông Vương Hoàng Thanh đã thừa nhận điều này và lý giải rằng đơn vị chủ đầu tư đã trình kế hoạch phân luồng giao thông đến Sở GTVT TP nhưng phải chờ đến ngày 10-9 mới được thông báo duyệt ký. Vì vậy đến ngày 13-9 (cùng ngày đóng cầu – PV) đơn vị này mới triển khai các phương án phân luồng.
Tuy nhiên, bên cạnh việc chậm triển khai kế hoạch phân luồng, thì các công tác chuẩn bị kèm theo cũng bị chậm trễ. Cụ thể, sau khi đóng cầu Ông Buông 1 và 2, chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công vẫn chưa làm xong cầu tạm, nhiều chỗ hư hỏng trên mặt đường Tân Hóa vẫn chưa được sửa chữa, chưa thực hiện phương án vuốt nối giảm độ dốc tại khu vực đầu cầu Phạm Văn Chí, chưa lắp đặt các bảng quang báo điện tử để phục vụ phương án phân luồng giao thông từ xa nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, việc bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các giao lộ trọng điểm chưa được thực hiện đồng bộ.
Người dân vất vả
Tính đến chiều ngày 19-9, nhiều xe khách loại 30-50 chỗ biển số tỉnh và cả xe buýt vẫn lưu thông theo lộ trình bình thường hướng từ đường 3-2 qua cầu Ông Buông. Tuy nhiên, khi đến vị trí cầu đang đóng… mới biết lối lưu thông duy nhất khi cầu đóng là rẽ phải qua đường Tân Hóa, nhưng ngặt nỗi đường này cấm xe lớn nên họ đành phải quay lại đường Hồng Bàng, rẽ qua đường Minh Phụng để lưu thông qua cầu Hậu Giang. Ngoài ra, cầu này theo phản ánh của người dân thì mức độ ùn tắc xảy ra thường xuyên không cớ gì giờ cao điểm hay không. Nhiều tài xế bức xúc vì lẽ ra nếu có bảng hướng dẫn lưu thông ngay ở ngã tư Hồng Bàng – Minh Phụng thì các lái xe đã không lâm vào cảnh… lỡ đường.
Ông Phạm Ngọc Hùng nói ông là người tội nghiệp nhất, vì sửa xe ngay ngã 3 Hồng Bàng – Tân Hóa nên thu nhập mỗi ngày đều giảm hơn một nửa. Chưa kể một ngày ông trả lời không biết bao nhiêu lời hỏi thăm của người dân, do bảng chỉ đường ở góc Hồng Bàng – Tân Hóa mới được dựng lên vào hôm 16-9 nhưng lại cắm sâu vào đầu đường Tân Hóa khuất tầm quan sát, khiến nhiều phương tiện lưu thông không tiếp cận được.
|
Nhiều xe taxi khi lưu thông đến đoạn đóng cầu cũng không dám rẽ phải qua đường Tân Hóa để tiếp tục chở khách qua Kinh Dương Vương vì đây là đường một chiều, đưa khách vào được nhưng không có lối ra nên họ đành trả khách ngay tại khu vực cầu khiến họ phải tìm xe ôm để đến được nơi cần đến. Tưởng là như vậy thì xe ôm sẽ… “ngon ăn”, nhưng hoàn toàn ngược lại. Vì chính các bác tài cũng ngần ngại do lên giá thì khách không chịu, mà nếu chở giá cũ thì lối về phải đi đường vòng theo lộ trình xa không bõ tiền xăng.
Theo lời người dân nơi đây, tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cầu đã giảm bớt, tuy nhiên khu vực đường Tân Hóa do đang thi công mở rộng nên tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên trong ngày. Một điều đáng lưu tâm nữa là cho đến lúc này cầu tạm chưa được hoàn thành khiến người dân nơi đây rất khó khăn trong việc đi lại và đưa đón con đến trường.
Theo thị sát của chúng tôi, nhiều cửa tiệm bán đồ ăn uống, bán quần áo, tiệm bánh mì, hộ dân… nay đóng cửa im ỉm suốt ngày do bị trả mặt bằng. Shop quần áo Lan Anh tại địa chỉ 802 Hồng Bàng, P.1, Q.11 nằm ngay góc đường Hồng Bàng và Tân Hóa cũng chuẩn bị trả mặt bằng vì “mở cửa hồi sáng rồi chiều đóng vào chứ không có khách mua”.
Cùng chung số phận với tiệm Lan Anh là quán cháo lòng của chị Huỳnh Thị Xoong. Bình thường chị bán được 800.000 đồng mỗi ngày, mấy ngày rồi ngày nào may lắm cũng chỉ bán được khoảng 300.000 đồng. Kể từ hôm đóng cầu, có hôm khách vắng teo như ngày mùng 1 Tết. Ước mong của chị Xoong và người dân nơi đây trong lúc này là mong cầu tạm sớm được hoàn thành, để việc giao thông thuận lợi thì cuộc mưu sinh của người dân cũng bớt khó hơn.
Bài, ảnh: Bích Vân
Kiểm điểm các đơn vị liên quan dẫn đến kẹt xe
Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với các đơn vị liên quan do chậm triển khai các giải pháp, hạng mục giao thông dẫn đến tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường xung quanh công trình xây dựng cầu Ông Buông 1 và 2 (Q.6). Theo Sở GTVT TP, trước khi đóng cầu Ông Buông 1 và 2 trên đường Hồng Bàng, sở đã đề nghị Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP triển khai các công tác chuẩn bị phương án phân luồng giao thông đã được thống nhất của các đơn vị có chức năng theo đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, sau khi đóng cầu Ông Buông 1 và 2, chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn không thực hiện theo đúng yêu cầu.
M.H
|
Bình luận (0)