Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dòng chảy đánh thức di sản thủ đô

Tạp Chí Giáo Dục

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 với chủ đề "Dòng chảy" diễn ra từ ngày 17 đến 26-11, sẽ là những trải nghiệm mới mẻ cho người dân Hà Nội cũng như đông đảo du khách

Nhiều di sản công nghiệp của Hà Nội như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu… sẽ trở thành những không gian văn hóa – sáng tạo, nơi diễn ra các hoạt động trưng bày, biểu diễn nghệ thuật…
Dòng chảy đánh thức di sản thủ đô - Ảnh 1.

Tháp nước Hàng Đậu

Thành phố của sáng tạo

Hà Nội sở hữu 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề. Vì thế, theo ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP Hà Nội, dòng chảy di sản trong thành phố sáng tạo mang ý nghĩa lớn. Lễ hội là sự kiện được thành phố kỳ vọng sẽ lan tỏa những vấn đề UNESCO mong muốn sau khi Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo, tạo dựng một môi trường tốt để cộng đồng sáng tạo phát huy khả năng của mình.

Lễ hội năm nay được tổ chức với 60 hoạt động văn hóa, 20 trưng bày và triển lãm, 20 hội thảo, tọa đàm, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo… được tổ chức tại tuyến địa điểm chính là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu và vườn hoa Vạn Xuân, ga Long Biên, ga Gia Lâm.

Bên cạnh đó, 17 quận, huyện, thị xã của Hà Nội sẽ tổ chức 41 hoạt động, sự kiện văn hóa hưởng ứng lễ hội với nội dung xoay quanh chủ đề "Dòng chảy" nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa – sáng tạo của thủ đô. Hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ, đã và đang tích cực tham gia ý tưởng và đồng hành với chương trình.

"Với lễ hội năm nay, lần đầu tiên người dân sẽ được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm năm tại thủ đô Hà Nội dưới một góc nhìn khác, mang đến trải nghiệm độc đáo, thú vị như đánh thức di sản" – lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP Hà Nội nhấn mạnh.

Dòng chảy đánh thức di sản thủ đô - Ảnh 3.

Nhà máy Xe lửa Gia Lâm

Mở ra những cơ hội

Lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 diễn ra lúc 19 giờ 30 phút ngày 17-11 tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Các hoạt động nghệ thuật, hoạt động trình diễn của cộng đồng tại địa điểm này là kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại hoặc sắp đặt âm thanh đặc sắc. Tại đây còn có hội chợ thủ công nghệ thuật quy tụ nhiều người trẻ đang theo đuổi các ngành nghề sáng tạo với bản sắc riêng biệt của từng cá nhân. Bên cạnh đó là các nhóm sáng tạo, các không gian sáng tạo, nghệ nhân của các làng nghề truyền thống tham gia, hứa hẹn mang tới sân chơi cởi mở, kích thích sự sáng tạo cho đội ngũ thiết kế trẻ.

Dòng chảy đánh thức di sản thủ đô - Ảnh 4.

Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ được cải tạo thành không gian văn hóa – sáng tạo. Ảnh: Kate

Ở phía bên này của cầu Long Biên, trưng bày "Sắp đặt nước và di sản tháp nước Hàng Đậu" hứa hẹn là một trải nghiệm không gian nghệ thuật sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước rất độc đáo, tái hiện âm thanh của nước trong tự nhiên. Trưng bày khai mạc lúc 9 giờ ngày 17-11, mở cửa hằng ngày từ 9 giờ đến 21 giờ trong thời gian diễn ra lễ hội. Dự án do kiến trúc sư Cao Thế Anh, họa sĩ Nguyễn Đức Phương thực hiện.

Một trong những điểm nhấn của lễ hội là người dân và du khách sẽ được trải nghiệm hành trình xe lửa di sản với điểm tham quan từ bốt Hàng Đậu – ga Long Biên – ga Gia Lâm – Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Năng Khang cho biết tuyến tàu trải nghiệm kết nối hai bên bờ sông Hồng, xuất phát từ nhà ga Hà Nội đến ga Long Biên, qua cầu Long Biên và kết thúc tại nhà ga Gia Lâm, từ đó khách tham quan đi bộ đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm để tham gia các hoạt động sáng tạo.

"Sau lễ hội, chúng tôi sẽ đánh giá mức độ quan tâm của du khách cũng như hiệu quả của việc chạy tour đường sắt này trong việc thu hút du khách, làm sống lại di sản Hà Nội, từ đó sẽ có đề xuất để đưa tour trải nghiệm này hoạt động thường xuyên" – ông Khang cho hay.

Theo ông Đỗ Đình Hồng, lễ hội là cơ hội để tạo ra những trải nghiệm, biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa – sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.

Theo Yến Anh/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)