Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thuyết trình về kinh tế Việt Nam tại Đức

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khuôn khổ chuyến làm việc 3 ngày ở CHLB Đức, tại trung tâm hội nghị của tập đoàn Messer AG ở thành phố Frankfurt am Main chiều tối 29/6, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu quan trọng về tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu bài có tiêu đề "Việt Nam – Đầu tàu tăng trưởng của thị trường ASEAN" trước khoảng 100 khách mời là chính khách, chủ tịch các tập đoàn kinh tế và các ngân hàng lớn của Đức.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thuyết trình tại phiên trao đổi về cơ hội và tiềm năng của kinh tế Việt Nam. Ảnh: Đức Chung (P/v TTXVN tại Đức)

Trên cơ sở đánh giá những cơ hội và thách thức đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nêu 5 giải pháp cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam gồm kiểm soát nợ công, chống tham nhũng, giảm nợ xấu của hệ thống ngân hàng, chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh mạng. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng nêu một số triển vọng cho kinh tế Việt Nam tầm nhìn 2030 khi Việt Nam trở thành nền kinh tế 105 triệu dân với Tổng thu nhập quốc nội (GDP) khoảng 540 tỷ USD. 

Sự súc tích, ngắn gọn trong bài phát biểu hoàn toàn bằng tiếng Đức của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của các khách mời tham gia chương trình. Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đã trả lời một số câu hỏi liên quan các lĩnh vực du lịch và năng lượng.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã có buổi làm việc với Giáo sư, Tiến sỹ Kuhl, Viện Quản lý kinh doanh nông nghiệp và kinh tế thực phẩm trường Đại học Justus-Liebig Giesse, giới thiệu khái quát về ba mô hình hợp tác xã và đặc điểm hệ thống hợp tác xã của Việt Nam. 

Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc quản lý hợp tác xã nông nghiệp tại Đức, Giáo sư Kuhl cho biết Luật hợp tác xã của Đức có từ 150 năm trước vẫn luôn là nền tảng cho sự phát triển hợp tác xã tại Đức trong nhiều năm qua. 

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Giáo sư Kuhl để trao đổi kinh nghiệm. Ảnh: Đức Chung (P/v TTXVN tại Đức)

Giáo sư Kuhl cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thiết lập các hợp tác xã cây trồng, giống vật nuôi ở Đức thông qua sự hỗ trợ của chính phủ nước này với việc cung cấp thông tin, tư vấn kinh doanh và quản lý thuế.

Tiếp đó, đoàn đã làm việc với Bộ trưởng Giáo dục – Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen Boris Rhein. Phát biểu tại buổi tiếp, ông Boris Rhein đánh giá cao những kết quả hợp tác tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực giữa Đức và Việt Nam nói chung, cũng như giữa bang Hessen với một số bộ, ngành địa phương ở Việt Nam nói riêng, trong đó đặc biệt là Ý định thư thành lập Đại học Việt – Đức năm 2007 và việc triển khai dự án này từ năm 2008 với đối tác chủ trì bên phía Đức là Bộ Giáo dục – Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen. 

Ông Boris Rhein đánh giá dự án Đại học Việt – Đức là một kết quả hợp tác nổi bật nhất giữa hai nước trong những năm qua trên lĩnh vực giáo dục. 

Bộ trưởng Rhein cũng đánh giá triển vọng hợp tác Việt Nam – Đức trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp bởi hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, cũng như những điểm chung có thể bổ trợ cho nhau cùng phát triển.

Cũng trong chiều 29/6, tại thành phố Bonn, đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Andreas Kappes, Tổng Thư ký Liên đoàn hợp tác xã Raiffeisen của Đức (DGRV). 

Tại buổi làm việc, ông Kappaes đã giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành, sự phát triển và mô hình tổ chức hiện nay của Liên đoàn hợp tác xã Đức. Ông cho rằng những nguyên nhân thành công của hệ thống hợp tác xã ở Đức là một nền tảng pháp lý tốt, cơ cấu phân quyền, cơ chế kiểm soát tốt và sự đoàn kết giữa các hợp tác xã thành viên. 

Ông Andreas Kappes, Tổng thư ký liên minh hợp tác xã Raiffeisen trao quà lưu niệm cho đồng chí Nguyễn Thiện Nhân sau buổi làm việc. Ảnh: Đức Chung (P/v TTXVN tại Đức)

Những điển hình thành công của mô hình liên minh hợp tác xã Đức là trong những lĩnh vực như hợp tác xã ngân hàng, nông nghiệp, dịch vụ và năng lượng. 

Theo ông Kappes, việc tổ chức hệ thống hợp tác xã chặt chẽ từ trung ương đến địa phương ở Đức đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp những dịch vụ chất lượng, giá thành phù hợp cho người dân sở tại. 

Kết thúc chương trình làm việc ngày 29/6, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo chi nhánh ngân hàng Vietinbank tại Đức.
 

Theo TTXVN/Tin tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)