Kẹt xe cục bộ tại ngã 3 Hai Bà Trưng – Nguyễn Hữu Cầu do phải tránh cầu tạm cầu Bông (ảnh chụp lúc 7 giờ 30 ngày 1-11)
|
Sau khi đóng cửa 2 cây cầu huyết mạch, dù Sở GTVT TP.HCM tổ chức phân luồng khá tốt nhưng không tránh khỏi ùn ứ. Lo ngại sắp tới đây, khi đóng cửa cầu Kiệu và cầu Lê Văn Sĩ, tình trạng kẹt xe sẽ nghiêm trọng hơn.
Nơi ùn ứ, nơi kẹt
Đã hơn một tuần đóng cửa hai cầu Bông (Q.1) và cầu Hậu Giang (Q.6), tình trạng kẹt xe tại các giao lộ hướng về cầu tạm cũng như các lộ trình mới vẫn còn tái diễn. Ghi nhận của chúng tôi trong những ngày qua, mặc dù không phải giờ cao điểm nhưng xe máy, xe ô tô vẫn ùn ứ, nhích từng mét tại đường Trần Quang Khải, Đinh Tiên Hoàng, Trần Khắc Chân, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Phi Khanh (Q.1), Vũ Huy Tấn, Vũ Tùng (Q.Bình Thạnh).
Sáng 1-11, tại ngã 3 Hai Bà Trưng – Nguyễn Hữu Cầu, Hai Bà Trưng – Trần Quốc Toản đã xảy ra kẹt xe cục bộ. Nguyên nhân là do các phương tiện “né” cầu tạm cầu Bông đã đổ về đây. Tuy nhiên, thời điểm này không hề có lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông. Vào giờ cao điểm, đường rẽ từ Trần Quang Khải qua cầu Hoàng Hoa Thám để về hướng Phan Xích Long, Vũ Tùng và Vạn Kiếp trở thành điểm “nóng” về ùn tắc mà trước đây chưa bao giờ xảy ra. Vì cầu tạm nằm song song với cầu Bông chỉ cho phép xe máy lưu thông nên mật độ xe tải, xe buýt, xe 4 bánh đổ về các con đường gần đó rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc chỉ kéo dài trong khoảng một tiếng đồng hồ, buổi sáng từ khoảng 6 giờ 30 đến 7 giờ 30. Riêng buổi chiều, thời gian kẹt xe dài hơn, từ 16 giờ 30 đến khoảng 18 giờ 30. Mặc dù Sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo chính quyền địa phương vận động người dân không mua bán lấn chiếm lòng lề đường quanh chợ Bà Chiểu nhưng tình trạng này vẫn còn tái diễn. Có mặt tại đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh lúc 17 giờ 15 ngày 31-10, các phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một, trong khi đó người mua kẻ bán ngay dưới lòng đường.
Thời gian kẹt xe khá ngắn nhờ có các lực lượng phân luồng của Sở GTVT, công an khu vực và dân phòng. Mới đây, tại các giao lộ khu vực quanh cầu Bông cũng đã bổ sung thêm lực lượng thanh tra đô thị đứng chốt, tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông. Nhờ công tác phân luồng tốt, giải quyết nhanh chóng các điểm ùn ứ nên cũng không ảnh hưởng lớn đến giờ giấc làm việc của người dân và học hành của học sinh.
Trong khi tại cầu tạm cầu Bông, xe máy lưu thông qua cầu khá ổn định trong giờ cao điểm thì ở cầu Hậu Giang, tình hình giao thông khá hỗn loạn. Do phải né cầu tạm Hậu Giang nên lượng xe đổ về các con đường Nguyễn Văn Luông, Phạm Văn Chí, Minh Phụng, Bình Tiên… rất nhiều gây nên tình trạng kẹt xe cục bộ, nhất là vào giờ cao điểm. Mặc dù đã một tuần đóng cửa cầu Hậu Giang để xây dựng và có lộ trình mới thay thế nhưng không ít người tham gia giao thông còn lúng túng, đi sai đường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn loạn giao thông trên khu vực. “Cầu tạm Hậu Giang cho phép các phương tiện lưu thông (chỉ trừ xe tải trên 3,5 tấn và xe khách 16 chỗ) nên kẹt xe là điều khó tránh khỏi”, anh Nguyễn Văn Vĩnh, tài xế xe buýt nói.
Khó tránh khỏi kẹt xe
Mới chỉ đóng cửa cầu Bông và cầu Hậu Giang nhưng nơi thì ùn ứ, nơi thì kẹt xe cục bộ vào giờ cao điểm khiến người dân không khỏi lo ngại về tình hình giao thông trong vài ngày tới. Theo kế hoạch của Sở GTVT TP.HCM, ngày 9-11 sẽ đóng cửa cầu Lê Văn Sĩ (Q.3 và Phú Nhuận) và ngày 23-11 sẽ tiếp tục đóng cửa cầu Kiệu (Q.1 và Q.Phú Nhuận). Cầu Bông và cầu Kiệu nằm trên trục đường chính (đường Phan Đình Phùng và Đinh Tiên Hoàng) về trung tâm Q.1 và chỉ cách nhau chưa đầy 1km nên ùn tắc cục bộ là điều khó tránh khỏi.
Vừa qua, Sở GTVT TP.HCM cũng đã họp báo về tình hình thi công 4 cây cầu nói trên. Đại diện chủ đầu tư, ông Vương Hồng Thanh, Phó ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM cho biết tình hình giao thông sau những ngày đóng cửa cầu có ùn tắc vào giờ cao điểm nhưng không nghiêm trọng. TheoSở GTVT TP.HCM, được sự đồng ý của nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới và phê chuẩn của Chính phủ, UBND TP.HCM sử dụng số tiền còn dư sau khi dự án nâng cấp đô thị TP.HCM hoàn thành. Tổng vốn đầu tư 4 cây cầu huyết mạch là 36,7 triệu USD và sẽ hoàn thành trước tháng 9-2014.
Bài, ảnh: Trần Anh
Thay đổi lộ trình 10 tuyến xe buýt
Trung tâm Quản lý và điều hành phương tiện vận tải hành khách công cộng TP.HCM vừa thông báo thay đổi lộ trình của 10 tuyến xe buýt đi qua cầu Bông (Q.1 – Q.Bình Thạnh) và cầu Hậu Giang (Q.6) 2 cầu này đóng để xây cầu mới.
Cụ thể, các tuyến xe buýt số 18 (Bến Thành – chợ Hiệp Thành), 31 (khu dân cư Tân Quy – khu dân cư Bình Lợi), 36 (Bến Thành – Thới An), 54 (Bến xe Miền Đông – Bến xe Chợ Lớn) trước đây chạy qua cầu Bông, nay đi qua cầu Hoàng Hoa Thám. Còn các tuyến xe buýt số 2 (Bến Thành – Bến xe Miền Tây), 10 (ĐH Quốc gia – Bến xe Miền Tây), 25 (Bến xe Q.8 – khu dân cư Vĩnh Lộc A), 61 (Bến xe Chợ Lớn – Khu công nghiệp Lê Minh Xuân), 91 (Bến xe Miền Tây – chợ nông sản Thủ Đức), 148 (Bến xe Miền Tây – Gò Vấp) trước đây chạy qua cầu Hậu Giang nay được thay đổi bằng lộ trình mới, đi qua các tuyến đường thay thế như Hồng Bàng, Nguyễn Văn Luông, Kinh Dương Vương…
M.H
|
Bình luận (0)