Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đóng cửa quá lâu, hàng điện máy giảm giá để xả hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều chuỗi cửa hàng điện máy đang phải rao giảm giá sản phẩm trên 55% nhưng sức mua vẫn èo uột.

Giảm giá hơn 55%

Tại hệ thống FPT, các dòng điện thoại hệ điều hành android đều được giảm giá hơn 40%, có sản phẩm giảm hơn 50% (từ 35 triệu, giảm còn 18 triệu đồng), dòng điện thoại của Apple giảm giá 20%, các loại laptop giảm giá 10%, các loại phụ kiện khác giảm giá hơn 50%. Khách mua sản phẩm đều có thể trả góp với lãi suất 0% và còn được giảm thêm 500.000 đồng nếu thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab. 

Còn ở hệ thống Thế Giới Di Động, hầu hết các sản phẩm điện thoại, phụ kiện, đồng hồ đều có gắn logo “trợ giá mùa dịch”. Theo đó, ngoài giảm giá từ 5 – 22%, khách mua mỗi sản phẩm còn được tặng thêm phiếu mua hàng gia dụng trị giá 300.000 đồng. Học sinh, sinh viên có nhu cầu mua laptop, còn được giảm giá theo điểm thi, mức giảm có thể đến 3 triệu đồng/sản phẩm. 

Đã hai tháng nay, các siêu thị điện máy ở TP.HCM không thể đón khách xem sản phẩm nên phải giảm giá, tăng cường tiếp thị bán hàng qua hình thức trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Cẩm

Các siêu thị Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn… giảm giá các dòng tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, ti vi, quạt máy đến 55%. Nhiều dòng ti vi 32 inch nay giá chỉ còn 4,9 triệu đồng/chiếc, giá tủ lạnh “side by side” dung tích 613 lít chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/sản phẩm, giá máy lạnh của Kangaroo loại 1,5 HP chỉ còn 5-6 triệu đồng/sản phẩm. Cùng với việc giảm giá sâu, các siêu thị trên còn khuyến khích đặt hàng online (tặng thêm 500.000 đồng khi mua online), tăng thời gian bảo hành lên 1,5 năm thay vì một năm, tăng thời gian trả góp đến 24 tháng thay vì 6-12 tháng như trước đây, miễn phí vận chuyển… 

Sức mua giảm, giao hàng khó khăn 

Ông Đặng Thanh Phong – đại diện truyền thông của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh – cho biết do người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu nên hệ thống chủ động đưa ra nhiều giải pháp như giảm giá bán, có nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng. 

Theo ông, mặc dù các cửa hàng đã đóng cửa nhưng hệ thống bán hàng online vẫn tiếp nhận đơn hàng, chỉ giao hàng trong quận và chỉ giao các mặt hàng nhỏ gọn như điện thoại, laptop, đồ gia dụng, phụ kiện và tạm thời chưa giao các mặt hàng cồng kềnh như máy lọc nước, tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh, chờ hết lệnh giãn cách xã hội. “Mặc dù có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng do đang trong thời gian giãn cách xã hội nên sức mua không thể bằng ngày thường được” – ông Đặng Thanh Phong nói. 

Đại diện siêu thị điện máy Nguyễn Kim, Thiên Hòa cho biết vẫn nhận đơn đặt hàng online, sau đó tùy đơn hàng và khu vực giao hàng, tư vấn viên sẽ bàn bạc với khách về thời gian giao. “Vẫn có khách hàng đặt mua tủ lạnh mới do tủ cũ bị hư hoặc muốn sắm tủ mới với dung tích lớn hơn, nhưng siêu thị không giao được do phải thực hiện các quy định về phòng, chống dịch” – một tư vấn viên của siêu thị điện máy Nguyễn Kim nói. 

Theo giám đốc chi nhánh TPHCM của một tập đoàn lớn chuyên kinh doanh, sản xuất đồ điện lạnh và nội thất, gần đây, có nhiều gia đình chọn mua tủ đông và tủ lạnh dung tích lớn để tích trữ thực phẩm. Trước đây, khách mua tủ đông chủ yếu là chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ còn bây giờ, các hộ gia đình cũng đặt mua nhiều khiến dòng sản phẩm này “cháy” hàng. Từ đợt dịch đầu năm 2020, dòng sản phẩm này đã “cháy” hàng nhưng sau đó lắng xuống. Đến đợt dịch thứ tư, người ta lại ùn ùn đi mua tủ đông. Chi nhánh phải huy động lực lượng đưa hàng chục container tủ đông từ các tỉnh, thành khác theo đường thủy vào TPHCM nhưng vẫn không đủ hàng để bán. 

Theo vị giám đốc trên, dòng sản phẩm được khách lẻ ưa chuộng là tủ đứng, giá từ 4-8 triệu đồng/sản phẩm, dung tích từ 250 lít trở xuống: “Hiện nhu cầu mua vẫn rất cao, nhưng kể từ khi áp dụng quy định “ba tại chỗ”, công ty không đủ nhân công sản xuất nên sản lượng cũng giảm. Hơn nữa, việc đi lại để giao hàng cũng khó khăn nên chúng tôi tạm ngưng nhận đơn hàng”. 
Cũng theo vị này, trước đây, khách ít chuộng dòng tủ lạnh “side by side” (dung tích 400 lít trở lên) nhưng hiện nay, nhu cầu tăng 20 – 30%. Ông nhận định: “Xét về tổng thể, sức mua hàng điện lạnh thời gian qua không tăng mà chỉ tăng đột biến ở một số dòng và một số phân khúc. Trước đây, chúng tôi có thể bán sỉ các loại tủ đông cho cơ sở kinh doanh, quán ăn nhưng nay không thể bán được”. 

Do kinh doanh khó khăn, áp lực kinh phí mặt bằng lớn nên thời gian qua, nhiều cửa hàng thuộc các chuỗi bán lẻ lớn phải trả mặt bằng ở một số nơi. Theo Điện Máy Xanh, cửa hàng nào không đạt doanh số sau ba tháng sẽ phải đóng cửa. Một số điểm bán thuộc chuỗi siêu thị Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Viettel Post, Chợ Lớn… cũng đã đóng cửa hoặc thêm mô hình kinh doanh để duy trì hoạt động. Người đứng đầu hệ thống Thiên Hòa thừa nhận, đang cắt giảm mặt bằng, chỉ giữ lại những lĩnh vực cốt lõi, tăng cường bán online và thêm những lĩnh vực thiết yếu khác. Hiện Thiên Hòa không chỉ bán điện máy, điện lạnh mà còn bán một số loại thực phẩm như trái cây, sữa, nước mắm, tương ớt, nước tương, các loại hóa mỹ phẩm như bột giặt, nước xả vải, nước lau sàn, nước rửa chén, khăn giấy, sản phẩm vệ sinh sàn nhà, bồn cầu… 

Theo lãnh đạo nhiều hệ thống bán lẻ hàng điện máy tại TPHCM, hiện nay, họ chưa tính đến chuyện trả mặt bằng, nhưng khi hết giãn cách xã hội, họ phải tính toán lại vì không lo nổi chi phí. “Trong kế hoạch, chúng tôi sẽ tập trung khai thác thị trường ở các tỉnh vì điều kiện kinh tế của người dân ở nông thôn ngày càng đi lên. Nhưng chúng tôi vẫn phải chờ kiểm soát được dịch mới triển khai được” – giám đốc một chuỗi cửa hàng điện máy ở TPHCM nói. 

Theo Thanh Hoa/NLĐO

 

Bình luận (0)