“Hà Nội, TPHCM và Vũng Tàu đều nằm trong vùng cảnh báo đặc biệt, bởi có thể xảy ra động đất 5 – 7 độ richter. Nếu chấn tâm động đất ở khu vực giữa các thành phố có thể gây thiệt hại khủng khiếp, 30 – 40% nhà cửa bị đổ sập hoàn toàn”.
PGS.TS Cao Đình Triều, Phó chủ tịch Hội Địa chấn châu Á, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo Quốc tế “Nguy cơ động đất ở Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 12/3.
Nhân viên các tòa nhà cao tầng của Hà Nội bỏ chạy ra ngồi la liệt ở vỉa hè sau chấn động do ảnh hưởng của trận động đất trên 7,5 độ richter từ Trung Quốc chiều 12/5/2008. (Ảnh: P.Hưng)
“Chúng ta quá lơ là!”
Cảnh báo ông vừa nêu dựa vào những nghiên cứu nào, thưa ông?
Những nghiên cứu mang tính chất cảnh báo này là công trình được thực hiện bởi các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu. Những trận động đất mạnh như vậy có thể xảy ra sau một chu kỳ rất dài. Đã có báo cáo mô hình về những thiệt hại có thể xảy ra nếu tâm chấn trận động đất nằm ở những khu vực trung tâm các thành phố. Những nghiên cứu này được thực hiện còn để tìm cách chuẩn bị những ứng phó tốt nhất.
Nghĩa là đã đến lúc phải chuẩn bị những phương án đối phó với hiện tượng động đất mạnh tại các thành phố trọng điểm ở nước ta? Hiện Chính phủ đã có những động thái gì đối với cảnh báo này?
Rất tiếc là những kết quả nghiên cứu và đánh giá khoa học đến nay vẫn chỉ nằm trên sách vở chứ chưa được quan tâm để ứng dụng nhiều. Gạch nối giữa các nhà khoa học, Chính phủ và người dân vẫn chưa có. Trong khi đó đáng lẽ gạch nối này cần phải có và phải là mối liên hệ chặt chẽ. Thiệt hại khi không có dự báo động đất sẽ vô cùng lớn. Ví dụ, một trận động đất mạnh 6,7 độ richter xảy ra Côbê (Nhật Bản) năm 1995 đã làm 5.000 nghìn người chết và tiêu tốn 15 tỷ USD.
Ông cho rằng, với cảnh báo này Chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong việc nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm độ và rủi ro của động đất tại các thành phố lớn và khu vực trọng điểm trong thời gian tới?
Đúng vậy, các nhà khoa học cần sự quan tâm hỗ trợ về đầu tư kinh phí để mua thiết bị chất lượng cao và cần thêm sự giúp đỡ từ các nhà khoa học quốc tế am hiều nhiều về lĩnh vực này, nhằm đưa ra những dự báo chính xác ở các thời điểm dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn. Hiện nay nghiên cứu về động đất ở Việt Nam mới chỉ dừng ở mức hết sức sơ lược. Chưa có một dự án nào đề cập đến nghiên cứu dự báo ngắn hạn về tai hoạ này.
Ông có thể cho biết hiện mức độ hoạt động địa chất của Việt Nam có phức tạp?
Hoạt động địa chất ở nước ta trong thời gian dài vừa qua khá yên bình so với Nhật, Trung Quốc, Thái Lan hay Philipin. Trong nhiều năm nước ta chưa bị những thảm hoạ khủng khiếp như những gì mà các quốc gia đó phải chịu đựng. Cũng vì lý do đó nên chúng ta quá lơ là, chủ quan. Đặc biệt là người dân ở nước ta hầu như chưa hề có khái niệm “ứng phó khi động đất”. Trong khi, đó là những vấn đề cần phổ cập.
Những biến đổi khí hậu ở nước ta trong thời gian vừa qua có phải là những cảnh báo đáng lo ngại?
Trên thực tế thì sự nguy hiểm luôn hiện hữu, tồn tại từ quá khứ, hiện tại và trong tương lai. Chỉ có điều nó đã bắt đầu hé lộ và lan dần đến thì chúng ta mới thức tỉnh. Từ trước tới nay, chúng ta quá lơ là trong vấn đề này.
Hiện mức độ cảnh báo động đất của chúng ta đang ở mức nào? Chính phủ cần đầu tư bao nhiêu kinh phí?
Đầu tư cho công nghệ dự báo động đất thì rất khó tính toán mức cụ thể. Nó cũng giống như chi phí đầu tư cho ngành Công nghệ thông tin vậy, càng nhiều càng tốt. Ngoài cơ sở vật chất thì yếu tố trình độ của các nhà khoa học cũng quan trọng không kém.
Ngoài động đất, chúng ta liệu có phải đối mặt với nguy cơ sóng thần?
May mắm là biển Đông nước ta nằm ở khu vực kín bởi được bao phủ các đảo thuộc Philipin, nên khả năng xảy ra sóng thần dữ dội hầu như không có. Nếu có thì cũng có thể báo trước 2 tiếng và sóng thần lớn nhất cũng chỉ ở mức cao 2m.
Các toà nhà cao tầng trong thành phố có an toàn?
PGS.TS Cao Đình Triều: "Việt Nam nên áp dụng tiêu chuẩn chống sang chấn của châu Âu, bởi nó phù hợp với địa chất của ta". (Ảnh: Thanh Trầm)
Ở nước ta, người dân chưa ý thức được vấn đề ứng phó với động đất là vậy. Còn các cơ quan chức năng, khi tiến hành thi công các khu nhà, đô thị cao tầng hoặc khu vực thuỷ điện hay các công trình công nghiệp có lường tính đến nguy cơ động đất?
Các nhà cao tầng nếu có chủ đầu tư nghiêm túc bao giờ cũng phải quan tâm đến vấn đề thiết kế kháng chấn. Nghĩa là anh phải bỏ kinh phí thuê chuyên gia thiết kế nếu động đất đánh vào các toà nhà ấy thì mức độ chịu đựng sẽ ở mức bao nhiêu.
Tuy nhiên, hiện vấn đề này vẫn giải quyết ở mức đơn lẻ và tuỳ thuộc vào chủ đầu tư, chứ chưa thành quy phạm, tiêu chuẩn. Đến năm 2006, Bộ Xây dựng mới chỉ ban hành Tiêu chuẩn thiết kế xây dựng các công trình nằm trong khu vực ảnh hưởng động đất. Còn các đập thủy điện thì nhà nước nghiễm nhiên phải nghĩ đến chuyện thiết kế sang chấn.
Đã bao giờ Viện Vật lý địa cầu tiến hành khảo sát về tính ứng phó của các công trình xây dựng đô thị, đặc biệt là ở Hà Nội, TPHCM và Vũng Tàu – những khu vực có thể xảy ra động đất mạnh?
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và có kết quả tại Hà Nội và TPHCM, nhưng do hạn chế về kinh phí Viện mới khảo sát ở các khu vực thuộc vùng trung tâm. Ví dụ, Hà Nội mới khảo sát được 3 quận là: Ba Đình, Hoàn kiếm và Hai Bà Trưng. Tại TPHCM là quận 1 và 3. Bởi muốn khảo sát phải tìm, nhìn từng ngôi nhà để đánh giá và xếp loại kết cấu. Chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể sau.
Nói chung, hầu hết các toà nhà cao tầng hiện đại đều quan tâm đến yếu tố kháng chấn. Nhưng ở nước ta mỗi toà nhà lại do một chủ đầu tư khác nhau nên cũng cũng áp dụng nhiều tiêu chuẩn khác nhau của Anh, Nhật, Mỹ… Tuy nhiên dù chuẩn nào cũng có những điểm chung. Theo đánh giá của tôi, Việt Nam nên áp dụng tiêu chuẩn chống sang chấn của châu Âu, bởi nó phù hợp với địa chất.
Xin cảm ơn TS!
P.Thanh (thực hiện)
dantri.com.vn
Bình luận (0)