Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đong đầy yêu thương!

Tạp Chí Giáo Dục

27 năm đi chung một con đường, đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống nhưng hạnh phúc của gia đình thầy giáo Trần Trung Kiên – cô Du Thị Mười vẫn khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Hậu phương vững chắc

Với thầy Trần Trung Kiên, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, cô Du Thị Mười chính là hậu phương vững chắc để thầy có thêm động lực gắn bó với nghề giáo. Sau khi về hưu, thầy Kiên vẫn tiếp tục công tác tại Trường THCS và THPT Đào Duy Anh (quận Tân Bình) với cương vị Hiệu trưởng. Nhưng những ai đã từng biết tuổi thơ và nỗ lực vươn lên của thầy Kiên sẽ hiểu hạnh phúc của ngày hôm nay được vun đắp từ những năm tháng tuổi thơ khó khăn, thiếu thốn. Cha thầy Kiên là ông Trần Kim Nhi – một cán bộ hoạt động cách mạng, người nằm trong nhóm Hội thề Rừng Rong (Trảng Bàng) do Trung tướng Nguyễn Thới Bưng chủ xướng. Sau khi cha và mẹ bị bắt giam, cuộc sống của thầy Kiên và các em khốn khó trăm bề. “Chính khoảng thời gian khó khăn đó đã cho tôi thêm nghị lực, niềm tin để cố gắng phấn đấu, không làm phụ lòng ba mẹ. Khi đã lập gia đình riêng, tôi càng thêm trân trọng những năm tháng không thể nào quên”.

Trong ký ức của thầy Kiên vẫn rõ như in những ngày đầu tiên gặp cô Du Thị Mười tại nhà của một đồng nghiệp. Sự nhẹ nhàng, ít nói của người con gái ấy đã gây ấn tượng trong thầy ngay từ buổi đầu gặp gỡ. Trong suốt 5 năm quen nhau, những cuộc hẹn hò cũng khó khăn vì khi đó thầy Kiên đang công tác ở Tây Ninh, chỉ đến cuối tuần mới về Sài Gòn. Tuy nhiên, cô Mười chưa khi nào hờn giận. Những khoảnh khắc hiếm hoi đó càng làm họ thêm trân trọng và quyết định đi đến hôn nhân vào năm 1988. Đây cũng là khoảng thời gian thầy Trần Trung Kiên được Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp nhận và phân công làm Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Đến năm 1994, thầy Kiên được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu. Rồi năm 2007 thầy về THPT Mạc Đĩnh Chi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng cho đến lúc nghỉ hưu. Làm việc trong ngành tài chính, công việc bận rộn nhưng cô Du Thị Mười vẫn dành thời gian quán xuyến công việc trong gia đình, chăm sóc con cái để thầy Kiên yên tâm công tác. “Thời gian trôi đi nhanh quá. Đôi khi nhìn lại, tôi cứ ngỡ như mới ngày hôm qua. Mỗi giai đoạn đều có những khó khăn, vất vả riêng nhưng tôi thấy mình may mắn khi tìm được một người phụ nữ biết cảm thông, sẻ chia cùng tôi những vui buồn trong cuộc sống”, thầy Kiên tâm sự.

Niềm hạnh phúc của gia đình thầy Trần Trung Kiên (ảnh nhân vật cung cấp)

Cơm sôi bớt lửa

Để có thể song hành cùng nhau suốt 27 năm không hẳn là điều đơn giản. 5 năm quen biết, hẹn hò nhau, ngỡ như đã hiểu đến tận cùng “đối phương” vậy mà khi về sống chung, vợ chồng thầy cũng có những lúc mâu thuẫn. Tự nhận mình đôi lúc cũng hơi nóng tính, thầy Kiên chia sẻ: “Gia đình nào cũng có lúc va chạm. Nếu người phụ nữ biết ý, dịu dàng, biết đâu là điểm dừng, cơm sôi bớt lửa thì mọi chuyện sẽ nhanh chóng được giải quyết êm xuôi. Tôi luôn coi trọng chuyện ứng xử, sẵn sàng nói lời xin lỗi khi nhận ra mình sai. Một lời xin lỗi đôi khi lại có sức mạnh đến lạ kỳ vì làm mọi chuyện nhẹ nhàng, dễ chịu hơn. Đàn ông không tránh khỏi những lúc vô tâm, phụ nữ thì lại luôn muốn nhận được sự quan tâm một cách cụ thể, rõ ràng. Đôi khi chỉ cần một lời nói, một cử chỉ, hành động quan tâm đến nhau cũng là cách để giữ “lửa” trong gia đình”.

Vợ chồng thầy Kiên luôn cố gắng giữ không khí gia đình hòa thuận để không làm ảnh hưởng tâm lý các con. Khác với vẻ ngoài nghiêm nghị, thầy Kiên luôn quan niệm xem con cái cũng như một người bạn của mình. Thầy hay trò chuyện, khích lệ, không bao giờ gây áp lực cho các con trong việc học tập.

Ngày con gái lên đường sang Canada du học khi chỉ mới là cô bé 15 tuổi, vợ chồng thầy Kiên không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, để con gái tự tin, sống bản lĩnh nơi xứ người, thầy Kiên chỉ ôm con gái vào lòng rồi dặn dò: “Gia đình mình không khá giả là mấy nhưng ba mẹ sẽ không để con phải thiếu thốn. Con ráng học, phải rèn luyện sự nghiêm chỉnh trong mọi việc, tuyệt đối không được gian dối. Con hãy để lại ấn tượng đẹp trong mắt người nước ngoài về người Việt Nam”. Nghiêm khắc trong giáo dục nhưng thầy Kiên luôn khích lệ các con sống theo sở thích, biết sẻ chia với người thân và mọi người xung quanh. Cô Mười kể lại: “Tôi nhớ ngày 8-3 năm nào, khi thấy con trai mang vào phòng một bó hoa để tặng mẹ, tôi ngạc nhiên và hạnh phúc vô cùng. Khi biết chồng chính là người đã mua hoa về và dặn con làm như thế, niềm hạnh phúc dường như càng được nhân đôi. Có những tâm sự, những sẻ chia với con trai đang độ tuổi mới lớn rất cần thiết. Việc nuôi dạy con cái sẽ đỡ vất vả hơn khi cả hai vợ chồng cùng tìm được tiếng nói chung”.

Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc, câu trả lời của thầy Kiên rất đơn giản: “Vợ chồng lấy nhau là đã chấp nhận luôn cả những điểm chưa hoàn hảo của nhau. Quan trọng là cách ứng xử, biết điều chỉnh mình trong mọi tình huống, tự nhắc bản thân phải luôn gìn giữ, biết đâu là điểm dừng để điểm tựa ấy mãi là bến đỗ bình yên, ấm áp cho mình”.

Yên Hà

Bữa cơm tối gắn kết gia đình

Một ngày của họ dù có bận rộn đến đâu nhưng thầy Kiên và cô Mười vẫn thu xếp để trở về nhà sum họp bữa cơm tối. Với họ, bữa cơm tối còn là chất keo gắn kết các thành viên trong gia đình. Mọi lo toan, vất vả đều gác lại bên ngoài cánh cửa… 

 

Bình luận (0)