Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đông dược trộn tân dược: Uống vào chết như chơi!

Tạp Chí Giáo Dục

Lợi dụng tâm lý của nhiều người thích sử dụng các loại thuốc đông dược vì dễ uống, ít tác dụng phụ… nhiều cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền đã lén lút trộn thêm các loại tân dược vào để tăng hiệu quả tức thời, cố tình lờ đi những nguy hiểm khác cho sức khỏe.
 
Ảnh minh họa
Đủ “chiêu” qua mặt người bệnh 
Theo cục Quản lý dược (bộ Y tế), các loại thuốc đông dược thường được các cơ sở sản xuất pha thêm tân dược vào nhất là: thang thuốc trị cảm cúm (cho thêm paracetamol), trị bệnh khớp (trộn các thuốc chống viêm corticoid như dexamethasone, prednisolone hoặc thuốc chống viêm không corticoid: ibuprofen, diclofenac…). 
Mới đây, một loại đông dược được quảng cáo là thuốc “cường dương” cũng bị cục phát hiện có chứa tân dược sildenafil (hoạt chất trị rối loạn cương). 
Nhiều loại thuốc đông y khác như thuốc hoàn tán chữa bệnh đái tháo đường, sỏi thận, đau mắt, tiêu hoá… cũng bị trộn thêm các hoạt chất tân dược vào. Một số thầy lang không có giấy phép hành nghề nhưng vì lợi nhuận, đã mua thuốc tân dược về nghiền ra thành bột, trộn vào dược liệu khác, bào chế thủ công thành các loại viên hoàn đông y bán cho bệnh nhân. Số khác thì sử dụng “chiêu” bán thuốc sắc kèm theo những gói bột đựng tân dược đóng trong túi nylông không có nhãn mác và dặn người bệnh uống kèm thuốc sắc để có hiệu quả hơn.
 Cũng theo cục, không chỉ có các thang thuốc hoàn chỉnh có trộn tân dược mà nhiều vị thuốc đông y đăng ký làm thực phẩm chức năng, cũng bị phát hiện có trộn tân dược vào. Một số loại đông dược, thực phẩm chức năng… đã bị cục yêu cầu thu hồi trên toàn quốc vì chứa tân dược: thuốc dân tộc cứu nhân vật, thuốc yêu thống hoàn, hoàn cứng tê thấp phong hoàn, viên nang cảm cúm, viên nang mãnh nam, thuốc giải biểu hoàn; thực phẩm chức năng supai 99-tongkat ali plus, spartan, exiting dergon… 
Hậu quả khôn lường 
Trao đổi ngày 15/7, PGS.TS Trần Văn Thuỷ, tổng hội Y dược học Việt Nam cho biết việc trộn các hoạt chất có tác dụng dược lý mạnh của tân dược vào các dạng bào chế đông dược, thực phẩm chức năng… là nhằm tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh: giảm đau, ăn ngon, ngủ yên, tăng cân, sinh lực dồi dào, trí óc minh mẫn… Tuy nhiên di chứng về sau cho sức khoẻ thì hết sức nặng nề, “thông thường sẽ rất khó lường trước được các nguy hiểm vì người bệnh cứ tin rằng mình đang uống thuốc có nguồn gốc dược liệu an toàn và uống kéo dài. Chỉ đến khi phát hiện những tác dụng có hại thì đã muộn, tình trạng bệnh đã rất trầm trọng”, ông Thuỷ nói. 
Theo ông Thuỷ, những tác hại đông dược pha tân dược gây ra có thể là: loét dạ dày, gây xốp xương, phù, tăng huyết áp, rậm lông (thuốc có chất corticoid), loét đường tiêu hoá, xuất huyết, dị ứng (thuốc có hoạt chất chống viêm không steroid), buồn ngủ, khô miệng (thuốc có cyproheptadin), suy gan (thuốc có paracetamol); nhức đầu, chóng mặt, dạ dày khó chịu (thuốc có sildenafil), “nếu dùng sildenafil kết hợp với các thuốc nhóm nitrate, thuốc trị đau thắt ngực thì còn nguy cơ gây ra tụt huyết áp, truỵ tim mạch, dẫn đến tử vong…”, ông Thuỷ nhấn mạnh. 
Theo PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng vụ Y dược học cổ truyền, trộn tân dược vào đông dược là điều cấm kỵ trong bào chế thuốc. “Có những loại bệnh, có thể sử dụng kết hợp tân dược với đông dược để có kết quả điều trị cao nhưng yêu cầu phải có phác đồ rõ ràng và cũng không được trộn chung”, ông Khánh cho biết. 
Theo  Phương Nam
SGTT

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)