Sự kiện giáo dụcTin tức

Đóng góp của thầy cô giáo là vô cùng

Tạp Chí Giáo Dục

PCT Hứa Ngọc Thuận (giữa) trao đổi với lãnh đạo và Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Trãi trong ngày khai giảng năm học 2009-2010

Trong không khí chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam – ngày thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam – Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch (PCT) UBND TP.HCM chung quanh thành tích và nỗ lực của đội ngũ thầy cô giáo TP.HCM đạt được trong thời gian qua.
PV: Thưa PCT, ông có nhận định gì về những thành tích mà đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên TP.HCM đã gặt hái được trong vài năm qua?
PCT Hứa Ngọc Thuận: Với tôi, thầy cô giáo là những kỹ sư tâm hồn – những người tôi luôn kính trọng và biết ơn. Từ các cô giáo dạy mầm non (MN), các thầy cô giáo dạy bậc tiểu học, trung học đến các giảng viên các trường cao đẳng, dạy nghề, giáo sư các trường đại học. Trong sự suy giảm kinh tế toàn cầu, ít nhiều đất nước ta cũng bị ảnh hưởng, nhưng sức chịu đựng của các thầy cô giáo đúng là vô cùng. Dù Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng thu nhập vẫn chưa bù được công sức của các thầy cô trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành ủy và UBND thành phố đã và đang tìm mọi cách để tăng thêm nguồn thu nhập cho thầy cô. Tôi nghĩ, một xã hội ngày càng hoàn thiện và phát triển luôn có sự đóng góp rất lớn công sức của đội ngũ thầy cô giáo. Chính sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm cao ở thầy cô đã tạo những động lực thúc đẩy sự cố gắng, sự vươn lên của các cháu học sinh để có những kết quả tốt. Những năm qua, ngành GD-ĐT của TP.HCM đã đạt được rất nhiều thành tích và dẫn đầu cả nước. Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực, tận tâm vượt khó của thầy cô giáo. Tôi đánh giá cao và cũng xin bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn các thầy cô.
Được biết năm học 2009-2010, một vài nơi trường lớp còn thiếu thốn do chậm trễ trong việc triển khai các dự án gây không ít khó khăn cho ngành GD-ĐT và tăng thêm áp lực lên thầy cô giáo. Nhiều trường tiểu học không thể thực hiện học 2 buổi/ngày…, vậy thành phố đã có biện pháp tháo gỡ như thế nào, thưa PCT?    
Tính đến thời điểm này, tôi nhận nhiệm vụ PCT UBND TP.HCM đã được 3 tháng. Trong những lĩnh vực được phân công phụ trách, giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là lĩnh vực tôi đặc biệt quan tâm. Khi còn làm nhiệm vụ ở cơ sở (Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận rồi Bí thư Quận ủy quận Gò Vấp), tôi cũng rất quan tâm đầu tư cho GD-ĐT, chỉ đạo các giải pháp tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường học. Bác Hồ đã từng dạy: “Vì lợi ích mười năm trồng cây – vì lợi ích trăm năm trồng người”. Muốn trồng cây phải dọn đất cho sạch như làm vườn phải khai mương. Chính vì vậy, tập trung đầu tư cho GD-ĐT là việc phải làm. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Trước ngày khai giảng năm học 2009-2010, tôi đã đi kiểm tra thực tế các cơ sở giáo dục về việc chuẩn bị cho năm học cũng như tình hình xây dựng trường lớp phục vụ cho năm học có đảm bảo cho tất cả con em nhân dân có đủ chỗ để học hay không? Tuy ngân sách của thành phố tập trung đầu tư cho việc xây dựng trường lớp khá lớn; các quận huyện từ cấp ủy đến chính quyền quan tâm rất nhiều đến việc xây dựng trường lớp nhưng sự quan tâm đó còn vướng nhiều thứ. Về thủ tục xây dựng cơ bản, tôi đã kiểm tra nhiều quận huyện được bố trí ngân sách đã khẩn trương và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để triển khai các dự án xây dựng trường lớp. Bên cạnh đó, nhiều quận huyện việc giải ngân còn chậm (chỉ đạt 46,9% kế hoạch) làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án. Tôi tìm hiểu, được biết có các nguyên nhân như sau: ban quản lý dự án nhiều quận huyện năng lực còn hạn chế, chưa đủ sức thực hiện các dự án trọng điểm của ngành GD-ĐT. Chính năng lực hạn chế dẫn đến hệ quả là dự án đã có rồi, ngân sách cũng bố trí vốn rồi nhưng triển khai chậm. Từ việc triển khai chậm đến thời điểm giá vật tư tăng phải điều chỉnh lại dự án, làm lại thủ tục, kéo dài mất thời gian. Công tác đền bù cũng rất quan trọng, khi lập dự án giá đền bù khác đến khi bắt đầu thực hiện dự án giá đền bù lại cao hơn. Tiếp đến, Nghị định 69/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư việc phân loại giá đền bù khác nhau, cụ thể giá đền bù đất nông nghiệp thấp hơn giá đền bù đất xen kẽ trong khu dân cư… Vì vậy dự án lại phải điều chỉnh. Có dự án tổng chi phí ban đầu chỉ 45 tỉ, triển khai chậm nên phải lập lại dự án và dự án tăng lên gần gấp đôi và tất nhiên các dự án này phải làm lại thủ tục. Hay như Trường THPT Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định đã hoàn thành xong giai đoạn 1, nhưng đến giai đoạn 2 vốn đầu tư ngân sách khá lớn. Nếu không đầu tư thực hiện dự án thì trường sẽ không hoạt động đúng theo mục đích ban đầu là trường đào tạo năng khiếu thể chất. Tôi đã kiểm tra các dự án đã được triển khai của ngành GD-ĐT và chỉ đạo: UBND các quận huyện, Sở GD-ĐT và các ngành liên quan đôn đốc đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ công trình để thực hiện tốt công tác giải ngân thanh toán khối lượng công trình từ nay đến cuối năm 2009; tập trung ngân sách để dứt điểm các dự án thực hiện dở dang, từ tháng 10 đến tháng 12 cần bao nhiêu vốn UBND thành phố sẽ bố trí đủ.
Để chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp cho năm học 2010-2011, thành phố đã có kế hoạch gì, thưa PCT?
Vừa rồi tôi đã chủ trì cuộc họp về công tác xây dựng cơ bản ngành GD-ĐT với sự tham dự của Sở GD-ĐT, Sở KH-ĐT, Sở TC, Sở TN-MT, Sở XD, Sở QH-KT và một số quận huyện. Văn phòng UBND thành phố cũng đã có thông báo kết luận chỉ đạo ngoài việc tập trung đầu tư các dự án còn dở dang (như đã nói ở trên) phải tiếp tục ưu tiên đầu tư các dự án xây dựng trường lớp để năm học 2010-2011 có đủ chỗ học cho con em nhân dân. Ngành GD-ĐT cùng các ngành có liên quan và các quận huyện phải tập trung thực hiện, tháo gỡ nhanh chóng các vướng mắc. Đến ngày khai giảng năm học 2010-2011, ngành GD-ĐT không thể nói thành phố thiếu trường lớp. Cụ thể thành phố thống nhất điều chỉnh tổng mức dự án xây dựng giai đoạn 2 Trường THPT Năng khiếu TDTT Nguyễn Thị Định; chấp thuận chủ trương cho phép triển khai các dự án: xây mới Trường Tiểu học Khánh Hội B (quận 4), di dời và thu hồi đất để xây dựng và mở rộng Trường THCS Chi Lăng (quận 4), Trường MN phường 13 tại địa chỉ 40/23 Ấp Bắc và MN phường 12 tại địa chỉ 30/9 Âu Cơ (quận Tân Bình); đầu tư xây dựng và mở rộng Trường THPT Nam Sài Gòn với tổng mức đầu tư 140 tỉ, trong đó vốn kích cầu 80% còn lại 20% ngân sách thành phố; xây dựng Trường MN 9 và MN 10 (quận 6) theo phương thức 50% vốn kích cầu và 50% ngân sách địa phương…
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, PCT có lời nhắn nhủ gì đến đội ngũ làm công tác giáo dục của thành phố?
Truyền thống của dân tộc Việt Nam ta luôn đề cao vai trò người thầy và truyền thống tốt đẹp đó luôn được giữ vững, phát huy ngày càng rõ nét. Những đóng góp và hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo rất lớn, xã hội luôn ghi nhận và trân trọng. Nhân dịp ngày 20-11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, đây là dịp để cho ta thể hiện lòng biết ơn và tri ân các thầy cô. Hòa trong không khí đó, thay mặt cho Thành ủy, UBND thành phố, tôi xin gửi đến quý thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, các nhân viên ngành GD-ĐT TP.HCM và gia đình lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt trong công tác và cuộc sống.
 
PCT Hứa Ngọc Thuận bày tỏ: “Vì sao phải quan tâm? Tôi nghĩ rằng không riêng bản thân mà tất cả chúng ta đều luôn hiểu rằng nhiệm vụ đào tạo cho thế hệ mai sau là một công việc vô cùng quan trọng và cần thiết.”
 
Xin cảm ơn PCT.
Trần Thanh Quang (thực hiện)

Bình luận (0)