Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đồng hành cùng hàng Việt: Kỳ 1: Cảnh giác với hàng ngoại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đồ dùng dụng cụ học tập học sinh trong nước đang bị hàng hóa từ nước ngoài đổ về cạnh tranh gay gắt

Hàng năm, các công ty sản xuất đồ dùng học tập, đồ chơi… trong nước luôn tìm cách đưa ra nhiều sản phẩm mới với giá thành hợp lý nhưng vẫn không cạnh tranh được với hàng Trung Quốc rẻ, tiện dụng lại đẹp mắt.

Bị hàng ngoại lấn át
Gian hàng dụng cụ học tập của Nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh những ngày qua tấp nập phụ huynh, học sinh (HS) đến mua sắm. Không cần giới thiệu, cũng chẳng cần đặt ở vị trí đẹp nhưng các mẫu dụng cụ học tập lạ mắt, đầy màu sắc được rất nhiều em HS lựa chọn. Hàng chục loại bút sáp, bút dạ, bút chì màu “made in China” như lấn át các sản phẩm đồng loại của Việt Nam bởi màu sắc sặc sỡ, kiểu dáng đa dạng, giá cả phải chăng. Trong khi đó, mẫu mã của các sản phẩm loại này trong nước bao năm nay vẫn không thay đổi.
Chị Thanh Thúy, nhà ở hẻm 549 Xô Viết Nghệ Tĩnh, đang cùng con gái mua sắm đồ dùng học tập tại nhà sách này cho hay: “Hầu hết các sản phẩm con gái tôi chọn đều của Trung Quốc hoặc Thái Lan vì nó khá đẹp, lại mới lạ. Cùng là chiếc lọ để bút nhưng hàng của Trung Quốc được thiết kế khá ngộ nghĩnh với giá chỉ 34.000 đồng. Trong khi đó hàng trong nước chỉ là những ngăn hình tròn đơn điệu với giá không chênh lệch bao nhiêu”. Cầm chiếc ví vải kéo khóa hình con thú rất đẹp trong tay, chị Thúy vui vẻ nói với tôi: “Mấy cái này đẹp vậy mà giá chỉ từ 29.000-80.000 đồng. Trong khi đó, các công ty trong nước chỉ dừng lại ở hộp sắt, hộp nhựa một ngăn để tất cả bút thước vào, giá cũng có rẻ được bao nhiêu đâu (20.000-35.000 đồng/hộp – PV)”. Chị H.H, nhân viên nhà sách cho biết: “Hầu hết các đồ dùng học tập được bày bán ở đây đều là hàng Trung Quốc hoặc Thái Lan. Hàng trong nước chủ yếu là vở viết, nhãn vở, giấy kiểm tra, bút bi, bút mực…”. Chị H.H chỉ sang ngăn bút của các công ty Thiên Long, Bến Nghé, Hồng Hà rồi nói thêm: “Hàng trong nước dù có khá nhiều loại khác nhau nhưng mẫu mã không thay đổi nhiều nên dễ gây ra tâm lý nhàm chán. Còn hàng Trung Quốc được thiết kế bắt mắt với màu sắc tươi trẻ, kiểu dáng rất cầu kỳ mà giá lại ngang bằng với hàng Việt Nam. Ngay cả những chiếc gọt bút chì đơn giản cũng có hàng chục kiểu với giá từ 5.000-25.000 đồng/chiếc. Hay bộ compa (bốn chiếc) với giá dao động từ 14.000-20.000 đồng/bộ”.
Tầng 1 của nhà sách là khu bán đồ chơi. Ở đây, đa phần các sản phẩm đều xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan. Các mặt hàng được bày bán theo nhiều nhóm thu hút sự tò mò của không ít em nhỏ bởi kiểu dáng vui nhộn, màu sắc đẹp mắt. Điều đáng buồn là hàng Việt Nam cũng có nhưng không nhiều lắm trong khi giá cả lại khá cao.
Dạo qua nhiều địa điểm mua sắm ở các chợ An Đông (Q.5), Tân Bình (Q.Tân Bình), Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)…, chúng tôi nhận thấy các mặt hàng phục vụ cho HS khá phong phú về chủng loại, kiểu dáng cũng như giá cả. Bên cạnh những mặt hàng có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm định chặt chẽ thì vẫn tồn tại một số sản phẩm nhập khẩu không rõ nguồn gốc, mà phần lớn là hàng Trung Quốc. Chị Lan, kinh doanh mặt hàng này tại chợ An Đông (Q.5), cho hay: “Ở đây, trên 80% dụng cụ học sinh như bút viết, thước kẻ, gôm, hộp bút, đồ chuốt bút chì, đồ chơi… là hàng Trung Quốc, Thái Lan. Hàng trong nước được các công ty bày bán ở siêu thị hoặc có hệ thống bán hàng riêng”. Cũng theo chị Lan, người tiêu dùng thường chọn hàng ngoại vì suy nghĩ “cùng giá thành nhưng hàng của họ đẹp, mẫu lạ hơn”.
Dè dặt hàng không rõ nguồn gốc
Từ sau vụ sữa Trung Quốc nhiễm melamine, người tiêu dùng Việt Nam từ thành thị đến nông thôn đều cảnh giác, không chọn mua bất kỳ nhãn sữa nào có nguồn gốc từ Trung Quốc. Những nhãn sữa đóng gói 0,5-1kg, hoặc sữa có bao bì hiệu Con bướm, Yili… trước đây từng được bày bán ở nhiều chợ nay không còn trên thị trường. Theo ghi nhận của chúng tôi tại chợ Kim Biên và chợ Bình Tây (Q.5), các sạp này chỉ bày bán nguyên liệu sữa béo nhập từ Thái Lan hoặc Hàn Quốc, giá chừng 40.000 đồng/kg. Những thương nhân ở đây cho biết, giá sữa Trung Quốc cũng cỡ đó, nhưng nghe hiệu Trung Quốc là khách chê, lại bị quản lý thị trường kiểm tra gắt gao nên ai cũng ngại bán. Chủ một doanh nghiệp kinh doanh hương liệu thực phẩm gần chợ Kim Biên cho biết: “Sữa béo hoặc sữa nguyên kem Trung Quốc muốn mua phải quen biết, giá rẻ hơn sữa Hàn Quốc khoảng 3.000 đồng/kg. Hàng nhập tiểu ngạch, số lượng chỉ còn khoảng 1/10 trước kia, nên chủ yếu bán cho cơ sở quen lâu năm dùng làm bánh, kem, làm vỏ bánh trung thu, trà sữa… chứ không bán dạng đóng gói nhỏ 0,5 hay 1kg cho người tiêu dùng về uống trực tiếp như trước kia nữa”.
Chị Thanh Hằng (Cư xá Lữ Gia, Q.11) khẳng định: “Tôi và rất nhiều người tiêu dùng khác hiện nay không vì tham rẻ mà mua hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là sữa”. Chị Nguyễn Thị Hoàng, Tân Thuận Đông, Q.7, lưu ý: “Nghe nhiều người mách trứng gà ta có nhiều chất dinh dưỡng nên mới hôm rồi tôi ghé chợ Thái Bình, Q.1 mua thử một chục cho chị dâu mới sinh em bé ăn. Khi mua tôi đã cẩn thận cầm từng quả trứng lắc nhẹ, chọn những quả không loãng lòng. Bà chủ sạp thấy tôi nói mua cho bà đẻ ăn nên cũng đã cẩn thận đưa từng quả trứng rọi vào bóng điện kiểm tra giúp. Ấy vậy mà khi luộc chín 10 quả trứng, có đến 5 quả bị hư, mùi thum thủm. Những quả còn lại thì lòng đỏ không sẫm như trứng gà ta thường thấy ở quê mà lại có màu vàng nhạt giống như trứng gà công nghiệp, hơn nữa cái lòng đỏ cũng bé xíu chứ không to. Thấy vậy, chị dâu tôi cười, nói: “Cô mua phải trứng gà ta rởm của Trung Quốc rồi”. Ban đầu tôi không tin vì những quả trứng đó giống y hệt trứng gà ta thiệt, cũng có màu vàng nhạt, nho nhỏ như trứng gà so. Nhưng khi đọc trên báo thấy có nói về cách gian lận tẩy trắng trứng gà công nghiệp thành gà ta, tôi mới giật mình. Hóa ra chỉ vì mấy ngàn đồng mà người ta sẵn sàng sử dụng a-xít để tẩy trứng mà không quan tâm gì tới sức khỏe người sử dụng. Tôi thấy sợ và chắc chắn sẽ không dám mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc này nữa”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)