Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đồng hành cùng hàng Việt: Kỳ 2: Hàng Việt với học đường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giáo viên Trường TH Đoàn Thị Điểm (Q.4) giới thiệu đồ dùng dạy học đang dạy tại trường đều là hàng Việt

Nhiều thầy cô giáo và học sinh cho rằng: “Tâm lý “sính ngoại” hiện còn tồn tại ở một số người tiêu dùng (NTD). Nhưng đây chỉ là con số nhỏ. Phần đông người Việt đều có lòng tự tôn dân tộc. Họ vẫn luôn tin tưởng, ủng hộ hàng trong nước.

Hàng Việt không thua kém hàng ngoại    
Cô Trần Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4 cho biết: “Với tôi, hàng Việt Nam hay hàng ngoại không quan trọng, miễn là giá hợp lý, chất lượng đảm bảo. Nếu hàng Việt tốt, giá hợp lý thì không cần quảng cáo, người dân vẫn tìm mua. Chúng ta đang kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt như một lời kêu gọi về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Mà muốn làm được điều này, khâu đầu tiên cần giải quyết là các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã và điều chỉnh giá cả hợp lý”.
Hiện nay, trang thiết bị ở trường học không chỉ là các dụng cụ đơn giản mà còn có rất nhiều sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Đối với dòng sản phẩm đắt tiền này, NTD vẫn có tâm lý “chuộng” hàng ngoại hơn. “Đối với các loại văn phòng phẩm, từ trước tới nay nhà trường vẫn sử dụng hàng Việt. Tuy nhiên, với các sản phẩm thuộc về điện tử, máy móc… chúng tôi thường sử dụng hàng hóa của những thương hiệu uy tín từ nước ngoài như Toshiba, Samsung… Tôi mong rằng, các doanh nghiệp trong nước sẽ ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng hàng điện tử, công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu của NTD”, thầy Nguyễn Hào Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Q. Tân Phú chia sẻ. Còn cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, Q.11 lưu ý: “Hiện nay, NTD vẫn rất ủng hộ hàng Việt, đặc biệt là các trang thiết bị trong trường học. Tuy nhiên, để người dùng luôn luôn tin tưởng, ủng hộ hàng nội thì các nhà sản xuất trong nước cần cố gắng hơn nữa trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm, mẫu mã”.
Thầy Đặng Đình Quý, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình cho biết: “Tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình, chúng tôi sử dụng đa phần là hàng Việt. Như năm học 2010-2011, trường đầu tư mua trên 130 bộ bàn ghế, trang bị cho 9 phòng học với số tiền trên 200 triệu đồng. Số tiền dành mua tập viết làm phần thưởng cho học sinh kinh phí của trường và Hội cha mẹ học sinh là 50 triệu đồng hoặc mua ống thí nghiệm và hóa chất phục vụ cho việc học tập, làm thí nghiệm của học sinh, giáo viên cũng trên 10 triệu… Tất cả những sản phẩm này, chúng tôi đều sử dụng hàng Việt”.
Nâng cao chất lượng để “hút” người tiêu dùng
Phong trào “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” chỉ thực sự có hiệu quả khi doanh nghiệp bắt tay vào cuộc. Vì vậy, các nhà sản xuất trong nước cần cố gắng hơn trong việc cải tiến chất lượng và mẫu mã. Đồng thời, NTD cũng nên nói không với những sản phẩm không rõ nguồn gốc cũng như tích cực ủng hộ những mặt hàng có chất lượng được sản xuất trong nước.
Từ ngày 26-7-2011, sau khi được UBND TP.HCM chấp thuận và dành một khoản kinh phí để hỗ trợ những công ty được lựa chọn vào diện bình ổn giá ba mặt hàng cặp sách, tập vở và đồng phục HS, đến nay, hầu như tất cả các trường học trên địa bàn TP đều biết tới hoặc được các công ty như Hami, Miti… gửi các chương trình khuyến mại, giảm giá xuống tận trường. Theo khảo sát và tìm hiểu chúng tôi được biết, đa phần các trường trên địa bàn TP đều ưu tiên sử dụng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất. Cô Nguyễn Thị Kim Ân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5 cho hay: “Đồng phục, tập, viết, cặp sách là những sản phẩm thiết yếu của học sinh. Vì vậy, khi chủ trương của TP đi vào cuộc sống đã giúp cho phụ huynh và nhà trường giảm được rất nhiều “áp lực” về kinh phí. Riêng sản phẩm cặp, túi xách học sinh, hàng năm trường đều dành một khoản kinh phí nhất định để mua về làm phần thưởng cho các em vào cuối năm học. Túi xách Hami được rất nhiều trường ưa chuộng trong đó có Trường Tiểu học Trần Bình Trọng vì chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp. Hàng năm, chúng tôi kết hợp cùng Hội cha mẹ học sinh nhà trường dành gần 30 triệu đồng để mua loại túi xách này làm phần thưởng cho các em học sinh giỏi, xuất sắc. Không chỉ sắm văn phòng phẩm là hàng Việt, nhà trường còn tìm đến các cơ sở uy tín trong nước để cùng kết hợp lo khâu ăn uống cho học sinh lớp bán trú. Hàng tháng, nhà trường ký kết nhiều hợp đồng có giá trị lên đến trên 100 triệu đồng với các đơn vị có thương hiệu của TP nhằm mua về những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho học sinh”.
Theo bà Phạm Thị Hóa – Trưởng phòng Kinh doanh nội địa Công ty Phát hành sách Fahasa, chuẩn bị cho năm học 2011-2012, các cửa hàng, nhà sách thuộc hệ thống Fahasa tại TP.HCM đã có sẵn nguồn hàng lớn, đáp ứng nhu cầu tăng vọt của người dân. Trong đó, 5 triệu cuốn tập được tung ra thị trường phục vụ nhu cầu mua sắm của phụ huynh và học sinh trong dịp này với giá cạnh tranh nhất. “Chúng tôi đã đặt hàng từ nhiều nhà cung cấp, đảm bảo nguồn hàng tăng 20-30% so với năm ngoái. Điều đáng mừng là các công ty sản xuất cam kết giá dụng cụ và tập học sinh sẽ không tăng trong cả năm học 2011-2012”, bà Hóa cho biết. Còn ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty Túi xách Miti (Minh Tiến) tâm sự: “Mùa tựu trường năm nay, công ty chúng tôi cho ra thị trường khoảng 30 mẫu mã, chủng loại về ba lô, cặp học sinh. Sản phẩm của Miti đa dạng về màu sắc, đặc biệt chất liệu để may cặp được sử dụng bằng vải bọc chống trầy xước ở các hộp ngăn cặp để ngăn ngừa việc bong tróc, xước khi các em chơi đùa, va đập vào nhau. Ngoài ra, nhiều sản phẩm còn được thiết kế có quai đeo trợ lực nhằm giúp cho các em học sinh, sinh viên khi đeo nặng sẽ có cảm giác êm ái, nhẹ nhàng hơn”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

“Người tiêu dùng sử dụng hàng Việt hàm chứa tinh thần yêu nước, nhưng nhà sản xuất phải tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng. Nhà nước cần làm tốt công tác quản lý giá cả, bình ổn thị trường và có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp (đặc biệt là tín dụng) hợp lý, không vi phạm “luật chơi” của quốc tế. Công tác khen thưởng sản phẩm doanh nghiệp phải ngày càng đi vào thực chất để doanh nghiệp được tuyên dương không thấy ngại và người tiêu dùng không bị đánh lừa”, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phát biểu trong Lễ phát động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)