Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đồng hành cùng hàng Việt: Kỳ cuối: Hàng Việt luôn được ưu tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình làm thí nghiệm bằng đồ dùng 100% hàng Việt

Trong hai năm trở lại đây, việc sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong nước gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, họ luôn tìm cách vượt qua trở ngại để giữ chữ tín với người tiêu dùng. Trong đó, lĩnh vực giáo dục nhận được sự quan tâm sâu sắc từ nhiều cơ sở sản xuất có uy tín trong nước. Các DN đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại ưu việt để trường học luôn đồng hành cùng hàng Việt.

Đưa sản phẩm chất lượng đến mọi nhà
Ông Lê Phụng Hào, Phó tổng giám đốc Công ty Kinh Đô nhấn mạnh: “Hiện nay, người tiêu dùng (NTD) trong nước không còn chi tiêu ồ ạt mà họ luôn chọn mua những sản phẩm nội có thương hiệu, uy tín, trong đó vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đề cao. Trong mùa tết vừa qua, không chỉ Kinh Đô mà các DN khác đều bị “cháy” hàng vào phút chót. Sản lượng tiêu thụ đạt từ 100 đến 150% kế hoạch. Chính điều đó đã giúp DN định hướng phải tiếp tục xây dựng thương hiệu và chú trọng chất lượng sản phẩm”.
Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lòng tin cho khách hàng thì một trong những khâu không thể thiếu đối với nhà sản xuất chuyên nghiệp là làm sao cho sản phẩm của mình được nhiều người biết đến. Đối với lĩnh vực kinh doanh trang thiết bị trường học, các DN lớn nhỏ đã đưa ra một số hoạt động riêng để thu hút NTD. 
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số lượng sách giáo khoa (SGK), sách bổ trợ của Nhà xuất bản Giáo dục (NXBGD) đã phát hành trong quý 1 và 2 năm 2011 đạt gần 10 triệu bản. Để đạt được doanh số này, ngoài sản phẩm chất lượng và phù hợp với người dùng thì các hoạt động “bên lề” nâng cao sự ủng hộ của khách hàng cũng góp phần không nhỏ. Đại diện của NXBGD cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã tặng 4.000 bộ sách cho con thương binh liệt sĩ theo chủ trương của NXBGD. Đồng thời còn tham gia xây dựng, cải tạo và sửa chữa trường lớp cũng như tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, ủng hộ đồng bào bão lụt, giúp đỡ gia đình học sinh nghèo hàng trăm triệu đồng và nhiều sách vở…”.
Trong kế hoạch bám trụ thị trường nội địa, hệ thống phân phối là vấn đề mấu chốt đảm bảo đưa hàng đến tay NTD. Hiện nay, chính sách phát triển hệ thống phân phối của các DN có nhiều điểm tương đồng như: chen chân vào siêu thị, đưa hàng về nông thôn, miền núi… và tăng độ phủ qua kênh bán hàng truyền thống. Số DN có hệ thống phân phối riêng qua cửa hàng, điểm bán độc lập đã tăng lên rõ rệt với trên 3.000 điểm bán hàng bình ổn giá.
Hàng Việt là niềm tự hào của người Việt
Nếu so sánh với một số hàng hóa được sản xuất tại các nước ASEAN thì hàng nội không hề thua kém, thậm chí nhiều mặt hàng chất lượng còn vượt trội hơn. Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm tiêu dùng hàng nội đã lấn át được hàng ngoại với các tên tuổi như Kinh Đô, Vissan, Vinamilk, giấy Vĩnh Tiến, bút bi Thiên Long, may Nhà Bè…
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các trường học trên địa bàn TP.HCM đã tham gia tích cực với nhiều hoạt động cụ thể. Điều này được thể hiện qua việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy và học của tất cả các trường.
Trong năm học này, TP.HCM có trên 1.000 phòng học mới được đưa vào sử dụng. Cụ thể như các trường: THCS Nguyễn Văn Xê, Tiểu học Thái Mỹ (huyện Củ Chi); Mầm non Sơn Ca 3 (Q.11); THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ); Mầm non Anh Đào, Tiểu học Hoàng Văn Thụ (Q.Gò Vấp)… Theo đó, hầu hết các trường đều trang bị gần như 100% đồ dùng là hàng Việt Nam.
Trường Tiểu học Thái Mỹ trước đây có 3 cơ sở thì cả 3 đều xuống cấp. Trường chỉ có 15 lớp với khoảng 700 học sinh. Năm 2009, trường được khởi công xây mới và đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2010-2011. Số học sinh cũng tăng lên trên 1.000 em với 40 lớp học và các phòng chức năng. Thầy Nguyễn Thế Nhân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Có thể nói trường đã sử dụng 100% hàng Việt Nam. Từ các trang thiết bị phục vụ cho học sinh bán trú cho đến văn phòng phẩm… Các dụng cụ phục vụ việc dạy và học là hàng Việt Nam được mua của Công ty nhựa Chợ Lớn; giấy Vĩnh Tiến; bút bi Thiên Long… Không những thế, đồ dùng cho bếp ăn cũng 100% là hàng nội. Nhìn chung, hàng Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học ở các trường bởi bền, đẹp, giá thành phù hợp với túi tiền. Đặc biệt, khi mua hàng của các DN trong nước, chúng tôi luôn tin tưởng ở chất lượng sản phẩm do có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, việc mua sản phẩm của các DN trong nước vô cùng thuận lợi vì mọi chi phí đều được chuyển khoản”.
Ông Huỳnh Việt Trung, Trưởng ban đại diện CMHS Trường THCS Trần Phú Q.10 cho hay: “Từ nhiều năm nay, Ban đại diện CMHS luôn tìm cách hỗ trợ hết mình cho các hoạt động dạy và học của nhà trường. Hàng năm, trước khi bước vào năm học mới, Ban đại diện CMHS hỗ trợ kinh phí (khoảng 30 triệu đồng) để nhà trường tu bổ phòng ốc, mua sắm thêm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học”.
Cùng cách làm, ông Trần Ngọc Trương, Trưởng ban đại diện CMHS Trường THCS Phan Tây Hồ, Q.Gò Vấp tâm sự: “Ban đại diện CMHS luôn phấn đấu trở thành chỗ dựa cả tinh thần lẫn vật chất cho tập thể nhà trường. Phụ huynh chúng tôi đã hỗ trợ cho nhà trường từ những chậu hoa, cây kiểng cho đến phòng máy vi tính, hệ thống âm thanh hiện đại… Đặc biệt, tất cả các sản phẩm này, Ban đại diện CMHS nhà trường đều ưu tiên sử dụng hàng Việt”. Lý giải về việc này, ông Trương nói: “Sở dĩ chúng tôi chọn hàng Việt vì các công ty đảm bảo được chất lượng sản phẩm, chế độ bảo hành hàng quý được thực hiện chu đáo. Chỉ cần một chiếc ghế bị sai quy chuẩn hay chất lượng không đảm bảo là ngay lập tức đơn vị cung cấp cho người đến thay thế mà không tính thêm phí”.
Bước vào năm học 2011-2012, Q.Bình Tân đã đưa vào sử dụng 8 ngôi trường mới. Thầy Trần Hữu Vĩnh, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cho biết: “Những trang thiết bị từ nhỏ như viết bi, tập cho đến lớn như bàn ghế của học sinh, giáo viên, đồ dùng phục vụ các lớp bán trú, đồ chơi trong lớp và ngoài trời… mà quận trang bị cho các trường đều là hàng “made in Việt Nam”. Không chỉ có vậy, các trường cũng tuyên truyền để phụ huynh mua sắm cặp, giày dép cho học sinh là hàng Việt Nam”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy

Bình luận (0)