Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đồng hành cùng sĩ tử: Kỳ 2: “Tiếp sức” mặc thường phục

Tạp Chí Giáo Dục

Chạy xe ôm là công việc thường ngày của cô Võ Thị Nguyệt nhưng vào mùa thi ĐH, cô vẫn dành thời gian để chở thí sinh miễn phí…

Lần đầu khi đề nghị chở sĩ tử miễn phí, anh nhận được cái nhìn đầy nghi ngờ của cả thí sinh lẫn nhiều người. Vậy mà cho đến nay, anh đã có thâm niên 8 năm chở thí sinh không lấy tiền. Những năm gần đây, anh còn “dụ” được nhiều anh em đồng nghiệp tham gia “tiếp sức mùa thi”. Anh là Nguyễn Văn An (sinh năm 1971) thuộc đội xe ôm Bến xe Miền Đông.
“Chiến sĩ” thầm lặng
Gọi các anh như vậy thật chẳng sai, bởi những gì mà các anh làm có ý nghĩa rất lớn đối với hành trình đến với giấc mơ đại học của nhiều bạn trẻ. Năm nay, lực lượng đăng ký chở thí sinh miễn phí (chưa kể giá rẻ) tại Bến xe Miền Đông lên đến cả trăm người. Vậy là sẽ có nhiều thí sinh được giúp đỡ. Nhưng công việc, sinh hoạt thường ngày của các bác tài cũng trở nên tất bật và sẽ bị xáo trộn đôi chút. Anh An chẳng hạn, từ ngày ra quân chiến dịch đến giờ, anh túc trực liên tục tại bến xe, khi thì chia sẻ với sinh viên tình nguyện, lúc lại thăm hỏi các thí sinh. “Nhiều thí sinh tỉnh lẻ đi thi có hoàn cảnh nghèo khó lắm, lại bỡ ngỡ vì lần đầu tiên đến TP.HCM. Thương các em nhưng do không có đủ điều kiện vật chất để giúp đỡ, chúng tôi chỉ biết bỏ công sức hỗ trợ các em” – anh An chia sẻ. Giờ thì quen việc rồi nhưng những ngày đầu, anh đã khá vất vả mới thuyết phục được thí sinh leo lên xe vì ai cũng tỏ vẻ nghi ngờ trước đề nghị được chở miễn phí. Có phụ huynh đến nơi rồi vẫn cứ móc tiền ra trả mặc dù anh nhất định không lấy đồng nào. Chưa hết, vợ và hầu như mọi người thân ban đầu đều không tán thành việc anh làm. Cũng phải thôi, bởi vì hoàn cảnh gia đình anh còn lắm khó khăn, đến nay anh vẫn cùng vợ và hai đứa con sống trong nhà thuê. Vợ anh buôn bán nhỏ, thu nhập, chi tiêu trong gia đình còn trông chờ rất nhiều vào những đồng tiền chạy xe ôm của chồng. Chị còn lo cho sức khỏe của chồng khi anh quá ham “tiếp sức”. Một số người xung quanh bảo anh “khùng”, khi không lại “ôm” việc… thiên hạ. Nhưng cái “việc thiên hạ” ấy lại mang cho anh lắm niềm vui. Có khi rất mệt vì chở khách đi xa, gặp mưa gió… nhưng nhận lấy ánh mắt lấp lánh niềm vui của sĩ tử anh lại thấy ấm lòng. Một năm, hai năm… Dần rồi, mọi người cũng đã hiểu và lại còn “chung sức” với anh.
Cùng chạy xe ôm tại Bến xe Miền Đông gần 20 năm, vợ chồng chú Thạch Ngọc Khanh và cô Võ Thị Nguyệt vừa được Thành đoàn TP.HCM khen tặng vì đã góp công rất nhiều trong hoạt động tiếp sức mùa thi. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, rắn rỏi của cô Nguyệt, ít ai tin được rằng năm nay cô đã bước sang tuổi 56. Công việc tài xế đối với phận nữ đã nhọc nhằn và không phải ai cũng làm được. Thế mà, những ngày cao điểm thí sinh đổ dồn vào TP.HCM dự thi đại học, cô vẫn tận tình đưa rước.
Còn thí sinh thi, còn đi “tiếp sức”!
Nhiều cô chú, anh chị đã tranh thủ đi tân trang lại xe để chuẩn bị tiếp sức mùa thi năm nay. Bởi dù chở miễn phí nhưng các bác tài luôn mang đến cho sĩ tử và phụ huynh sự phục vụ tận tình, chu đáo nhất. Chú Thạch Ngọc Khanh kể, có những khi thí sinh ghi nhầm địa chỉ, sai số nhà hoặc tên phường nên phải mất hàng giờ chạy lòng vòng tìm kiếm. Lại có những vị khách đặc biệt mà đến tận giờ chú Khanh vẫn còn ấn tượng. Hồi ấy, chở hai cha con đi thi, do thông cảm hoàn cảnh khó khăn của họ nên chú Khanh không lấy tiền. Nhưng người cha chân chất quê mùa ấy lại cứ nhất định dúi vào tay chú… 10 ngàn đồng để bày tỏ lòng cảm ơn. Quả thật, người cha ấy cũng chẳng đủ sức để trả khoản tiền nhiều hơn vì hai cha con đi thi với vốn liếng chỉ vẻn vẹn tiền tàu xe, phải xin ở trọ và ăn cơm miễn phí. Nhận ra “mình cũng là dân lao động nghèo khó, vậy mà vẫn còn nhiều người khó khổ hơn cả mình lại không có công ăn việc làm ổn định” (lời chú Khanh) nên từ đó đến nay, chú luôn có mặt trong lực lượng tình nguyện để giúp đỡ những người như thế.
Giống như sinh viên tình nguyện, vào cao điểm, anh Nguyễn Văn An cũng đã có những đêm trắng đón thí sinh. Theo anh An, chở thí sinh đi giữa khuya thường lo hơn. Có khi chở các em đến đúng địa chỉ nhà nhưng gọi điện mãi vẫn không liên lạc được vì chủ nhà tắt máy. Những lúc ấy, anh thường đứng đợi với thí sinh hay phụ huynh cho đến khi nào liên lạc được chủ nhà mới yên tâm ra về. Vào mùa cao điểm, các bác tài cũng ít được ngủ hơn. Có khi vừa về đến nhà chợp mắt được một chút, có sinh viên gọi báo trường hợp cần giúp đỡ, các anh lại bật dậy đi ngay. Rồi cũng lắm khi đội mưa đội gió cả ngày về, các tài xế bị cảm, sốt liên miên. Thế nhưng khi hỏi dự định cho thời gian tới, ai cũng hào hứng: “Khi nào còn thí sinh thi, chúng tôi còn tiếp sức”!
Đây là năm đầu tiên anh Lê Hữu Tài (xã Trung An, Củ Chi) có mặt trong lực lượng chở thí sinh miễn phí nhưng mấy năm gần đây anh cũng đã tham gia đưa đón sĩ tử với giá rẻ. Anh Tài cho biết, chở với giá rẻ, tiền công kiếm được có thể bị giảm đi một nửa nhưng giúp được người nghèo khó, biết đâu mai này người khác sẽ giúp lại con cái mình.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Trần Đức Chuyên (đội trưởng đội tiếp sức mùa thi tại Bến xe Miền Đông) chia sẻ: “Trong lực lượng chiến sĩ tình nguyện có đội xe ôm chuyên đưa đón thí sinh giá rẻ và miễn phí nhưng vào cao điểm, các cô chú, anh chị xe ôm ở Bến xe Miền Đông cũng đã hỗ trợ nhiệt tình và phối hợp rất ăn ý với chiến sĩ tình nguyện. Nhờ vậy mà công tác “tiếp sức” cho thí sinh được nhiều thuận lợi hơn. Một số hàng quán tại khu vực bến xe này cũng hưởng ứng bằng việc giảm giá bán cho chiến sĩ và thí sinh đi thi”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)