Ứng dụng thông minh mang tên “KoVie” cho người Hàn – Việt kết nối để học ngôn ngữ và trao đổi văn hóa, ẩm thực do nhóm sinh viên, học viên cao học ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện vừa đoạt giải cao nhất tại cuộc thi khởi nghiệp “Vietnam – Korea grow together business challenge 2019”. Giải thưởng trị giá 3.000 USD.
Nhóm sinh viên viết ứng dụng thông minh học tiếng Việt – Hàn nhận giải thưởng tại Hà Nội
Theo ứng dụng này, người Việt có trình độ sơ cấp về tiếng Hàn sẽ được kết nối với người Hàn có trình độ cao về tiếng Việt để việc học tiếng thuận lợi, dễ dàng hơn và ngược lại.
“Ngôi nhà chung” để học tiếng Hàn, Việt
Cuộc thi khởi nghiệp “Vietnam – Korea grow together business challenge 2019” do Hiệp hội Thúc đẩy tăng trưởng bao trùm Hàn Việt (KOVIG) phối hợp Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức nhằm khơi dậy các ý tưởng khởi nghiệp trong cộng đồng các bạn trẻ, đóng góp vào sự phát triển chung của Hàn Quốc và Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực như nông – lâm – ngư – nghiệp, sản xuất dịch vụ, văn hóa nghệ thuật, môi trường và công nghệ thông tin… Các ý tưởng thông qua cuộc thi sẽ được ươm mầm, nuôi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi để có thể trở thành sản phẩm cụ thể phục vụ tốt cho cộng đồng.
Ứng dụng học tiếng Việt – Hàn “KoVie” đoạt giải cao nhất tại cuộc thi nhờ tính năng thông minh, thiết thực và có ý nghĩa xã hội cao khi đem vào cuộc sống. Nhóm tác giả giải thưởng cùng “xuất thân” từ ĐH Quốc gia TP.HCM gồm: Lý Phương Thanh (sinh viên năm 2 Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Quốc tế), Lê Minh Tiến (học viên cao học ngành kỹ thuật viễn thông Trường ĐH Bách khoa) và Trần Thái Hữu Lộc (sinh viên Khoa Y).
Ý tưởng khởi nghiệp đơn giản “lóe” lên từ quá trình tự học tiếng Hàn đầy trầy trật, khó khăn của nhóm trưởng Lý Phương Thanh, khi mà cứ phải liên tục “làm phiền” những người bạn Hàn Quốc thông qua những bài tập gửi nhờ họ chỉ giải. Vừa nghĩ cách học đơn giản cho mình, vừa muốn chia sẻ sự giản tiện đó đối với những người đang học tiếng Hàn như mình, Phương Thanh đã tìm cách xây dựng một cộng đồng trong đó, những người Việt có nhu cầu học tiếng Hàn và người Hàn có nhu cầu học tiếng Việt sẽ được kết nối và cùng “làm thầy” dạy qua lại cho nhau.
“Việc kết bạn người bản ngữ để học ngôn ngữ nước bạn sẽ có nhiều động lực học hơn, được sửa sai ngay, cập nhật nhanh những ngôn ngữ mới hoặc cách dùng tiếng lóng, cách viết tắt… Những kiến thức, kỹ năng này nếu đến trung tâm học thì chi phí phải trả rất cao. Với ứng dụng mà nhóm đang thực hiện, việc kết nối thuận tiện, dễ dàng hơn, ít tốn kém chi phí. Đây chính là lợi thế của ứng dụng đối với người dùng” – Phương Thanh cho biết.
Theo Phương Thanh, nếu một người Hàn mới học tiếng Việt trình độ sơ cấp gặp một người Việt cũng mới học tiếng Hàn cùng trình độ sẽ rất khó khăn để giao tiếp, thông hiểu nhau. Do vậy, ứng dụng sẽ kết nối chéo những người có trình độ cao và thấp với nhau, chẳng hạn “gắn” người Việt có trình độ tiếng Hàn sơ cấp với người Hàn có trình độ tiếng Việt cao cấp và ngược lại. Khi đó, các bên sẽ hỗ trợ, kèm cặp nhau, việc học sẽ nhanh đạt hiệu quả.
Nguồn doanh thu của ứng dụng sẽ đến từ quảng cáo cho các doanh nghiệp. Ứng dụng này tận dụng nguồn lực người bản ngữ sẵn có, hiệu quả và phù hợp “túi tiền” cho việc học tiếng Việt – Hàn. “Ngôn ngữ không ngừng phát triển nên ngay cả những giáo trình dạy tiếng Hàn – Việt uy tín cũng phải cập nhật phiên bản, giúp người học không bỡ ngỡ khi bước vào cuộc sống thực tế; nhiều tiếng lóng, cách nói ngắn gọn hơn so với sách vở… Những tính năng này sẽ được tìm thấy ở ứng dụng KoVie. Người học để lại cảm nghĩ về người bạn học trên trang cá nhân của cộng sự. Ứng dụng cũng hỗ trợ dịch tiếng Anh – Hàn – Việt và kiểm tra ngữ pháp cho người dùng” – tác giả giới thiệu.
Tăng cường giao lưu văn hóa hai nước
“Trong tương lai, nhóm mong muốn ứng dụng của mình được xếp vào những ứng dụng hàng đầu trong học tiếng Hàn – Việt; mở ra thêm những công cụ cực kỳ thông minh trợ giúp người học như: phân tích giọng nói; tô đậm từ phát âm sai để người đọc luyện những âm đó nhiều hơn; tô đậm những từ ngữ biến âm, khó phát âm qua phân tích giọng nói sau đó so sánh giữa giọng người bản ngữ với giọng người học…” – Phương Thanh bày tỏ kỳ vọng.
Góp sức xây dựng thành phố thông minh “Thực tế cuộc sống rất khác… cuộc thi. Ở cuộc thi, chúng em chỉ đưa ra ý tưởng và bản thực hiện mẫu để được ban giám khảo chấm; nhưng để đưa ý tưởng đó vào thực hiện trong cuộc sống thì rủi ro, trở ngại, thậm chí thất bại đều phải đối mặt. Cuộc thi vừa qua thực sự là những nguồn khích lệ ban đầu, là sự ghi nhận cần thiết để tạo hứng khởi để chúng em đi tiếp chặng đường đầy áp lực trên thực tế. Tuy nhiên, những ý tưởng sáng tạo dù nhỏ nhưng thiết thực, gần gũi cuộc sống, thông minh, giản tiện… chính là cách để những người trẻ, nhất là sinh viên như chúng em có thể góp sức xây dựng thành phố thông minh, phát triển…” – Lý Phương Thanh chia sẻ.
Ứng dụng “KoVie” (phiên bản mẫu) cho người Hàn – Việt kết nối để học ngôn ngữ và trao đổi văn hóa, ẩm thực |
Ngoài ra, những chức năng phụ như chia sẻ cách nấu ăn, chia sẻ câu chuyện, tìm trường du học, du lịch cũng được ứng dụng mang đến cho người dùng. Về ẩm thực, ứng dụng sẽ có hướng dẫn nấu món ăn, gợi ý danh sách nhà hàng gần nhất có món đó và tạo bài tập nhỏ trên điện thoại để nhớ công thức nấu ăn. Chức năng bình luận tại ứng dụng cho phép người dùng hiểu được sự khác nhau giữa những vùng miền, giải đáp thắc mắc trên cộng đồng… Phí dùng ứng dụng 10 đô la cho một tài khoản kiểm duyệt với nhiều tính năng cao cấp. Phiên bản miễn phí của ứng dụng cũng vẫn đầy đủ tính năng cơ bản.
Vượt qua khuôn khổ cuộc thi, ứng dụng này còn được đánh giá là có nhiều đóng góp trong củng cố, phát triển mối quan hệ Việt – Hàn, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam – Hàn Quốc.
Hiện nhóm tác giả đang tính những bước đi tiếp theo, hoàn thiện dự án, tìm cách gọi vốn đưa ứng dụng vào thực tế, mặc dù chính các em nhìn nhận, điều này không phải dễ dàng. Cả nhóm cũng sẽ có chuyến sang Hàn Quốc 4 ngày vào tháng 3-2020 để tìm hiểu, cọ xát thêm; ứng dụng trước khi đưa vào thực tế cũng sẽ có nhiều công đoạn cần nhờ phía Hàn Quốc hỗ trợ.
Mê Tâm
Bình luận (0)