Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có công văn gửi phòng GD-ĐT các quận huyện và các trường trên địa bàn, cảnh báo tình trạng học sinh đánh nhau có chiều hướng gia tăng.
Những ngày qua, lại xảy ra câu chuyện đau lòng nhưng quá quen thuộc, đó là chuyện học sinh đánh nhau mà nguyên nhân rất lãng xẹt như không chịu like và share trên Facebook, hay cùng thích một người nào đó, vì yêu mà bị từ chối, bị cấm cản, tranh giành… khiến các em nảy sinh tâm lý oán giận, hành động trả thù… nên dẫn đến bạo lực học đường. Sự kiện này đã quen thuộc bởi những hành vi bạo hành giữa các học sinh, nhất là bạo lực giữa nữ sinh với nhau từng xuất hiện cách đây không lâu và cũng nhận được sự băn khoăn, lo lắng rất nhiều từ công luận.
Hiện tượng bạo lực trong nhà trường không phải giờ đây mới xảy ra, nhưng giờ đây được nói đến nhiều hơn, vì tần suất xuất hiện càng ngày càng dày hơn. Trong khi các trường hướng đến xây dựng nhà trường thân thiện, tại sao hiện tượng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn? Và mức độ nguy hiểm trong cách hành xử của học sinh ngày càng đáng báo động? Theo thống kê của ngành công an chỉ trong quý I/2019 có 310 vụ bạo lực học đường trên toàn quốc, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT.
Một điều đáng băn khoăn nhất đó là nguyên nhân gốc rễ của nạn hành xử bạo lực là do tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp, người lớn thiếu sự thấu hiểu nên trẻ gặp phải bế tắc trong hành xử. Một bộ phận cha mẹ, thầy cô thiếu mẫu mực, vẫn sử dụng hành vi bạo lực, có thực hiện những hành vi lệch chuẩn. Nếu không khắc phục tận gốc rễ điều này thì rất khó để thay đổi xu hướng bạo lực có thể có ở con trẻ.
Tuy nhiên, xã hội cần phải hiểu rằng đa số học sinh không bao giờ mong muốn hiện tượng đó xảy ra. Chúng ta đều biết học sinh ở tuổi vị thành niên có những biến đổi phức tạp về mặt tâm sinh lý. Đồng thời, các em không có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm để xử lý các tình huống phức tạp xảy ra hàng ngày trong cuộc sống. Không những thế, ở tất cả cấp học các em đang phải chịu rất nhiều áp lực. Áp lực về học tập (phải tiêu hóa một lượng kiến thức quá lớn), áp lực từ phía kỳ vọng của phụ huynh (phải đạt thành tích cao trong học tập), áp lực từ phía bạn bè, thầy cô… Những căng thẳng từ xung đột trong mối quan hệ bạn bè này chỉ có thể được giải tỏa nếu các em nhận được tư vấn đầy đủ và khoa học từ nhà trường. Học sinh cũng là độ tuổi chưa biết đầy đủ cách ứng xử và đối phó với những áp lực, bất đồng và mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội nên rất cần sự tư vấn từ phía các nhà tư vấn chuyên nghiệp. Đó có thể là giáo viên tư vấn tâm lý ở nhà trường hoặc là chuyên gia tâm lý ở các cơ quan liên quan như phòng giáo dục, đảm nhiệm công việc góp ý, định hướng và gỡ rối cho các em khi gặp bất hòa, mâu thuẫn. Học sinh rất cần một giáo viên chuyên ngành tâm lý lứa tuổi học trò để tâm sự, chia sẻ, bày tỏ những vướng mắc về tình bạn, tình yêu, về kỹ năng giải quyết hài hòa các mối quan hệ. Có thể những lời khuyên thiết thực đó sẽ giúp học sinh cách xử lý những căng thẳng trong quan hệ bạn bè – mối quan hệ mà các em học sinh luôn đặt vị trí trọng yếu. Một điều lưu ý là chúng ta cần tránh lối nghĩ hời hợt, đơn giản rằng nhà trường hay một số tổ chức xã hội khác mở một vài lớp học dạy về kỹ năng sống trong vài tuần cho các em học sinh thì các em có được kỹ năng xử lý các tình huống của cuộc sống. Kỹ năng sống nói chung và kỹ năng giao tiếp xã hội nói riêng phải được hình thành trong quá trình giáo dục lâu dài, chứ không thể tiếp thu và lĩnh hội trong ngày một ngày hai được. Do đó, luôn cần có hoạt động tư vấn trong suốt giai đoạn học tập của các em. Trẻ hiện nay đang thiếu những sân chơi, hoạt động ngoại khóa phù hợp ở trường để giải tỏa những áp lực về thể chất cũng như tinh thần từ các phía. Do đó, nhà trường cần tổ chức những sân chơi phù hợp, hữu ích, giúp các em có những đội nhóm hoạt động.
ThS. Nguyễn Văn Tuyến
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)