Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đồng hành hướng nghiệp cùng con

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều bậc phụ huynh vịn vào lý do thương yêu con và kinh nghiệm sống của người đi trước nên có quyền quyết định nghề nghiệp thay con. Các chuyên gia tư vấn nghĩ gì về điều này?

ThS. Nguyễn Thị Hồng Loan (Hiệu trưởng Kent International College) hướng dẫn thực hiện bài tư vấn trắc nghiệm ngành nghề cho học sinh THPT tại Cần Thơ (tổ chức tháng 3-2017)

Chọn nghề theo mong muốn của cha mẹ

Ông Lê Minh Đức (Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông & Tuyển sinh Kent International College) cho biết: “Hiện nay, công tác giáo dục hướng nghiệp cho các em học sinh phổ thông được triển khai rất tốt. Trong thời gian làm công tác này, tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều bậc phụ huynh chọn nghề hộ cho con dựa trên mong muốn của mình, trào lưu xã hội hay tư vấn của người thân đã có sẵn vị thế xã hội… mà ít để ý đến suy nghĩ và năng lực thực tế của con. Chính điều đó vô tình đã tạo thêm cho các em sức ép tâm lý bên cạnh áp lực thi cử. Đôi khi vì yêu cầu của phụ huynh “quá khó với tới” khiến các em tự ti, đánh giá thấp bản thân mình, thái độ sống tiêu cực. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn không hề hay biết “những cơn sóng ngầm” như thế mà trái lại cảm thấy tự hào, hãnh diện với mọi người vì con cái học trường lớn, ngành hot, tương lai gần như đã được vạch sẵn”.

Tương tự, TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ về trường hợp một bạn trẻ đã 27 tuổi, ngày xưa đam mê ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, cha mẹ của bạn đều làm tại trung tâm y tế và buộc cậu phải học theo ngành y để ông bà sắp xếp chỗ làm. Đấu tranh mãi không được, cuối cùng cậu đành chiều theo ý gia đình. Cố gắng đủ kiểu, cậu cũng tốt nghiệp với tấm bằng trung bình. Nhiệt huyết tuổi trẻ không còn, anh chàng chán nản không muốn đi làm ở cơ quan của cha mẹ, thế là ở nhà suốt ngày chơi game, lướt net.

Theo VOV, các chuyên gia dự báo năm 2017 sẽ có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Con số này ít nhiều sẽ khiến các bậc phụ huynh lo lắng và suy nghĩ về tương lai của đứa con thân yêu. Thành công không phải là làm tốt những gì cha mẹ mong đợi mà đó là khi con được sống đúng với bản thân mình. Đã đến lúc phụ huynh hãy thay đổi quan niệm và trao quyền quyết định cho con. Chỉ khi có đam mê thực sự thì các em mới có niềm tin và sức mạnh để khẳng định mình trong thị trường lao động.

Nói như vậy không có nghĩa chúng ta đánh đồng tất cả suy nghĩ của phụ huynh là sai, trong thực tế vẫn có trường hợp con cái nghe theo “chỉ thị” của cha mẹ và có nghề nghiệp thành công. Tuy nhiên tỷ lệ tương đồng quan điểm giữa ý muốn của phụ huynh và đam mê của con cái là rất ít. Do đó, đa số các em sau khi lấy tấm bằng cho vui lòng cha mẹ sẽ không hứng thú để theo nghề hoặc quay lại với ước mơ học ngành yêu thích hoặc có một đời sống nghề nghiệp buồn tẻ không phát triển.

Sát cánh cùng con như một người bạn

Vậy, phải làm thế nào để cha mẹ thấu hiểu suy nghĩ của con? Liệu rằng những gì cha mẹ “cho là đúng” có thực sự đúng với con người thật của con không? Để trả lời những vấn đề này không thể chỉ dùng cảm tính mà cần dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học khách quan.

Gần đây, Kent International College đã giới thiệu Bộ công cụ trắc nghiệm nghề nghiệp của tiến sĩ tâm lý John Holland (Mỹ) đến rộng rãi phụ huynh và các em học sinh THPT. Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng, trong xã hội có 6 nhóm đặc tính mà mỗi cá thể có thể phù hợp với 1 nhóm hoặc nhiều hơn, đó là đặc tính Thực tế (Realistic), Nghiên cứu (Investigate), Nghệ sĩ (Artistic), Xã hội (Social), Lãnh đạo (Enterprising) và Công chức (Conventional). Tương ứng với mỗi nhóm người này sẽ có 6 môi trường làm việc và phát triển phù hợp. Phụ huynh và học sinh sẽ thực hiện bài trắc nghiệm có nội dung giống nhau, sau đó đối chiếu kết quả để đo lường mức độ hiểu biết của cha mẹ về con cái, trên cơ sở này cha mẹ sẽ hiểu được tính cách đặc trưng của con có phù hợp để học ngành mà mình kỳ vọng hay không. Đồng thời, bản thân học sinh cũng xác định được nhóm đặc tính mà mình thuộc về và giới hạn một số ngành cụ thể có môi trường phù hợp giúp các em phát triển.

Trong mắt cha mẹ, con cái luôn nhỏ bé và khờ dại. Nhưng không vì thế mà cha mẹ tước mất quyền tự do quyết định tương lai sự nghiệp cả đời của con. Cuộc trắc nghiệm này chỉ ra cho phụ huynh nhìn thấy hình ảnh rất khác của đứa con mình vẫn gặp hàng ngày. Ở ngưỡng tuổi 18, các em đã có hệ tư tưởng độc lập và cần có sự sát cánh của cha mẹ trong vai trò người bạn, người tư vấn những việc nên hay không nên làm. Dựa vào kinh nghiệm sống, cha mẹ hãy phân tích cho con thấy cơ hội phát triển của ngành nghề trong tương lai để con tự quyết định học gì, làm gì.

Mai Ngọc

Bình luận (0)