Đó là chủ đề của Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và doanh nghiệp (DN) trong nước năm 2017 do Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM tổ chức sáng 7-3.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: H.Cận |
Khó tiếp cận vốn, DN nước ngoài “thâu tóm” thị trường nội địa, không xây dựng được thương hiệu, cải cách hành chính còn nửa vời, công tác thuế “thụt lùi”… là những bức xúc, tâm tư mà DN nêu ra tại hội nghị.
Siêu thị ngoại làm khổ DN nội
Tại hội nghị, bà Lê Thanh Lâm – Phó Tổng giám đốc Saigon Food, đại diện Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP – cho biết: Hiện đang nổi lên 2 vấn đề nóng, đó là thị trường bán lẻ trong siêu thị và an toàn vệ sinh thực phẩm. Chuỗi các cửa hàng tiện lợi phát triển ồ ạt, tạo điều kiện cho các DN và người tiêu dùng có nhiều cơ hội hơn nhưng chính việc phát triển ồ ạt này khó kiểm chứng được chất lượng sản phẩm. Thậm chí một số hệ thống siêu thị thay đổi chủ và tăng chiết khấu (15-30%) làm cho giá thành bị đội lên…
Bà Lâm kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế giám sát mức chiết khấu của hệ thống siêu thị ngoại vì nếu không giám sát được việc này và mức chiết khấu của siêu thị nội không “đua” được với họ, việc kinh doanh sẽ vô cùng khó khăn.
Ông Diệp Dũng – Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op – cho biết thêm, thị trường bán lẻ nội không cạnh tranh được với nước ngoài là do: “Các tập đoàn sản xuất của các nước phát triển khi đến đầu tư tại một nước nào đó thì luôn có cả một “binh đoàn” cung ứng đi theo. Chính “binh đoàn” này làm cho các DN nội khó và gần như không cạnh tranh được với họ. Vì họ có công nghệ, tiềm lực kinh tế và những quy chuẩn quốc tế cho sản phẩm của mình. Còn chúng ta, từ hệ thống quản trị, hệ thống sản xuất, chuẩn hóa sản phẩm các DN không làm được”.
Từ thực tế này, bà Mai Hương – Giám đốc Golden – cho rằng, để DN nội cạnh tranh được với DN nước ngoài thì các hiệp hội phải xây dựng được thương hiệu riêng của mình…
Về vấn đề tiếp cận vốn, ông Kiều Huỳnh Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất thép Việt (đại diện Hiệp hội Cơ khí điện) – tâm tư: “Việc TP có nhiều chính sách khuyến khích các DN phát triển đem lại một số kết quả rất tốt. Tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ có một số DN nhất định tiếp cận được những ưu đãi này. TP cần có các cơ chế chính sách cho DN nhỏ để hình thành các tiểu khu trong KCN, xây dựng những khu nhà xưởng từ 700-1.000m2 và cho thuê trung hạn từ 5-10 năm hoặc ngắn hạn từ 3-5 năm…”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Trí – Tổng Giám đốc Capella Holdings – thì mong muốn TP rà soát lại các cơ chế, chính sách để các DN có được sự công bằng như nhau. Đặc biệt, cần tập trung những đầu mối của các DN về một sở, ngành và “đầu mối” này chính là nơi tháo gỡ những khó khăn từ đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính…
Không đùn đẩy trách nhiệm hỗ trợ DN
Ghi nhận ý kiến của các DN, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở, ban, ngành giải quyết những thủ tục đơn giản, nhanh và thông thoáng hơn…
Chủ tịch UBND TP khẳng định, bước vào giai đoạn mới đòi hỏi TP phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. Trong dài hạn, TP sẽ tập trung phát triển kinh tế ở trình độ cao hơn – Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên đổi mới sáng tạo, dựa trên hàm lượng tri thức, công nghệ tiên tiến và năng suất cao, kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng theo chiều rộng và chiều sâu, trong đó lấy tăng trưởng theo chiều sâu là hướng chủ đạo, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Hoạt động kinh tế chủ yếu của TP trong dài hạn là dịch vụ và sáng tạo, trọng tâm là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh để hướng đến mục tiêu 500.000 DN vào năm 2020; xây dựng TP.HCM trở thành TP công nghệ – đô thị thông minh và có những tập đoàn nằm trong top 500 tập đoàn hàng đầu thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu và khát vọng đó, không cách nào khác là phải nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với một lộ trình phù hợp cho từng nội dung cụ thể.
“TP tái cam kết luôn đồng hành, tạo mọi thuận lợi nhất cho DN phát triển”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Đối với các DN, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng mong muốn: Các DN phải đẩy mạnh, tăng tốc đổi mới công nghệ để đuổi kịp các DN nước ngoài; cần chủ động, mạnh mẽ trong quá trình hội nhập vì thị trường không chỉ trong nước mà còn là thị trường của các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các sở, ban, ngành đẩy mạnh cam kết đổi mới hành chính tận tụy với DN, không đùn đẩy trách nhiệm. “Thay đổi chính sách là một trong 3 đột phá cần phải thay đổi để tạo điều kiện hỗ trợ DN”, Bí thư Thăng chỉ đạo.
Huy Cận
Bình luận (0)