Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Đồng làng giữa phố

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình ông Lê Văn Dũng, P.28, Q.Bình Thạnh nhổ mạ chuẩn bị cấy lúa cho các công ruộng

Quận Bình Thạnh nằm sát quận 1, thế nhưng ngay giữa lòng phố đó, bao đời nay người dân vẫn thâm canh mỗi năm 2 vụ lúa, rau thì xanh vườn, cá đầy tăm ao. Giữa cơn lốc bỏ làng ra phố, giữa những đắt đỏ của cuộc sống phố phường, nhiều người dân nơi đây vẫn quyết bám lấy từng tấc đất tổ tiên để mưu sinh.
Người dân ở P.28 nơi tôi chuyện trò vẫn gọi vui đây là làng trong phố. Nhìn giàn mướp phía trước cửa nhà ông Năm đua hoa vàng rộm, quả xanh lủng liểng; nhìn con đường bê tông quanh co uốn lượn, những rặng dừa vút cao, thấp thoáng những mái nhà lợp tôn hay lá dừa; con sông Sài Gòn bẻ nhánh chạy qua, cánh đồng lúa sóng sánh xanh, dập dờn… tôi có cảm giác phố ở đây xa lắm!
1. Mùa này đang vào vụ hè thu. Ông Năm tranh thủ ra đồng từ sáng sớm, khi cơn mưa lúc ban trưa vừa tạnh hạt. Cái mũ tai bèo và bộ quần áo lao động lấm lem bùn đất, liềm cầm tay, ông hối hả làm cỏ cho ruộng lúa mới được hơn tuần tuổi. Nhà có cả thảy 10 công ruộng tương đương với 10.000m2, túc tắc cấy chỉ còn 2 công đang phải chờ mạ. Vợ ông mất mấy năm nay, ông sống với gia đình cậu con út đang theo chân đi phụ hồ ở các công trình bên trung tâm thành phố, cô con dâu ở nhà chăm lo gà, vịt và đứa cháu nội lên 3 rất tinh nghịch. Tôi theo chân ông, bước thấp bước cao ra đồng với bờ ruộng trơn trợt và lầy lội sau một trận mưa rào, mím chặt môi lại để không trượt chân xuống ruộng. Cánh đồng làng mướt mải xanh những sóng lúa. Xen lẫn những ô ruộng đen của đất vỡ chưa kịp cấy, cả những ô ruộng bỏ hoang, cỏ dại lau lác xanh um tùm. 
Ông Năm tên thật là Phạm Văn Ngãi, ngụ ở tổ 30, P.28, quận Bình Thạnh, đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy, 75 mà vẫn khỏe đến lạ thường. Vừa làm cỏ, ông lão vừa nói như phân bua “Giờ dân làng nhiều người bỏ lúa lắm, cấy không lời lãi gì, mà lại vất vả quá. Nhiều người chuyển đất lúa sang nuôi cá, trồng sen. Nhưng lão thì quyết không bỏ lúa, chỉ có lúa, có gạo mới nuôi sống được người ta thôi…”. Nói rồi ông lão dừng tay, đăm đăm nhìn sang đám ruộng bỏ hoang bên cạnh, nén tiếng thở dài: “Lão vẫn đi xin ruộng người ta bỏ hoang về cấy, được 3 công rồi nhưng mà sức lão không kham nổi nữa. Cứ nhìn những thửa ruộng cha ông tổ tiên khẩn hoang giờ thành đất dành cho cỏ dại mọc um tùm là đau lòng muốn bệnh. Chỉ 5 năm trước thôi, cả cánh đồng này là lúa, xanh đến mỏi mắt…”.
Ông Năm nói rằng, 1 giạ lúa (22kg – PV) chẳng đáng nhiêu đâu, chừng 80 ngàn đồng. Vụ nào trúng lắm, một công ruộng mới được 20 giạ, nhưng thường thì chỉ được 15, 16 giạ là đã thấy cao rồi. Mà có phải lúa khô là bán được đâu. Rồi phải gánh bao nhiêu là thứ chi tiêu nữa. Nên bà con bỏ ruộng nuôi cá, trồng sen âu cũng vì còn phải sống, còn phải mưu sinh…
Cứ bắt đầu mỗi vụ lúa, ông Năm lại phải đi vay nóng chừng 5, 6 triệu đồng với lãi suất 20%. Để lo cho tiền giống má, tiền phân bón, tiền công cấy, tiền thuốc trừ sâu… Đến khi thu hoạch lúa khô, bán được mới trả cả gốc lẫn lãi. Nhưng chưa bao giờ ông trả dứt được, vẫn cứ vụ này dây sang vụ kia vì lúa khô tồn chất đầy trong kho. Cái vòng luẩn quẩn, cứ thế, cứ thế quay tròn khiến một lão nông tri điền như ông bao nhiêu tháng ngày làm ruộng nhiều lúc vẫn phải buông tay đành lòng nhìn những bờ xôi ruộng mật thành đồng cỏ hoang dại.
Tôi hỏi nhà ông có nuôi cá không? Ông Năm cười móm mém: “Cả 3 công ruộng lận đấy. Nuôi đến chục năm nay rồi. Cả trồng sen, rồi thả rau muống, chăm gà vịt nữa. Con cái lão có đến 8 đứa, đứa nào cũng đã có nhà cửa chồng vợ cả rồi. Cũng nhờ đất nên cực đến mấy lão vẫn không cho đứa nào bỏ ruộng…”.
2. Vợ chồng chú Lê Văn Dũng (54 tuổi) ngụ tổ 29, P.28, quận Bình Thạnh đang thoăn thoắt nhổ mạ để cấy cho công ruộng còn lại. Nhìn thấy tôi chụp ảnh, chú cười nói, nhà báo có nhổ mạ cùng thì mới cho chụp. Ruộng chưa vỡ đất mà lội xuống mềm nhũn chân. “Từ 2, 3 năm nay rồi, chỉ cuốc lên thôi hoặc là cứ để ruộng ngâm trong nước rồi làm cỏ mà cấy chứ có máy cày gì đâu. Ruộng ít quá mà, người ta bán hết máy đi rồi…” – chú Dũng nói khi tôi khen đất ruộng mềm quá, cấy thì ngọt tay phải biết.
Nhà chú có 5 công ruộng, vào vụ thì vợ chồng cùng xắn tay làm, không mướn công vì “tiền mướn mắc lắm, những trăm rưỡi một công. Làm ruộng mà mướn thì coi như đói…”. Ngày nông nhàn chú qua thành phố làm thuê, đi phụ hồ, chạy xe ôm, vợ chú ở nhà nuôi thêm gà vịt và chạy chợ rau dưa. Vợ chú hãnh diện khoe với tôi về hai con của mình “Con gái lớn nhà cô vừa tốt nghiệp CĐ Du lịch Sài Gòn, mà bằng đỏ hẳn hoi đấy nhé, đang làm thu ngân cho một nhà hàng lớn lắm ở quận nhất được gần năm, còn cậu con trai đang học lớp 8 cũng học giỏi lắm. Rảnh là các em đều giúp cô chú làm nông cả đấy”.
Mạ cao quá gang tay, chú dặn tôi phải vặt bớt đầu mạ để cấy xuống ruộng lúa không bị ngã nhẹp. Chú nói đây là giống ngắn ngày, năng suất lúa cũng cao nhưng chỉ chừng 16 giạ/công thôi. Nếu mà nông dân chỉ trông chờ vào lúa không thì nghèo lắm, đói lắm. Giá lúa giờ rẻ như bèo, một ký lúa còn rẻ hơn cả một ký ốc bươu vàng!
Chỉ tay về phía đám ruộng bỏ hoang, chú nói chừng vài ba năm trước, nhà nào trong làng cũng có 5, 6 công lúa. Chứ giờ, dân làng chẳng mặn mà gì lúa nữa, nhà báo xem, ruộng bỏ hoang đến đen trời, ốc bươu vàng theo đó cũng ăn nên. Người ta nuôi cá, trồng sen xem ra lại khỏe hơn trồng lúa…
Tôi hỏi: Thế sao chú không bỏ lúa mà ươm sen, thả cá?
– Nhà chú đất ruộng không thuận nước. Với lại có mấy công chỉ để trồng lúa thôi, ai lại bỏ. Chú tính vài bữa nữa bà con nào bỏ đất thì xin để thả vài con cá kiếm thêm chút đỉnh…
– Thế sau này cô chú có định để con mình làm nông không?
– Làm nông nghèo nhưng không có hạt thóc thì đói. Cô chú không ép, chỉ mong sao tụi nhỏ không bỏ đất, bỏ làng mà đi…
3. Cây lúa, là miếng cơm manh áo mà vẫn cứ mang phận bần hèn như bao đời nay người nông dân phải gánh. Nhưng những người nông dân tôi gặp vẫn thiết tha bám ruộng, bám làng và không nguôi hy vọng dù nghèo khó. Với họ, chỉ có đất, có ruộng từ thời tiên tổ cha ông mới cho họ một cuộc sống trù mật.
Đâu đó, trên những ô ruộng bỏ hoang, lũ trẻ trong làng rủ nhau cầm giỏ đi bắt ốc bươu vàng về cho vịt, giỏ nào cũng nặng đầy. Theo sau chân ông Năm, tôi đi trên con đường ruộng lầy lội, qua những ô ruộng xanh, cả những đám sen thơm ngát rung rinh trên những thửa ruộng sủi đầy tăm cá. Phía sau lưng, những tòa cao ốc chót vót nơi quận 1 đã lên đèn, mặt trời chênh vênh lặn. Mùi củi đốt bếp dìu dịu xen lẫn mùi nồng nồng của đất bùn. Trong bóng tối lờ nhờ, tôi vẫn thấy dòng sông Sài Gòn miệt mài chảy, miệt mài như đời đồng quê, như ông Năm, như con cái ông, như vợ chồng chú Dũng, như những người nông dân giữa phố. Phố với xập xình nhạc, với lượt là áo quần, phấn son, ngay ngoài kia mà sao tôi thấy như xa lắm, xa lắm…
Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)