Hội nhậpThế giới 24h

Động lực mới cho quan hệ Trung Quốc – Nga

Tạp Chí Giáo Dục

Hai nước đã ký kết và ra tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm Trung Quốc trong 2 ngày 16 và 17-5 để thảo luận về một loạt nội dung như năng lượng, thương mại, Ukraine, châu Á… Đây là chuyến thăm thứ 2 của ông Putin tới Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác "không giới hạn" năm 2022.

Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Putin ở thủ đô Bắc Kinh hôm 16-5, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ luôn là đối tác tốt của Nga. Theo ông Tập Cận Bình, quan hệ hai nước hiện nay là thành quả phải vượt qua khó khăn mới đạt được nên hai bên cần tiếp tục bồi đắp và nuôi dưỡng. Nhờ những nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Trung Quốc – Nga đã không ngừng tiến triển, bên cạnh sự phối hợp chiến lược toàn diện và hợp tác sâu hơn về kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng…

Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh điều này đã đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định chiến lược toàn cầu và thúc đẩy dân chủ trong các mối quan hệ quốc tế. Ông Tập Cận Bình cũng nhận định chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Vladimir Putin ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ mới cho thấy chính phủ Nga rất xem trọng việc phát triển quan hệ với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi văn kiện tại cuộc gặp  ở thủ đô Bắc Kinh hôm 16-5 Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi văn kiện tại cuộc gặp ở thủ đô Bắc Kinh hôm 16-5. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, theo hãng thông tấn TASS, Tổng thống Putin nhấn mạnh sự hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề thế giới hiện nay đóng vai trò là một trong những yếu tố ổn định chính trên trường quốc tế. Theo ông Putin, Nga và Trung Quốc cùng nhau duy trì các nguyên tắc công lý và trật tự thế giới dân chủ phản ánh thực tế đa cực và trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc đang hợp tác thành công tại Liên Hiệp Quốc, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Giờ đây, theo Tổng thống Nga, hai bên quyết tâm hài hòa hơn nữa các tiến trình hội nhập trong quan hệ Á – Âu, kết hợp tiềm năng của Cộng đồng Kinh tế Á – Âu và Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ông Putin cũng bày tỏ hy vọng chuyến thăm lần này sẽ mang lại động lực bổ sung cho sự phát triển toàn diện của hợp tác song phương.

Tại cuộc họp báo sau hội đàm, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết ông và Tổng thống Putin đã ký kết và ra tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phối hợp trong kỷ nguyên mới nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo này chứng kiến việc ký kết một số văn kiện hợp tác liên chính phủ, liên ngành quan trọng, tạo động lực mới, mạnh mẽ cho sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung – Nga.

Trong khi đó, theo đài RT, Tổng thống Nga cho rằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương không nên có các khối quân sự vì chúng có thể làm suy yếu sự cân bằng an ninh. Cũng theo ông Putin, cả Moscow và Bắc Kinh đều đang theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập khi cố gắng xây dựng một trật tự thế giới "đa cực, dân chủ và công bằng bằng hơn" với vai trò trung tâm của Liên Hiệp Quốc.

Hợp tác thương mại phát triển

Tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi mức độ hợp tác sâu sắc giữa hai cường quốc, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại. Hai nước đã xây dựng một danh mục đầu tư vững chắc trong nhiều lĩnh vực. Ông cũng lưu ý phần lớn giao dịch giữa hai nước hiện được thực hiện bằng đồng tiền quốc gia, đồng thời cho rằng đây là sự thay đổi "kịp thời", dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thương mại. Theo ông Putin, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc tăng gần 25% trong năm 2023, đạt 227 tỉ USD. Kết quả này chủ yếu được thúc đẩy bởi Trung Quốc nhập khẩu dầu từ Nga, đồng thời xuất khẩu ô tô, đồ điện tử và thiết bị công nghiệp sang nước này.

Tổng thống Nga cho biết thêm dù Moscow chưa bao giờ tìm kiếm việc "phi đô la hóa" kinh tế quốc gia hoặc quốc tế, tiến trình này là "không thể tránh khỏi". Theo đài RT, nhà lãnh đạo này đặc biệt chỉ trích Mỹ vì sử dụng đồng tiền của mình như một "công cụ chiến đấu" và cho rằng điều này đang làm suy yếu niềm tin toàn cầu. Sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, Mỹ đã ngăn Ngân hàng Trung ương Nga giao dịch bằng USD và sau đó cấm xuất khẩu tiền USD sang Nga. Đáp lại, ông Putin cho rằng các biện pháp hạn chế này chỉ làm giảm sức mạnh nền kinh tế Mỹ.

H.Phương

Theo Xuân Mai/NLĐO

 

 

Bình luận (0)