Tại TP Biên Hòa (Đồng Nai) và các huyện có nhiều khu công nghiệp tập trung, trường lớp vẫn luôn rơi vào tình trạng quá tải, có nơi 2.300 HS phải nhồi nhét trong 23 phòng học.
Xe hợp đồng đưa đón học sinh bán trú. |
Học sinh tăng theo công nhân
Trường Tiểu học Trảng Dài (TP Biên Hòa), năm học này không còn phải học ca ba như các năm trước nhờ được xây mới thêm 8 phòng học nhưng học sinh đang phải học dồn lớp. Với trên 3.400 học sinh, trong khi trường có 64 lớp, sĩ số từ 55-60 học sinh/lớp.
Thầy Hiệu trưởng Thái Bình Minh cho rằng, điều kiện học như thế này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý cũng như tâm lý của giáo viên, phụ huynh và chất lượng học tập của học sinh. Chính quyền phường Trảng Dài nhận định nếu không xây thêm trường thì năm học sau học sinh sẽ không thoát khỏi cảnh học ba ca.
Ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng hiện nay giải quyết việc học bán trú đang khó khăn, do thiếu trường lớp. Vì vậy tỉnh đang kêu gọi xã hội hóa giáo dục, có khoảng 70% trường ngoài công lập đã xây dựng trường bán trú. Trong khi đó người dân nhìn chung đều không nghĩ đến cho con học bán trú ở trường ngoài công lập bởi vấn đề học phí quá khả năng đối với đồng lương công nhân.
|
Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (phường Long Bình), cũng là điểm trường luôn quá tải học sinh. Tổng số học sinh toàn trường là 2.300 em, nhưng chỉ có 23 phòng học.
Thầy Trần Văn Tâm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có thể phải tổ chức dạy và học ca ba cho 3 lớp ba vì phòng học không đủ để đáp ứng yêu cầu. Nhà trường cũng đã nhiều lần kiến nghị được xây thêm phòng học, dù chỉ là những phòng học tạm để giải quyết tình trạng quá tải học sinh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Giáp ranh với TP Biên Hòa, là xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) nơi có Cty Changsin với trên 20.000 công nhân làm việc. Vì vậy áp lực trường lớp ở địa phương này cũng đang tăng nhanh. Dù đã có 2 trường tiểu học, nhưng địa phương này cũng đang rơi vào tình trạng quá tải học sinh. Hằng năm khối lớp 1 luôn tăng thêm 3 – 4 lớp.
Cho con học ở nhà cô giáo
Giải quyết việc học quá tải đã khó, thì việc mở ra các trường bán trú lại càng khó cho ngành giáo dục Đồng Nai. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, cho biết, nhu cầu học bán trú ở TP Biên Hòa rất cao, nhưng hiện nay chưa đáp ứng được. Phần lớn, công nhân viên chức đều muốn cho con học bán trú, nhưng trường lớp hiện nay còn thiếu. Quỹ đất ở thành phố cũng không có để xây trường đạt chuẩn.
Không có trường bán trú, hầu hết các gia đình có con học tiểu học đều muốn cho con học bán trú một buổi tại trường, một buổi tại nhà cô giáo. Chị Hoàng Thị Mỹ, công nhân làm việc tại Cty Fasy (TP Biên Hòa) có hai con đang học lớp 3 và lớp 1 kể, mỗi buổi sáng chị đưa đến trường, đến trưa tan học cô giáo chủ nhiệm lớp hợp đồng xe đưa học sinh về nhà cho ăn cơm trưa, đến chiều cô dạy thêm và cuối buổi thì bố mẹ đến đón về. Mỗi tháng, chị Mỹ phải đóng cho cô giáo 1,1 triệu đồng bao gồm các khoản tiền xe, ăn, học. Tiền lương công nhân của chị Mỹ coi như gần hết cho việc học của hai đứa con…
Đức Minh / TPO
Bình luận (0)