Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đồng Nai: Hơn 30 ngàn học sinh được tư vấn tuyển sinh sau dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi tư vấn tại Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân và Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ngày 30-6 đã khép lại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” năm 2020 tại tỉnh Đồng Nai. Theo đó, chương trình đi qua 45 ngôi trường, tư vấn trực tiếp cho hơn 30 ngàn học sinh THPT…

Ban tư vấn giải đáp các thắc mắc cho học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh

Chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế -Tài chính TP.HCM.

Kích hoạt tinh thần sau dịch Covid-19

Chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2020 tại tỉnh Đồng Nai được khởi động từ đầu tháng 6. Đây là thời điểm học sinh vừa đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19 và cũng là thời điểm giáo viên, học sinh lớp 12 gặp phải không ít áp lực vì những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh của một số trường ĐH, CĐ. Trước những lo lắng, trăn trở trong việc thi cử, lựa chọn ngành nghề của học sinh, chương trình đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, kích hoạt tinh thần cho các em. Nói về việc này, thầy Phạm Tiến Chương (Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân) cho biết: Trước những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như cách xét tuyển đầu vào của một số trường ĐH, CĐ, giáo viên trong trường đã tư vấn, thông tin đến học sinh những điểm mới, thay đổi của kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng khi được các chuyên gia đến từ nhiều trường ĐH, CĐ tư vấn trực tiếp tạo nhiều thuận lợi hơn cho học sinh, giúp các em có cái nhìn khách quan, cụ thể hơn. Qua đó các em xác định được ngành nghề, trường học phù hợp với bản thân.

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác tư vấn tuyển sinh, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ: “Chương trình tư vấn đã kịp thời kích hoạt tinh thần học tập và giải đáp sâu những câu hỏi về học hành, thi cử và nghề nghiệp cho các em học sinh. Các chuyên gia từ nhiều trường ĐH, CĐ cũng đã chia sẻ những bí quyết để các em chọn được phương thức tuyển sinh phù hợp nhất với bản thân. Với sự đầu tư, tổ chức chu đáo từ phía ban tổ chức cùng với sự quan tâm của thầy cô và học sinh các trường THPT, tôi tin rằng năm nay tỉ lệ học sinh tỉnh Đồng Nai đậu vào các trường ĐH, CĐ sẽ cao hơn các năm trước”.

Ở góc độ khác, TS. Hà Thúc Viên (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức) cho rằng chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” của Báo Giáo dục TP.HCM là kênh kết nối trực tiếp giữa học sinh với các trường ĐH, CĐ, giúp các trường ĐH, CĐ mang thông tin của đơn vị đến với học sinh nhiều hơn, tốt hơn và nhanh hơn từ chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo cho đến cơ hội việc làm sau khi ra trường để các em an tâm lựa chọn.

Học sinh thỏa mong đợi

Ban tư vấn giải đáp các thắc mắc của học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân

Trong chương trình tư vấn tại Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, em Trần Thị Khánh Linh (học lớp 12 văn) băn khoăn: “Em nghe nói ngành quản trị luật có đào tạo song ngành, tốt nghiệp nhận 2 văn bằng. Vậy, nếu em học ngành luật sau đó học tiếp văn bằng 2 về quản trị kinh doanh thì có khác gì với việc học ngành quản trị luật?”. Với câu hỏi này, ThS. Phạm Tiến Dũng (đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết, nếu chọn ngành quản trị luật, sinh viên chỉ mất 5 năm học ra trường nhận 2 bằng: Cử nhân luật và quản trị kinh doanh. Với ngành này, sinh viên chỉ có việc cố gắng học tập để hoàn thành số tín chỉ theo quy định chứ không cần phải đăng ký học phần vào mỗi học kỳ. Trong khi đó, nếu học luật sau đó học tiếp văn bằng 2 về ngành quản trị kinh doanh thì phải mất 5,5 năm. Không chỉ vậy, muốn học văn bằng 2 thì người học phải có văn bằng 1 (tức phải có bằng cử nhân luật trước khi học quản trị kinh doanh) và sau mỗi học kỳ, sinh viên phải đăng ký học phần để tích lũy tín chỉ, chưa kể có những học phần đăng ký không được vì đã đủ chỉ tiêu; do đó các em phải đợi học kỳ sau rất mất thời gian. “Nếu đã xác định được hướng đi, muốn có 2 bằng: Cử nhân luật và quản trị kinh doanh, các em nên chọn ngành quản trị luật sẽ có lợi thế hơn”, ThS. Dũng khuyên.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Chuyên gia trao đổi thông tin với học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân

Chuyên gia giải đáp thắc mắc cho học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân

Trong khi đó, tại Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân, em Vũ Anh (học lớp 12C14) hỏi: “Trong quá trình học, sinh viên có được chuyển từ ngành này sang ngành khác không?”. Giải đáp câu hỏi này, ThS. Cao Quảng Tư (Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn) khẳng định: Tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nhà trường chỉ cho sinh viên chuyển trong chuyên ngành chứ không được chuyển từ ngành này sang ngành khác nếu chưa kết thúc thời gian đào tạo. “Trước khi chọn ngành, các em nên cân nhắc thật kỹ, chọn ngành nào chắc ngành đó chứ không nên chuyển đổi mất thời gian, công sức. Năm 2020, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có học bổng hỗ trợ sinh viên với điều kiện các em phải có điểm thi tốt nghiệp THPT từ 22 trở lên; đạt 750 điểm đối với kỳ thi đánh giá năng lực…”, ThS. Tư cho biết.

Bài, ảnh: Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)