Hội nhậpThế giới 24h

Đông Nam Á phản đối Mỹ do thám

Tạp Chí Giáo Dục

Lãnh đạo tình báo Mỹ cho rằng châu Âu không nên phàn nàn chuyện nguyên thủ của họ bị Washington do thám bởi chính những nước này cũng làm điều tương tự với các nhà lãnh đạo Mỹ

Một số nước Đông Nam Á đã có phản ứng giận dữ sau khi thông tin rò rỉ từ “người thổi còi” Edward Snowden cho thấy họ cũng là mục tiêu bị do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).
90 cơ sở do thám khắp thế giới
Phản ứng trên được đưa ra sau khi tạp chí Der Spiegel (Đức) gần đây đăng tải một bản đồ đề ngày 13-8-2010, trong đó cho thấy 90 cơ sở do thám được đặt tại các đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ khắp thế giới. Theo bản đồ, đại sứ quán Mỹ tại một số nước Đông Nam Á, như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Philippines… cũng thuộc số những nơi có đặt cơ sở do thám.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa hôm 29-10 cho biết nước này sẽ phản đối mạnh mẽ nếu xác nhận có cơ sở do thám bên trong Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta. Ông tuyên bố: “Một cơ sở như thế là điều không thể chấp nhận được nếu nó thật sự tồn tại”. Ông cho biết thêm Indonesia thường xuyên nâng cấp khả năng bảo mật của các hệ thống thông tin liên lạc ngay cả trước khi thông tin về hoạt động do thám của Mỹ bị tiết lộ.
Những khu vực được cho là có đặt cơ sở do thám của Mỹ ở Đông Nam Á Ảnh: THEMALAYMAILONLINE.COM
Trong khi đó, ông Ismail Sabri Yaakob, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp dựa trên nông nghiệp Malaysia, đã kêu gọi chính phủ phản đối nếu Mỹ quả thật sử dụng đại sứ quán tại Kuala Lumpur cho hoạt động do thám. Ông nói với trang tin tức The Malay Mail Online: “Việc do thám nước khác là hành động sai trái. Họ phải chấm dứt sử dụng Kuala Lumpur như một nơi do thám. Chính phủ cần phải phản đối Mỹ vì điều này”.
Ngoài khu vực Đông Nam Á, Mỹ còn đặt các cơ sở do thám ở Nam Á và Đông Á. Tại Đông Á, nỗ lực do thám của Mỹ tập trung vào Trung Quốc thông qua các cơ sở ở Thượng Hải, Thành Đô và Đài Loan. Mỹ cũng vận hành 8 cơ sở do thám tại Nam Á, trong đó có Ấn Độ và Pakistan. Theo bản đồ, Trung Đông và Bắc Phi có không quá 24 cơ sở do thám của Mỹ. Điều đáng nói là không có cơ sở do thám nào được đặt tại Úc, New Zealand, Anh, Nhật và Singapore – những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. Theo một bản đồ khác được Der Spiegel đăng hôm 29-10, một đơn vị được gọi là Cơ quan Thu thập Đặc biệt, tập hợp các nhân viên của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ và NSA phụ trách hoạt động do thám nói trên.
Châu Âu cũng “do thám lãnh đạo Mỹ”
Tại Mỹ, các lãnh đạo tình báo tiếp tục lên tiếng biện hộ cho hoạt động do thám trước sự chỉ trích ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế. Xuất hiện tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm 29-10, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper khẳng định Washington không do thám bừa bãi các nước. Theo ông, châu Âu không nên phàn nàn chuyện nguyên thủ của họ bị Washington do thám bởi chính những nước này cũng làm điều tương tự với các nhà lãnh đạo Mỹ. Quan chức này nói thêm rằng Tổng thống Barack Obama và giới chức cao cấp Nhà Trắng biết rõ về hoạt động do thám nguyên thủ các nước bạn bè với Mỹ, tương phản với những tuyên bố mà các quan chức đưa ra trước đó.
Khi được hỏi về cáo buộc thu thập dữ liệu cuộc gọi điện thoại ở Pháp, Tây Ban Nha và những nơi khác, tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA, cho biết những dữ liệu này thực ra do các cơ quan tình báo châu Âu thu thập và chia sẻ với NSA sau đó. Theo ông, NSA nhận dữ liệu từ các đối tác NATO như là một phần của chương trình được đề ra nhằm bảo vệ các lợi ích quân sự. Ông bác bỏ cáo buộc chương trình này nhằm vào công dân châu Âu nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Tại cuộc điều trần, ông Mike Roger, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, thúc giục các nghị sĩ khác không nên loại bỏ những công cụ giúp ích cho nỗ lực chống khủng bố. Ông nhận định: “Chúng ta không thể yêu cầu FBI (Cục Điều tra Liên bang) truy tìm những kẻ có âm mưu tấn công khủng bố nhưng lại không cung cấp cho họ thông tin cần thiết”. Tuy nhiên, một số thành viên khác của ủy ban dự báo rằng các chương trình do thám của Mỹ sẽ được cải tổ. Trước mắt, theo hãng tin Reuters, Tổng thống Obama gần đây đã ra lệnh cho NSA hạn chế nghe lén trụ sở Liên Hiệp Quốc như là một phần của việc xem xét lại hoạt động do thám sau khi bị các đồng minh chỉ trích.
Trong một diễn biến khác, ông Dmitri Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm 30-10 đã bác bỏ cáo buộc Moscow đã tìm cách do thám các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao G20 tại St. Petersburg vào tháng rồi. Theo thông tin trước đó của 2 tờ báo Ý, Nga đã tặng các phái đoàn dự hội nghị ổ đĩa USB và cáp sạc pin điện thoại có chứa mã độc để trộm dữ liệu nhạy cảm trong máy vi tính và điện thoại di động của họ. Theo ông Peskov, thông tin này là một động thái nhằm gây sao nhãng sự chú ý của dư luận đối với các cáo buộc do thám nhằm vào Mỹ.
Mỹ – Nhật xây dựng mạng lưới nghe lén dưới nước
Tờ Văn Hối của Hồng Kông mới đây cho biết NSA vào năm 1989 thành lập một nhóm nghiên cứu các biện pháp lấy thông tin từ cáp quang, đặt nền móng quan trọng cho kế hoạch theo dõi nhằm vào Trung Quốc và một số nước có liên quan.
Ngoài ra, Mỹ bí mật hợp tác với Nhật Bản thiết lập mạng lưới tình báo mặt nước – đáy biển phức tạp để giám sát hoạt động quân sự của Trung Quốc. Mỹ xây dựng căn cứ quân sự ở cả Guam và Hawaii vốn có rất nhiều cáp quang xuyên Thái Bình Dương đi qua các khu vực này. Hải quân Mỹ còn triển khai đội quân do thám đáy biển chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, sử dụng công nghệ thông tin hiện đại tiến hành nghe lén cự ly xa. Mặc dù trận địa nghe lén nói trên hiện chưa thể xác định được vị trí chính xác nhưng tàu ngầm Trung Quốc một khi bắt đầu rời cảng thì sẽ bị phát hiện.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)