Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đồng phục học sinh: Cần, nhưng phải chuẩn mực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các nữ sinh Trường THPT An Lạc trong trang phục áo dài trắng

Ngày 17-6, Bộ GD-ĐT ra dự thảo thông tư về việc mặc đồng phục dành cho học sinh các cấp học. Theo đó, đồng phục của nữ sinh, nếu là váy bắt buộc váy phải phủ đầu gối; áo dài trắng chỉ dành cho nữ sinh THPT; cả nam lẫn nữ sinh không được mang dép lê, nghĩa là dép phải có quai hậu… Văn bản này dù có muộn, nhưng được xã hội đồng tình.
Mỗi nơi một vẻ
Đối với học sinh các tỉnh phía Nam, đặc biệt TP.HCM, việc học sinh mặc đồng phục đã thực hiện từ nhiều năm nay. Vì thế, quy định này không có gì mới, nhưng vẫn rất mới. Bởi đồng phục học sinh giữa các trường còn quá nhiều khác biệt, thiếu tính đồng nhất. Thậm chí, có trường bắt buộc học sinh đến trường bằng bộ đồng phục (từ màu sắc đến phối trí những kẻ sọc và cả logo tên trường) có thể do chính ý tưởng của hiệu trưởng hay một nhóm người, nhìn vào thấy rất cầu kỳ, màu sắc rực rỡ, không phù hợp với môi trường học tập. Trưởng phòng GD-ĐT của một quận bức xúc: “Trong điều lệ nhà trường không bắt buộc màu áo của học sinh. Vì vậy, chúng tôi đâu cấm các trường tự quy định màu áo học sinh của họ được. Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT cũng cần quy định rõ màu áo học sinh. Theo ý kiến cá nhân tôi, đồng phục học sinh, dù là nam sinh hay nữ sinh bắt buộc áo phải màu trắng và quần phải màu xanh dương. Giáo dục luôn cần sự đồng nhất về một vài phương diện nào đó”. Tuy nhiên, một hiệu trưởng khác lại cho rằng: “Sở dĩ chúng tôi chọn màu áo để các em sau khi ra khỏi cổng trường phải biết ý thức màu áo của trường mình để không làm điều gì xấu ảnh hưởng đến tên tuổi của trường”. Nếu có dịp đến các trường dân lập mang mác “quốc tế”, hầu như nữ sinh các trường này đến trường với chiếc váy khá ngắn. Cô Lê Thị Huyền D, giáo viên bộ môn văn một trường THPT nói: “Trang phục giúp tôn thêm vẻ đẹp, nhưng trang phục cầu kỳ quá hay nhí nhố (dù là một chút) hoặc rực rỡ không những trông lạ kỳ mà còn bị triệt tiêu cái đẹp. Đặc biệt đối với học sinh, trang phục cần đơn giản. Tôi rất khó chịu khi nhìn những nữ sinh mặc váy quá ngắn. Tôi không hiểu lãnh đạo các trường này nghĩ gì?”.
Cần đồng nhất 
TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: “Đồng phục là hình thức tổ chức kỷ luật của một tổ chức trường học nên cần thiết phải nhẹ nhàng, đơn giản và phù hợp với lứa tuổi học sinh, để vừa đảm bảo sự kín đáo, vừa nhẹ nhàng, gọn gàng phù hợp với sinh hoạt của các em học sinh trong từng lứa tuổi. Do đó đề nghị các trường đừng biến đồng phục học sinh thành những trang phục màu sắc cầu kỳ vừa tốn kém lại vừa không phù hợp với các em. Một số trường đã bày ra những lễ phục giống y phục của người tốt nghiệp đại học đó là sự lạm dụng và cần phải chấn chỉnh”.
Những năm gần đây, nữ sinh các trường THPT công lập TP.HCM, hầu hết đều mặc váy lửng. Cô Nguyễn Ngọc Lang, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, TP.HCM cho biết: “Nhiều năm học trước đây và cho đến những năm học sau này, nữ sinh Trường THPT Marie Curie mặc váy lửng đến trường. Mẫu váy dành cho nữ sinh do nhà trường cùng một vài nhà thiết kế vẽ mẫu. Váy dài che đầu gối. Sở dĩ chúng tôi để nữ sinh mặc váy vì thời tiết và khí hậu miền Nam chỉ có hai mùa: mưa và nắng. Vào mùa mưa, các em mặc áo dài, nếu bị mắc mưa áo ướt sũng trông rất khó chịu. Còn mùa nắng, nhìn các em xăn tay áo thấy “không giống ai”. Cho nên, dẫu biết nữ sinh mặc áo dài rất đẹp, nhưng nhà trường cũng chỉ bắt buộc mặc vào ngày thứ hai thôi”. Cô Dương Thị Trúc Bạch, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM cũng có ý kiến tương tự. Cô Bạch nói thêm: “Truyền thống của Trường Áo Tím rồi Trung học Gia Long và nay THPT Nguyễn Thị Minh Khai, chiếc áo dài luôn gắn bó. Tuy nhiên, trong sự năng động của cuộc sống hiện nay, việc nữ sinh mặc váy lửng đến lớp, tôi nghĩ không có gì phàn nàn. Điều đáng nói là chiếc váy thiết kế như thế nào? Thiết kế đó có phù hợp với dáng dấp các em hay không? Ở trường chúng tôi, chiếc váy của nữ sinh bắt buộc phải kín đáo”. Thầy Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM cho biết: “Học sinh ở bậc THPT đang trong độ tuổi phát triển cả về thể xác lẫn tâm hồn. Đối với nữ sinh, khi đến lớp học nếu mang áo dài rất đẹp. Chiếc áo dài thể hiện và là biểu tượng của vẻ đẹp thanh cao, e ấp lẫn kín đáo. Đồng thời chiếc áo dài cũng chính là chiếc áo của phụ nữ Việt Nam. Nhưng, trong xu thế phát triển hiện nay cộng với yếu tố thời tiết khí hậu, không nên bắt buộc các em phải mặc áo dài suốt thời gian đến trường. Bởi nó rất gò bó. Để giữ truyền thống, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi chỉ yêu cầu nữ sinh mặc áo dài vào ngày thứ hai. Các ngày còn lại mặc váy (không mặc quần tây để đồng nhất). Và váy may theo mẫu của trường, chiều dài bắt buộc phải vượt qua đầu gối. Đối với nam sinh, chúng tôi bắt buộc mặc áo sơ-mi trắng và quần dài màu xanh dương. Tất cả nữ sinh và nam sinh đều mang xăng đan hay giày, tuyệt đối không được mang dép vào trường”. Theo ghi nhận của chúng tôi, những mẫu váy dành cho nữ sinh của các trường THPT như: Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Đĩnh Chi, Trần Phú, Marie Curie, Lê Quý Đôn rất đẹp và thanh nhã với hai màu chủ đạo: áo màu trắng và váy màu xanh dương. Tuy nhiên, nhìn vào vẫn thấy sự khác nhau giữa các trường ở khâu thiết kế các đường diềm. Điều đó cũng bình thường, bởi: đó cũng là một cách riêng. Điều nhiều người còn băn khoăn khi trao đổi với chúng tôi là Bộ GD-ĐT cần quy định rõ màu áo và màu quần dành cho học sinh một cách cụ thể để có sự đồng nhất. Môi trường sư phạm là môi trường thuần khiết, hãy gieo vào các em sự thuần khiết ngay trên màu sắc trang phục.
Trần Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)