Hội nhậpThế giới 24h

Đồng rúp rớt giá, rút tiền ồ ạt ở Nga sau cuộc binh biến của Wagner

Tạp Chí Giáo Dục

Cuộc binh biến của Wagner khiến nhu cầu tiền mặt tăng đột biến trên khắp nước Nga, đồng thời khiến đồng rúp giảm giá.
Đồng rúp giảm giá sau cuộc binh biến của Wagner ở Nga.
Nhu cầu rút tiền tăng mạnh trong ngày 24.6 tại 15 khu vực của Nga trong cuộc nổi dậy ngắn ngủi của công ty quân sự tư nhân Wagner.
RT đưa tin, Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Andrey Belousov tiết lộ hôm 26.6 rằng, nhu cầu rút tiền mặt đã tăng 30% trên khắp nước Nga và lên tới 80% ở các khu vực phía nam như Voronezh, Lipetsk và Rostov-on-Don.
Ông Belousov cho biết, Ngân hàng Trung ương Nga đã ngăn chặn bất kì vấn đề nghiêm trọng nào bằng cách "bơm" cho các ngân hàng khu vực khoản tiền mặt gấp ba lần và đảm bảo tình hình trở lại bình thường.
Thứ trưởng Belousov nhấn mạnh, đến ngày 25.6, nhu cầu bắt đầu giảm, hiện tại tình hình đã hoàn toàn ổn định.
Evgeny Prigozhin – người đứng đầu Wagner – đã phát động cuộc nổi dậy vào ngày 23.6 chống lại giới lãnh đạo quân sự Nga. Các đơn vị vũ trang chiếm giữ một trụ sở quân sự ở Rostov-on-Don, một số lực lượng khác tiến về Mátxcơva.
Tuy nhiên, vào tối 24.6, Prigozhin đồng ý dừng cuộc tiến công về thủ đô của Nga và đưa quân trở về căn cứ để đổi lấy “sự đảm bảo an ninh” như một phần của thỏa thuận với Điện Kremlin, do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian.
Trong bối cảnh đó, sáng 26.6, đồng rúp Nga giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.2022. Đồng tiền Nga ban đầu giảm hơn 2%, xuống mức 87 rúp đổi 1 USD trong những phút đầu tiên giao dịch tại Mátxcơva – mức yếu nhất kể từ ngày 29.3.2022 – sau đó phục hồi nhẹ, nhưng kết thúc phiên vẫn ở mức giảm, quanh mức 85,2 rúp đổi 1 USD.
Đồng rúp đã giao dịch với mức độ biến động cao trong 16 tháng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina và bị phương Tây đóng băng dự trữ ngoại tệ, trừng phạt xuất khẩu năng lượng nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga.
Đồng rúp đã giảm xuống mức hơn 100 rúp đổi 1 USD trong những đầu chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt, giá năng lượng tăng cao và sự sụt giảm trong nhập khẩu của Nga đã đẩy đồng rúp trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong phần lớn năm 2022. Nhưng châu Âu tạm dừng mua dầu và khí đốt của Nga, cùng với các biện pháp như áp giá trần với dầu của Nga một lần nữa gây áp lực lên đồng rúp trong sáu tháng qua.
Tính đến thời điểm này trong năm 2023, đồng rúp đã mất giá 23%.
Các nhà phân tích cho rằng việc Điện Kremlin và Prigozhin đạt thỏa thuận để dập tắt cuộc đảo chính đã giúp tránh được một cuộc khủng hoảng sâu sắc ở thị trường Nga và toàn cầu.
Giá hàng hóa toàn cầu, từ dầu thô đến ngũ cốc, rất nhạy cảm với những diễn biến ở Nga và Ukraina – hai trong số các nhà xuất khẩu nông sản quan trọng nhất thế giới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích Nga dự báo ​​sẽ có sự biến động cao trong những ngày tới khi các thương nhân và nhà đầu tư vẫn lo lắng.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)