Sự kiện giáo dụcTin tức

Đồng thuận tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2024

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong 7 phương án được đưa ra, sau khi tính toán và cân nhắc các yếu tố, ngày 20.12, Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu đồng thuận 100% tăng lương tối thiểu vùng lên 6% từ ngày 1.7.2024.

Tại cuộc họp phiên thứ nhất Hội đồng tiền lương quốc gia năm 2023 diễn ra đầu tháng 8, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề xuất tăng 5 – 6% mức lương tối thiểu vùng năm 2024 để bù đắp chỉ số trượt giá cho người lao động (NLĐ).

NLĐ sắp được tăng lương tối thiểu trong năm 2024. T.HẰNG

Tuy nhiên, sáng 20.12, tại phiên họp thứ hai của hội đồng, Tổng LĐLĐ Việt Nam bất ngờ đưa ra 2 phương án tăng cao hơn so với phương án trước đó. Phương án 1: tăng 7,3% (tăng từ 250.000 – 320.000 đồng). Phương án 2: tăng gần 6,5% (tăng từ 220.000 – 290.000 đồng). Thời điểm thực hiện từ ngày 1.7.2024, thay vì tăng từ 1.1 như thông lệ trước đây.

Về phía đại diện giới chủ sử dụng lao động, dù trước đề nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, song tại phiên họp này Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tình tăng lương tối thiểu từ 1.7.2024. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, chia sẻ: "Chúng tôi đồng ý cần phải điều chỉnh lương tối thiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp (DN) cũng rất khó khăn, thậm chí nhiều đơn vị đang phải "gồng mình" để duy trì việc làm cho NLĐ thì mức 6% là cao nên VCCI cho rằng tăng từ 4,5 – 5% là hợp lý hơn".

Ngoài các phương án trên, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đã đưa ra 3 phương án với 3 mức tăng: 4%, 5% và 6%.

Sau khi phân tích các yếu tố, tình hình KT-XH, thuận lợi khó khăn của các bên, Hội đồng tiền lương quốc gia đã bỏ phiếu đồng tình đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 lên 6%, với tỷ lệ đồng thuận 16/16 phiếu, đạt 100%. Đây là tỷ lệ đồng thuận cao nhất từ trước đến nay.

Doanh nghiệp và người lao động cùng chia sẻ

Khá hài lòng với kết quả trên, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, chia sẻ: "Tăng 6% phù hợp trong bối cảnh NLĐ chia sẻ với DN, bởi năm 2024 cũng còn nhiều khó khăn rất khó đoán định. Với tinh thần cùng chia sẻ, hành động, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, tuyên truyền NLĐ tăng năng suất, cùng DN vượt khó. Chúng tôi mong muốn các DN mở rộng thị trường để tăng thêm đơn hàng, có việc làm cho NLĐ trong thời gian tới".

Theo ông Hiểu, mức tăng trên cơ bản đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ, nhưng rõ ràng bối cảnh giá cả tăng cao, nhất thời điểm giáp tết, NLĐ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chắc chắn NLĐ phải cùng chia sẻ với DN để cùng vượt khó, để có kết quả tốt hơn năm tới.

Dù chưa hoàn toàn hài lòng với mức tăng trên, song ông Hoàng Quang Phòng cho biết các DN sẽ phải tìm cách khắc phục khó khăn để tăng lương cho NLĐ. "Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, nên việc tăng lương chúng tôi cũng sẽ yêu cầu DN tuân thủ và chấp hành nghiêm điều được thông qua. Đây cũng là sự cảm thông chia sẻ giữa người sử dụng lao động và NLĐ trên tinh thần lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ. Chúng ta hy vọng tình hình kinh tế sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024, bằng gói chính sách hỗ trợ từ Chính phủ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh", ông Phòng nói.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Lê Văn Thanh đánh giá phương án nói trên phù hợp trong bối cảnh khó khăn kinh tế, tình hình thế giới biến động, biến đổi khí hậu, rào cản thương mại phức tạp…, thời gian qua đời sống NLĐ còn khó khăn do thiếu đơn hàng, biến động giá cả. Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ sớm trình phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Tăng 6% là hợp lý cho tất cả các bên

Bình luận về phương án tăng lương tối thiểu 6%, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, nhìn nhận: "Thực tế tình hình thế giới biến động bất định, thị trường chung tiêu dùng ở các nước xuất khẩu hàng tồn kho rất nhiều. Nếu tình hình thuận lợi hơn phải từ quý 3/2024. Từ giờ đến hết quý 2/2024 có sáng hơn năm 2023, mức tăng này là hợp lý, phù hợp với tình hình chung. Đối với DN da giày, chúng tôi chấp nhận mức tăng này bởi có thể chia sẻ khó khăn và chi trả của DN trong ngắn hạn và trung hạn".

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cũng nhận định giữa hai phương án của Tổng LĐLĐ Việt Nam và phương án của VCCI thì chọn phương án 6% là hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu giảm bớt khó khăn cho DN, thêm 6% lương tối thiểu dù không phải là cao, nhưng cũng tạo điều kiện để NLĐ cải thiện thêm thu nhập. "Thực tế năm 2023 các DN đang gặp khó khăn, dự báo những tháng đầu năm 2024 vẫn còn khó khăn. Do đó, phương án tăng 6% các bên đều chia sẻ với nhau. Tôi đánh giá cao trong những năm gần đây, quá trình thương lượng lương tối thiểu giữa bên đại diện NLĐ và chủ sử dụng lao động đã có sự cảm thông, chia sẻ, cùng phát triển. DN có thể tồn tại, giữ chân NLĐ. Còn NLĐ cũng được cải thiện thu nhập".

Do năm 2024 không tăng lương từ ngày 1.1 như thông lệ, ông Bùi Sỹ Lợi khuyến nghị DN, bên cạnh chuẩn bị các điều kiện để tăng lương tối thiểu từ 1.7.2024, cố gắng có thưởng tết cho NLĐ để họ có điều kiện về quê đón tết ấm áp bên gia đình. "DN không nên chấm dứt hợp đồng lao động mà cố gắng giữ chân, duy trì việc làm cho NLĐ trên cơ sở mở rộng sản xuất đổi mới công nghệ, chuyển đổi ngành nghề. Lương NLĐ có một chút, nhưng họ không phải rời DN, không bị mất việc làm đó cũng là niềm hạnh phúc của DN", ông Lợi bày tỏ.

 

Ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP may Nam Hà, cho biết năm nay, thu nhập của NLĐ chỉ đảm bảo được 6 – 7 triệu đồng/tháng, giảm 3 triệu so với các năm trước. Nếu tình hình kinh tế hồi phục, DN có thể chịu được mức tăng như đề xuất, nhưng tình hình sản xuất kinh doanh cứ như hiện nay hoặc kém hơn thì rất là khó nói. "Hiện chúng tôi đang trả lương NLĐ cao hơn lương tối thiểu, nên phần lương tăng thêm chủ yếu tác động lên khoản đóng góp của DN dựa trên tiền lương tối thiểu, như phí công đoàn, các khoản đóng BHXH… Chúng tôi chưa tính toán cụ thể nhưng mỗi tháng các khoản đóng góp này khoảng 700 triệu đồng, giờ tăng lương tối thiểu lên 6%, các chi phí này sẽ ít nhất tăng thêm bằng với mức tăng lương tối thiểu".

Để bù đắp cho các khoản chi phí tăng thêm, ông Dũng cho biết DN cũng phải tính toán cắt giảm các chi phí, tìm kiếm thị trường, chuyển đổi để tăng năng suất lao động, trang thiết bị mới để sản phẩm rẻ hơn, tốt hơn và thu nhập NLĐ cao hơn.

Mức lương tối thiểu vùng được Hội đồng tiền lương quốc gia khuyến nghị áp dụng từ ngày 1.7.2024 như sau:

Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng); vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng).

Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%, vùng I đạt 23.800 đồng/giờ, vùng II lên 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Theo Thu Hằng/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)