Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Đồng tiền tội lỗi…

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cáo Nguyễn Văn Tiến lấy tay che mặt để né ống kính phóng viên

Lòng tin bị đặt nhầm chỗ là cơ hội cho những kẻ hám lợi được “đục nước béo cò”, để rồi đi vào con đường tội lỗi. Điều đáng nói ở đây, đối tượng bị lừa là người dân lao động nghèo khổ muốn đổi đời hoặc những người thiếu hiểu biết.
1.Từng tốt nghiệp Khoa Luật Trường ĐH Luật TP.HCM nên ít nhiều Nguyễn Văn Tiến (41 tuổi, ngụ huyện Củ Chi TP.HCM) cũng có sự hiểu biết nhất định về luật pháp. Nhưng chỉ vì mục đích, vì sự tư lợi cá nhân mà Tiến đã chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của những người dân lao động nghèo khổ, muốn đi sang nước ngoài làm việc với hi vọng được “đổi đời”. 98 bị hại có mặt tại tòa với danh sách kèm theo số tiền bị Tiến chiếm đoạt. Mỗi người một trạng thái, một tâm lí khác nhau nhưng họ đều chung một mục đích là đòi lại số tiền đã mất. Anh N.V. L (35 tuổi, quê An Giang) phẫn nộ: “Cần phải tăng nặng hình phạt đối với bị cáo để làm gương cho toàn xã hội”. Tiến là Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Nhân sự Việt được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Từ tháng 12-2009 đến 9-2010, dưới danh nghĩa là Tổng giám đốc của công ty nên Tiến đã kí nhiều hợp đồng đưa người lao động sang Nhật làm việc với số tiền lớn rồi bỏ trốn. Đến ngày hẹn, những người bị hại đến gõ cửa công ty nhưng “cửa đóng then cài” nên đã trình báo với cơ quan công an. Những người bị hại khai nhận do bạn bè giới thiệu có công ty cần tuyển dụng đi lao động Nhật Bản nên đã cố gắng chạy vạy, vay mượn để đi với hi vọng được “đổi đời”. Tại tòa, Tiến khai nhận không có khả năng đưa người sang nước ngoài làm việc. Sự thiếu hiểu biết cộng với lòng tin đặt không đúng chỗ đã khiến các bị hại trong vụ án này rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”. Vị chủ tọa gằn giọng: “Đối tượng mà bị cáo chiếm đoạt tiền chỉ là những người dân lao động nghèo”. Tiến cúi gầm mặt trước vành móng ngựa và không còn lời nào để biện minh cho hành vi phạm tội của mình. Ly dị vợ từ năm 2005 và chưa có con, Tiến sống đơn thân một mình với người mẹ già đã ngoài 80 tuổi. Nhận mức án 15 năm tù để trả giá cho tội lỗi đã gây ra, được nói lời sau cùng, Tiến hối hận: “Xin tòa giảm án để bị cáo sớm được trở về chăm sóc mẹ già và lao động để bồi thường tiền cho người bị hại”.
2.Được giao giải tỏa khu nghĩa địa phục vụ xây dựng khu đô thị, chủ cơ sở mai táng Công Vĩnh Thọ là Nguyễn Văn Thành (SN 1957, ngụ tại Q.8 TP.HCM) đã lợi dụng sơ hở của Nguyễn Văn Sáu là cán bộ địa chính UBND phường 7, Q.8 và một số nhân viên khác để lập hàng trăm ngôi mộ giả nhằm chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng. Sau hai ngày xét xử đã có nhiều tranh luận xung quanh vấn đề này, các bị cáo đều đưa ra những tình tiết có lợi cho mình nhưng qua quá trình điều tra thì hồ sơ vụ án đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt sản” do Nguyễn Văn Thành cùng đồng phạm và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” do Nguyễn Văn Sáu cùng một số nhân viên thực hiện. Đứng trước vành móng ngựa là các bị cáo đã đứng tuổi, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề nhưng vẫn “vô tư” coi thường pháp luật. Sau những lời chối tội của Thành thì chủ tọa phiên tòa luôn hỏi: “Bị cáo đã có bao nhiêu năm trong nghề?”. Tháng 11-2005, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.8 ký hợp đồng với Nguyễn Văn Thành thực hiện việc bốc mộ tại khu vực phường 7, Q.8 nằm trong dự án xây dựng khu đô thị Nam Sài Gòn. Từ năm 2005 đến 2008 cơ sở mai táng này đã thi công, đào, bốc được hơn 2 ngàn ngôi mộ. Qua quá trình thi công thấy việc lập hồ sơ quá dễ dàng do việc quản lí còn nhiều sơ hở, chưa chặt chẽ của cán bộ địa chính phường 7, Q.8 và các nhân viên khác nên Thành đã nảy sinh ý định lập hồ sơ khống nhằm chiếm đoạt tiền đền bù của Nhà nước. Tại tòa ông Sáu đã khai nhận: “Do tin tưởng cơ sở Công Vĩnh Thọ báo cáo đã bốc mộ là có thật, dù không kiểm tra, khảo sát, giám sát việc thi công đào bốc ở khu nghĩa địa nhưng vẫn kí vào biên bản”. Niềm tin đặt nhầm chỗ đã khiến cho ông Sáu và một số nhân viên khác phải chịu trách nhiệm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau hai ngày xét xử TAND TP.HCM đã tuyên phạt Nguyễn Văn Thành 14 năm tù giam, trước đó Thành bị TAND Q.2 tuyên phạt 8 năm tù. Tổng cộng bị cáo phải chấp hành chung bản án là 22 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị cáo Nguyễn Văn Sáu và các nhân viên khác phải chấp hành mức án từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế

Bình luận (0)