Đã hơn 6 tháng Hà Nội chính thức được mở rộng. Trong số 4 xã của tỉnh Hoà Bình được nhập về Hà Nội thì xã Đông Xuân (thuộc huyện Lương Sơn cũ nay nhập về Quốc Oai – Hà Nội) là một trong những xã có nhiều khó khăn nhất. Với hơn 80% đồng bào Mường, làm nông nghiệp là chính, Đông Xuân đang cảm nhận những thay đổi từng ngày, trước tiên là những nét mới về văn hoá, giáo dục.
Ngày sau khi hợp nhất về Hà Nội, Đông Xuân được TP. Hà Nội đầu tư 60 triệu đồng, phần còn lại do huyện Quốc Oai đầu tư để lắp đặt một đài phát thanh trị giá 354 triệu. Hiện nay, do chưa có phòng riêng, đài phát thanh này tạm thời còn chung với phòng của ông Phan Văn Phú, Phó chủ tịch xã. Tuy còn khó khăn, nhưng người dân Đông Xuân đã có thêm một phương tiện thông tin mới, chính quyền thì có thêm một kênh để thông tin tới người dân. Có lẽ đây cũng là thay đổi dễ nhận thấy nhất khi Đông Xuân nhập về Hà Nội.
Khi chúng tôi về Đông Xuân cũng là lúc buổi phát thanh của xã do chị Nguyễn Thị Lợi nhân viên văn hoá xã thực hiện. Ngày 2 buổi, sáng và chiều giọng phát thanh của chị Lợi lại vang lên truyền tải thông tin của chính quyền xã đến người dân. Kể từ khi được nhập về Hà Nội, lần đầu tiên những người dân trong xã được nghe giọng nói của chính con em mình tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các thông báo của chính quyền xã.
Ông Phan Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân – Quốc Oai – Hà Nội cho biết: “Sáp nhập về thủ đô mới được 6 tháng nhưng bước đầu thành phố rất quan tâm. Thành phố đã đầu tư bằng vốn ngân sách xây dựng hệ thống truyền thanh cho xã. Việc phổ biến các chủ trương, chính sách của chính quyền tới người dân trở nên rất thuận tiện. Tới đây, nhiều dự án như xây dựng các tuyến giao thông liên thôn, liên xã, các nhà văn hóa, trạm y tế của thôn xã, tiếp tục được quan tâm đầu tư. Trong dịp Tết vừa qua các đồng chí lãnh đạo TP. Hà Nội về Đông Xuân tặng quà, thăm hỏi bà con. Nhân dân Đông Xuân thấy vui và phấn khởi lắm!”
Thu nhập bình quân của người dân nơi đây hiện nay không phải là cao, chỉ đạt khoảng hơn 6 triệu đồng/năm, toàn xã Đông Xuân có 4.600 nhân khẩu, người dân lại chủ yếu kiếm sống bằng nghề nông, nên cái nghèo, cái khó vẫn còn đeo đuổi. Đã là người Hà Nội nhưng rõ ràng không ngày một, ngày hai mà chất lượng sống của người dân Đông Xuân có thể ngang bằng được ngay với nhiều phường xã khác của thủ đô là rất khó. Muốn “thay da đổi thịt”, bứt phá ra khỏi cái nghèo ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền Hà Nội, có lẽ Đông Xuân phải dựa vào sự nỗ lực của chính mình.
Muốn mạnh thì cần phải đầu tư nhiều vào con người, nên văn hoá, giáo dục ở đây đang được quan tâm đầu tư và cải thiện từng ngày. Thầy giáo Nguyễn Văn Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Xuân tin tưởng: “Được sự quan tâm của thành phố, nhà trường được đầu tư một số cơ sở vật chất. Bàn ghế học sinh trước đây rất khó khăn nhưng nay thì đã đủ chuẩn, hệ thống nhà vệ sinh của nhà trường cũng đã được xây dựng lại khang trang, sạch sẽ hơn. Về chuyên môn thì nhà trường cũng được trang bị thêm 2 máy tính phục vụ công tác quản lý. Mới đây, thành đoàn Hà Nội cũng đã tổ chức một đoàn các bác sỹ về khám sức khỏe cho học sinh của nhà trường. Những ngày ngập lụt các em học sinh rất khó khăn thì thành phố cũng quan tâm ủng hộ chăn màn, sách vở. Sự quan tâm lớn lao đó bước đầu đã giúp ích cho việc nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường và cho người dân Đông Xuân.
Theo ghi nhận của chúng tôi, địa bàn xã Đông Xuân khá rộng, các em học sinh thì ở rải rác nên điều kiện đến trường rất khó khăn. Cơ sở vật chất như các trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy tại các cấp học, đặc biệt là mầm non là cực kỳ thiếu thốn. Ví như tại Trường THCS Đông Xuân, một số phòng học của trường do trước đây tỉnh Hòa Bình trang bị là để học xoá ca 3 nên điều kiện ánh sáng không đủ, khi mưa thì dột, khi nắng thì nóng, bục giảng trong phòng học thiết kế chưa đảm bảo tiêu chuẩn để học tập và giảng dạy. Đông Xuân đang rất cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa từ ngành giáo dục TP. Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Phương, trưởng phòng Giáo dục Quốc Oai – Hà Nội chia sẻ: “Cơ sở vật chất khó khăn, trình độ dân trí con em hạn chế, đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập, nên chúng tôi xác định khó khăn phía trước là rất nhiều. Sau khi làm việc với địa chính quyền địa phương chúng tôi cũng đã có kiến nghị với các cấp thẩm quyền tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng học cho 3 cấp học, nhất là cấp mầm non. Chúng tôi cũng đang phối hợp với phòng Nội vụ cân đối, rà soát, thống kê tổng hợp để có giải pháp thích hợp nhất nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên tại các trường của Đông Xuân”.
Theo GD&TD
Bình luận (0)