Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đông y bàn về chứng ôn dịch

Tạp Chí Giáo Dục

 
Quả cau cho vị thuốc binh lang.

Ôn dịch là bệnh truyền nhiễm cấp tính do cảm nhiễm dịch lệ gây ra, có đặc điểm bệnh tình nguy hiểm, lây lan mạnh.

Nguyên nhân do cảm nhiễm dịch lệ, bệnh tà nhanh chóng xâm phạm lấn át mô nguyên, chính khí chống đỡ với tà khí gây sốt, tà hóa táo truyền vào dương minh, gây nhiệt kết ở phủ vị gây nên sốt cao bụng đầy cứng. Sau đây là một số bài thuốc điều trị tùy theo triệu chứng bệnh ôn dịch:
Tà lấn át mô nguyên
Triệu chứng: Bệnh mới phát sốt cao sợ lạnh, sau sốt không sợ lạnh, sốt liên tục cả ngày và đêm, buổi chiều sốt cao hơn, nhức đầu, đau người, lưỡi đỏ thẫm, rêu lưỡi trắng rộp như phấn. Mạch sác.
Cơ chế bệnh sinh: Tà ở bán biểu bán lý, chính khí giao tranh có xu hướng ra biểu nên sốt cao không sợ lạnh, nhiệt uất lại gây mạch sác, lưỡi đỏ.
Phương pháp điều trị: Thấu đạt tà ở mô nguyên.
– Bài thuốc Đạt nguyên ẩm gia đại hồi, gồm: binh lang (hạt cau) 20g, hậu phác 16g, thảo quả nhân 12g, tri mẫu 16g, thược dược 20g, hoàng cầm 16g, cam thảo 6g, đại hồi 10g.
– Cách dùng: Hậu phác cạo bỏ vỏ, thảo quả giã dập. Các vị trên sắc với  1.600ml nước, lọc bỏ bã lấy 250ml. Chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần.
Tà truyền vào dương minh
Dương minh khí nhiệt
Triệu chứng: sốt cao, khát, ra mồ hôi nhiều, rêu lưỡi vàng. Mạch hồng sác.
Cơ chế bệnh sinh: Dịch tà ở bán biểu bán lý đã hóa táo truyền vào dương minh thiêu đốt phần khí gây sốt cao, khát. Mạch hồng sác.
Phương pháp điều trị: Thanh tiết nhiệt ở dương minh.
– Bài thuốc Bạch hổ gia đại hồi, hoàng cầm, gồm: tri mẫu 24g, thạch cao 32g, cam thảo 10g, ngạnh mễ 32g, đại hồi 10g, hoàng cầm 12g.
– Cách dùng: Thạch cao giã nát cho vào túi vải buộc lại. 4 vị trên (trừ ngạnh mễ) sắc với 1.500ml nước, lọc còn 500ml, cho ngạnh mễ vào sắc tới khi ngạnh mễ chín lọc bỏ bã lấy 250ml. Chia đều 5 lần, ngày uống 3 lần, tối uống 2 lần, uống ấm.
Nhiệt kết ở vị phủ
Triệu chứng: Sốt về chiều nặng hơn, bực dọc, khát, hơi thở nóng, lưỡi xám đen, nổi gai.
Cơ chế bệnh sinh: Tà đã hóa hỏa, đại nhiệt, đại thực, âm dịch bị thiêu đốt khô kiệt. Nặng nhiệt có các triệu chứng: bụng đầy, cứng đau.
Phương pháp điều trị: Cấp hạ thực nhiệt cứu âm dịch kiệt.
– Bài thuốc Đại thừa khí gia mạch môn, ngọc trúc, đại hồi gồm: đại hoàng 12g, hậu phác 16g, chỉ thực 12g,  mang tiêu 12g, mạch môn đông 16g, ngọc trúc 16g, đại hồi 10g.
– Cách dùng: Đại hoàng tẩy rượu, hậu phác nướng cạo bỏ vỏ, chỉ thực nướng, mạch môn bỏ lõi. Các vị trên (trừ mang tiêu) sắc với 1.200ml nước sắc lọc bỏ bã lấy 250ml, sau đó cho mang tiêu vào đun sôi quấy đều vừa tan.  Uống lúc ấm, lần đầu dùng 1/2 số lượng trên. Nếu đi đại tiện được thuốc chia đều 4 phần, ngày uống 3 lần, tối uống 1 lần. Nếu lần đầu dùng 1/2 số     lượng trên mà không đi đại tiện được thì lần 2 uống số thuốc còn lại.
Ngoài ra, người bệnh cần ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, tăng lượng đạm, không ăn những thứ cay nóng, không ăn đu đủ, chuối tiêu. Nghỉ ngơi, giữ vệ sinh chung, tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
Bài thuốc xông
Đại hồi 20g, bạch tật lê 10g, bạc hà diệp 10g, quế chi 3g, ngải diệp 3g.
Cách dùng: Các vị thuốc trên trộn đều, dùng than củi đã cháy đỏ bỏ các vị thuốc vào để thành khoi, 2-3 ngày xông một lần.
TTND.BS. Trần Văn Bản
 (Trung ương Hội Đông y Việt Nam)
SK&ĐS

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)