Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Đồng ý cho thí điểm thành lập 2 tập đoàn xây dựng

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau, song Đề án thí điểm thành lập 2 tập đoàn kinh tế trong xây dựng cuối cùng vẫn được Chính phủ phê duyệt theo đề xuất của Bộ Xây dựng.
Các quyết định phê duyệt thành lập Công ty mẹ – Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị và Công ty mẹ – Tập đoàn Sông Đà đều được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành vào 12/1/2010.
Theo đó, hai tập đoàn này đều là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, được tự chủ kinh doanh, đồng thời có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của các Tổng công ty làm nòng cốt là: Tổng công ty HUD đối với Tập đoàn đầu tư phát triển nhà và đô thị; và Tổng công ty Sông Đà đối với Tập đoàn Sông Đà.

Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị sẽ đầu tư phát triển và kinh doanh nhà ở, BĐS các khu dân cư, khu đô thị. Ảnh: VNE
Các công ty con do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị nắm giữ 100% vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là: Tổng công ty xây dựng Hà Nội (HANCORP), Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera), Tổng công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (Huds).
Ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị là đầu tư phát triển và kinh doanh nhà ở, BĐS các khu dân cư, khu đô thị. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng có chức năng kinh doanh đầu tư phát triển và thi công xây lắp, tổng thầu xây lắp; sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác dịch vụ khu đô thị, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch…
Các công ty con do Tập đoàn Sông Đà nắm giữ 100% vốn điều lệ tại thời điểm thành lập gồm: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi), Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma), Công ty TNHH một thành viên Hạ tầng Sông Đà.
Ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn Sông Đà là tổng thầu xây lắp (EPC) và thi công xây lắp các công trình giao thông, công nghiệp, dân dụng, thủy lợi; sản xuất kinh doanh điện, thương phẩm… Ngoài ra, Tập đoàn cũng được kinh doanh những ngành nghề liên quan đến đầu tư và kinh doanh khu đô thị, khu công nghiệp, kinh doanh BĐS, đóng tàu; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch…
Để tập đoàn đi vào hoạt động, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của 2 tập đoàn trên trong tháng 1/2010; quyết định chuyển giao quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tổng công ty đã sáp nhập cho HĐQT của tập đoàn trong quý I/2010.
Thủ tướng cũng đề nghị Chủ tịch và thành viên HĐQT, Tổng giám đốc của Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty HUD tiếp tục quản lý điều hành hai tập đoàn mới cho đến khi Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chủ tịch và thành viên HĐQT tập đoàn bổ nhiệm Tổng giám đốc Tập đoàn.
Trước đó, khi xây dựng đề án này đã có nhiều ý kiến các chuyên gia kinh tế cũng như một số tổng công ty thì họ cảm thấy lo ngại về một mô hình tập đoàn kinh tế không hiệu quả trong tương lai.
Nhất là cho đến bây giờ, những vấn đề như: mô hình thành lập, cơ cấu tổ chức, tính hiệu quả và cả quyền lợi của các thành viên tham gia (là những tổng công ty sẽ phải gia nhập 1 trong 2 đơn vị nòng cốt) chưa được làm rõ. Đó cũng là những vấn đề mà Chính phủ và cả các cơ quan đề xuất cần phải nghiên cứu kỹ khi quyết định thành lập thêm những tập đoàn kinh tế nhà nước.
Mạnh Hùng
 

 

 

Bình luận (0)