Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đông y chữa chứng tỳ âm hư

Tạp Chí Giáo Dục

Chứng tỳ âm hư là âm huyết, tân dịch của tạng tỳ bất túc, trên lâm sàng thường gọi chứng tỳ âm hư, cũng có khi gọi là tỳ huyết bất túc, hay tân dịch của tỳ bất túc. Tỳ âm hư là do tỳ huyết hao tổn, hỏa bốc lên, tỳ hư mà vẫn nhiệt. Như vậy, chứng tỳ âm hư trên thực tế là chứng âm hư dương cang của tạng tỳ, phần nhiều do mệt nhọc quá sức mà sinh bệnh. Chứng tỳ âm hư thường gặp trong các chứng: vị thống, thổ nục, tiện huyết, tiện bí…

Biểu hiện của chứng tỳ âm hư trước hết là ăn uống kém, bệnh nhân không muốn ăn hoặc ăn vào không tiêu, nôn khan, có khi nấc, vị thống cồn cào, miệng khô mà nhạt, đại tiện khô rắn hoặc không có rêu lưỡi, hoặc rêu lưỡi vàng, mạch tế sác. Trong chẩn đoán cần phân biệt với chứng vị âm hư, đại tràng tân dịch suy, chứng tâm tỳ huyết hư.
 
 Ngọc trúc.
Chứng vị âm hư: Tỳ với vị một tạng, một phủ, là gốc của hậu thiên, tỳ ưa táo mà ghét thấp, ngược lại vị nhuận mà ghét táo. Trong thực tế vị không thể thiếu dương khí, tỳ không thể thiếu âm dịch. Nếu âm, dương táo thấp thích hợp với tỳ vị thì công năng thu nạp của vị và công năng vận hóa của tỳ mới bình thường được. Vị có khí hư, âm hư khác nhau, tỳ cũng có khí hư, âm hư do đó khi chẩn đoán phải chú ý phân biệt một cách cụ thể.
Chứng đại tràng tân dịch suy tổn: Chứng đại tràng tân dịch suy tổn chủ yếu là đại tiện táo bón, thường gặp ở người cao tuổi tân dịch kém, hoặc phụ nữ sau khi sinh ra nhiều huyết, hoặc thời kỳ cuối của bệnh phụ thuộc nhiệt chứng. Ngoài táo bón đại tiện bí kết thường thấy lưỡi đỏ, ít tân dịch, rêu lưỡi vàng nhưng không có triệu chứng của tỳ âm hư như ăn kém, cồn cào, nấc…; cơ thể không gầy còm, miệng ráo họng khô, mạch sác, như vậy không có triệu chứng của tỳ âm hư hỏa vượng.
Chứng tỳ huyết hư: Chứng tỳ âm hư bao gồm cả tỳ huyết hư và tân dịch của tỳ bất túc. Nếu do buồn phiền mà tỳ huyết hư thì tâm không được nuôi dưỡng, thường xuất hiện các chứng như hồi hộp, hoảng sợ, mất ngủ, hay quên, chứng tỳ huyết hư là do mệt nhọc, suy nhược mà tạo nên tâm huyết tỳ huyết đều hư, tâm mất đi sự nuôi dưỡng thường ăn kém, bụng trướng đầy, đại tiện phân nhão, mệt mỏi, đoản hơi, mặt vàng…
Tùy theo nguyên nhân của thể bệnh mà Đông y dùng bài thuốc thích hợp.
Do tỳ âm hư xuất hiện chứng vị thống: Nguyên nhân do tỳ dương bất túc, thủy cốc không vận hóa được, tỳ âm hư thủy cốc không tiêu hóa được. Biểu hiện là bụng đau cồn cào, yết hầu khô ráo, khát nước tâm phiền, thường có nôn khan hoặc nấc, đại tiện táo kết, rêu lưỡi vàng, mạch tế sác.
Dùng bài thuốc “Sa sâm mạch đông thang”: sa sâm 12g, bạch biển đậu 8g, mạch môn 12g, tang diệp 6g, ngọc trúc 8g, chích thảo 4g, thiên hoa phấn 8g. (Tùy chứng có thể gia giảm cho thích hợp). Ngày uống 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.
 
Cây bồ hoàng.
Do tỳ âm hư sinh ra huyết chứng: Nguyên nhân là do tỳ âm hư, hỏa vượng, tỳ mất đi sự thống nhiếp nên huyết chảy ra ngoài kinh mạch. Biểu hiện là khạc ra huyết, huyết chảy ra tích trong vị, tân dịch khô, mạch tế sác.
Dùng bài thuốc “Mạch đông dưỡng vinh thang”: nhân sâm 12g, mạch môn 12g, ngũ vị tử 4g, tri mẫu 8g, hoàng kỳ 12g, đương quy 12g, bạch thược 12g, sinh địa 12g, trần bì 12g, chích thảo 4g. Có thể thêm a giao trâu 12g, bồ hoàng 8g. Ngày uống 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày.
Nếu do tỳ kinh hỏa vượng, môi miệng khô, đại tiện bí kết, mạch hoạt thực dùng bài “Tả tâm thang”: gia đương quy 12g, sinh địa 12g, bạch thược 12g, thiên hoa phấn 12g, mạch môn đông 8g, chỉ xác 4g, bồ hoàng 8g, chích thảo 4g.
Nếu do tỳ âm hư không nhiếp huyết, ăn uống kém, ngủ không yên, hồi hộp, người mỏi mệt dùng bài “Quy tỳ thang”.
Do tỳ âm hư sinh ra chứng tiện bí: Nguyên nhân do vị mạch, tỳ yếu, ước thúc tân dịch không phân bố ra, chỉ dồn xuống bàng quang mà sinh ra bệnh. Biểu hiện tiểu tiện nhiều lần, đại tiện bí kết.
Dùng bài thuốc “Ma tử nhân hoàn”: ma tử nhân 16g, bạch thược 12g, chỉ thực 8g, đại hoàng 8g, hậu phác 8g, hạnh nhân 6g. Tùy chứng có thể  gia giảm cho thích hợp. Ngày uống 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần trong ngày.
BS. Thạch Kênh /SK&ĐS

Bình luận (0)