Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đợt 1 Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011: Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT đã gửi công điện khẩn nhắc Chủ tịch HĐTS các học viện, các trường ĐH, CĐ cần chuẩn bị phương án đảm bảo tốt kỳ thi tuyển sinh năm 2011
Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011. Để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trật tự, an toàn và đúng quy chế, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các bộ, ngành: công an, giao thông vận tải, y tế; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; các Tập đoàn Điện lực, Bưu chính Viễn thông… cùng phối hợp. Đặc biệt, Bộ cũng khuyến cáo một số “điểm đen” thí sinh cần tránh khi bước vào phòng thi…
Hướng dẫn về địa điểm thi và tư vấn nơi thuê trọ thuận tiện cho thí sinh cụ thể qua bản đồ
Chuẩn bị phương án đảm bảo tốt kỳ thi
Bộ GD-ĐT đã gửi công điện khẩn nhắc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các học viện, các trường ĐH, CĐ cần chuẩn bị phương án đảm bảo tốt kỳ thi tuyển sinh năm 2011. Các trường cần tăng cường phòng ngừa gian lận dùng công nghệ cao trong thi. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung những sai sót trong hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh (TS) trong ngày làm thủ tục dự thi của các đợt thi. Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho TS dự thi; Không để xảy ra sai sót trong công tác nghiệp vụ, không để nhầm lẫn, thất lạc, mất bài thi của TS trong quá trình thu bài thi, bàn giao và bảo quản bài thi.
TS bị kỷ luật đình chỉ thi trong khi thi môn nào sẽ bị điểm không (0) môn đó; phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định của Uỷ viên phụ trách điểm thi; phải nộp bài làm và đề thi cho cán bộ coi thi và chỉ được ra khỏi khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài môn đó; không được thi các môn tiếp theo; không được dự các đợt thi kế tiếp trong năm đó tại các trường khác.
Các trường cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy định tất cả các khâu liên quan đến đề thi: in sao, quản lý, phân phối và sử dụng. Phải bảo đảm an toàn và tuyệt đối bí mật đề thi. Khi sử dụng đề thi, phải kiểm tra kỹ môn thi theo lịch thi đã thông báo. Hướng dẫn cán bộ coi thi thực hiện đúng quy trình khi mở túi đề thi theo hướng dẫn ghi trên phong bì túi đựng đề thi. Các trường phải thành lập Ban thanh tra tuyển sinh để giúp việc cho Hội đồng tuyển sinh, chịu trách nhiệm về công tác thanh tra tuyển sinh của trường.
Ngoài ra, các trường cần phối hợp với các sở, ban, ngành thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trường đặt trụ sở, đề nghị giúp đỡ, hỗ trợ để cung cấp điện, nước ổn định trong các ngày thi; Tăng cường phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh. Có phương án kịp thời giải tỏa ùn tắc giao thông, không để TS đến thi muộn hoặc không được dự thi do ùn tắc giao thông.
Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trước và trong các ngày thi. Bộ GD-ĐT cũng đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo các địa phương, các ngành hữu quan hợp tác và giúp đỡ các trường đại học, cao đẳng xây dựng phương án phòng chống lụt bão; xử lý tình huống, khắc phục hậu quả trong các trường hợp có lụt bão xảy ra, tạo điều kiện cho kỳ thi tiến hành an toàn, trật tự. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cơ sở cho thuê trọ trên địa bàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho TS lưu trú, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các tệ nạn xã hội…
Đề thi không nằm ngoài chương trình
Kỳ thi tuyển sinh ĐH năm trước dư luận đánh giá đề thi khó, vậy hướng ra đề thi năm nay sẽ thế nào là băn khoăn của nhiều TS. GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Chủ trương của Bộ là ra đề thi tuyển sinh không quá khó, không quá phức tạp. Đề thi được ra theo hướng đảm bảo sự phân loại tốt, có phổ điểm hợp lý để giúp các trường có thể lựa chọn được TS phù hợp với yêu cầu đào tạo của mình.
Trên tinh thần đó, đề thi năm nay liên quan đến những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Đề thi không nằm ngoài chương trình và không vượt kiến thức chương trình trung học. Những phần giảm tải, cắt bỏ không có trong đề thi.
TS cần lưu ý, theo quy chế, TS được chọn một trong hai phần riêng để làm. Nhưng không nhất thiết TS chỉ được chọn phần riêng nằm trong chương trình mình đã học. Việc lựa chọn tùy thuộc vào việc TS nắm vững kiến thức và có khả năng làm tốt hơn phần riêng nào.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, trong thang điểm các phần riêng (tự chọn) sẽ có mức điểm tương đương nhau và ban ra đề thi đã cân nhắc để độ khó của hai phần tương đương. Trong cấu trúc đề thi, phần chung sẽ có điểm số nhiều hơn phần riêng và thường là phần kiến thức rất cơ bản, vừa sức với học sinh trung bình. Vì vậy, TS cố gắng lưu ý phần kiến thức giao thoa giữa chương trình chuẩn và nâng cao để làm tốt phần này.
Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách máy tính cầm tay được đem vào phòng thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011. Đó là các máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản. Danh sách cụ thể các máy tính cầm tay thông dụng (làm được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt) đáp ứng yêu cầu trên như sau: Casio FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus, FX 570 MS, FX 570 ES; VinaCal 500MS, VinaCal 570 MS; Vietnam Calculator VN-500RS; VN 500 ES; VN 570 RS, VN 570 ES; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509WM; Canon FC 45S, LS153TS, F710, F720 và các máy tính tương đương.
Liên quan tới việc sử dụng các phương tiện trong phòng thi, các TS cần lưu ý, sẽ bị đình chỉ thi nếu vi phạm một trong các lỗi sau: khi vào phòng thi mang theo tài liệu; phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng để làm bài thi; vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, các vật dụng gây nguy hại khác./.
Thu Hằng
(Báo TNVN)

Bình luận (0)