Thí sinh tranh thủ nghỉ trưa để chuẩn bị thi buổi chiều tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh: MÊ TÂM |
Toàn đợt, số lượng cán bộ bị kỷ luật là 7 trường hợp (trong đó, đình chỉ 5, cảnh cáo 2); 182 thí sinh (TS) vi phạm (đình chỉ 149, cảnh cáo 17 và khiển trách 16). TS chủ yếu phạm quy do mang tài liệu vào phòng thi thay vì mang điện thoại di động như đợt 1.
Đánh giá của Bộ GD-ĐT, đề thi các môn đợt 2 được bảo mật tuyệt đối; nội dung thi nằm trong chương trình và sách giáo khoa THPT; không quá khó; phù hợp thời gian làm bài và có khả năng phân loại TS.
Cán bộ, TS bị kỷ luật đều tăng
So với năm 2009, tăng 12 TS và 2 cán bộ bị kỷ luật; lỗi chú yếu do giám thị thiếu trách nhiệm và nhầm lẫn (ngủ gục, xé nhầm bài thi của TS…). Số vi phạm ở TS gia tăng chủ yếu cũng lại rơi vào những lỗi “cố hữu” như mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi. Trong đó, số bị đình chỉ cũng chiếm đa phần. Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, số vi phạm gia tăng được phát hiện đợt này nhờ kỷ luật phòng thi được siết chặt. Đây cũng là đợt tập trung nhiều khối và môn thi tự luận dễ kéo theo tình trạng nhiều TS sử dụng tài liệu.
Trong ngày thi đầu tiên, số lượng TS bị kỷ luật buổi sáng (hai môn sinh – văn) chỉ có 14 nhưng trong đó, phân nửa đã rơi vào lỗi mang tài liệu. Buổi chiều, nằm trong dự đoán, môn sử phát hiện thêm 50 trường hợp mang tài liệu. Tại phía Nam, Cần Thơ là địa phương chỉ có 1 TS bị đình chỉ do sử dụng điện thoại di động. Đợt thi thứ 2 này, toàn cụm có khoảng 10.000 TS bỏ thi, tỷ lệ dự thi ở đây ngang bằng với tỷ lệ chung của cả nước (78%). Tại TP.HCM, số trường hợp bị kỷ luật do dùng điện thoại di động nằm rải rác ở các hội đồng. Chẳng hạn, điểm thi số 13 của ĐH Nông Lâm tại quận 9 có 1 trường hợp. Cũng có TS khi mang điện thoại vào phòng thi đã “cẩn thận” để chế độ rung nhưng vẫn bị phát hiện do có cuộc gọi đến, TS này vô tình nhấn nhầm nút khiến điện thoại… đổ chuông. Trường hợp này xảy ra vào giờ thi môn văn ngày 9-7 tại trường ĐH Lạc Hồng.
TS bỏ thi vì nhập viện
Thí sinh thất thểu ra về vì đề quá khó nên không làm tốt bài thi
|
Cũng như đợt đầu tiên, đợt này tiếp tục xảy ra tình trạng TS bị “nhập viện” ngay trong ngày thi. Cụ thể, trong giờ thi môn sử ngày 9-7, có hai TS được đưa đi cấp cứu vì bị đau bụng. Trong đó, TS Trần Thị Mỹ Trinh (thi vào ĐH Sài Gòn) phát hiện bị tiêu chảy và đã chuyển đến điều trị tại bệnh viện 115. TS Cao Tú Anh (thi vào ĐH Cần Thơ) sau 15 phút làm bài cũng được đưa đi cấp cứu do đau bụng dữ dội. TS này đã không quay lại để hoàn thành bài thi. Tại ĐH Sài Gòn, TS Lê Văn Trí sau 45 phút làm bài cũng đã nhập viện trong trạng thái đau bụng. Sau đó, khi đã giảm cơn đau, em lại được hộ tống trở lại để làm tiếp bài thi.
Ngoài “trục trặc” khách quan, cá biệt cũng có TS từ chối cơ hội đậu đại học bằng cách bỏ trắng giấy thi. Đây là trường hợp của TS thi vào Học viện Hàng không với hai môn toán, Anh văn không làm câu nào. Riêng môn văn, TS này đã không làm bài mà còn viết nội dung không liên quan đến bài thi vào giấy.
Trước 10-8, công bố điểm sàn
Thí sinh đang làm bài thi môn sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM |
Nếu trong đợt thi đầu tiên, Đoàn Thanh tra của Bộ GD-ĐT trong quá trình kiểm tra đã phát hiện khá nhiều sai phạm khi “chất” quá số lượng TS cho phép (trên 40 em) vào một phòng; gộp nhiều phòng nhỏ trong một phòng lớn nhưng lại thiếu vách ngăn thì đợt này sai phạm này vẫn còn “tái diễn”. Đơn cử như ĐH Nông Lâm, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Y Dược sử dụng những phòng chứa từ 70 – 120 thí sinh nhưng thiếu vách ngăn. Cá biệt, ĐH Lạc Hồng lập vách ngăn chắc chắn giữa các phòng nhưng có không nhiều đơn vị đảm bảo được tốt như thế. Ngoài ra, nhiều trường còn sử dụng trường tiểu học tổ chức thi. Thậm chí, ĐH Y Dược TP.HCM có đến 11 trong tổng số 20 điểm thi là trường tiểu học. Lãnh đạo nhiều trường cho rằng, với các điểm thi là trường tiểu học thuận lợi cho việc đảm bảo số lượng 40 TS/phòng theo quy định của Bộ. Tuy nhiên, không ít TS lại tỏ ra mất thoải mái khi thi tại những phòng không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Về điểm sàn, ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết thời gian công bố dự kiến trước 10-8. Các trường căn cứ để xác định điểm trúng tuyển cho từng khối thi và công bố điểm chuẩn trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của trường. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố điểm thi, trường sẽ tiếp nhận đơn phúc khảo của TS. Trong vòng 15 ngày tiếp theo sẽ công bố kết quả phúc khảo cho TS. Các trường ĐH hoàn thành chấm thi trước 31-7, công bố điểm thi của TS trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Mê Tâm – Nghiêm Huê
Bình luận (0)