TS làm bài thi tại TP.HCM. Ảnh: Q.Huy
|
Kết thúc đợt thi ĐH-CĐ thứ 2, nhiều thí sinh (TS) khen đề hay, các đánh giá khác cũng cho rằng đề có tính phân loại rõ. Theo đó, điểm chuẩn một số ngành cũng sẽ vượt trội. Theo nhận định của các trường, một số ngành “hot” có truyền thống lấy điểm cao năm nay sẽ tăng từ 1 đến 2 điểm hoặc ít nhất vẫn giữ nguyên…
TS khen đề xã hội
Vấn đề thần tượng, kẻ cơ hội, người chân chính, biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa được đưa vào đề thi các môn xã hội năm nay được TS đánh giá hay, sát thực và phấn khởi đón nhận. Dù vậy, chính các em cũng cho rằng, yêu cầu của đề thi khiến các em “toát mồ hôi” bởi phải vận dụng rất nhiều kiến thức xã hội, thời sự…
Ở môn địa, nhiều TS nộp bài vào khoảng 2/3 thời gian. Tuy nhiên, đó không phải là những em tự tin mình làm bài tốt. Đa số các em cho rằng, đề thi “dễ thở” hơn năm ngoái nhưng nếu chỉ đơn thuần học thuộc bài hoặc học tủ thì không làm được. TS Phạm Hoàng Minh Tuấn (Trung tâm GDTX quận 1) nhận xét: “Đề thi không khó hơn năm ngoái, cũng không lắt léo. Nhiều bạn không sử dụng hết thời gian nhưng em làm đến phút chót để “chăm chút” kỹ các ý. Đặc biệt, với câu hỏi về phần biển đảo hoặc phần chứng minh tài nguyên du lịch nước ta rất đa dạng… phải vận dụng rất nhiều kiến thức xã hội. Em làm được khoảng 90% yêu cầu đề ra”.
TS đánh giá đề ra môn sử khá rõ ràng, không “lòng vòng” như năm ngoái. Tuy vậy, vẫn có những câu khó, bao quát kiến thức suốt một giai đoạn lịch sử khá dài nên việc đạt điểm trung bình là có thể đối với TS nhưng mức điểm cao không phải là dễ. TS Trần Thanh Hào (Trường THPT Lê Văn Tám, tỉnh Sóc Trăng) từng đoạt giải 3 kỳ thi Học sinh giỏi sử cấp tỉnh cho biết em làm được khoảng 80% yêu cầu của đề.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác coi thi tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: Q.H
|
Môn văn, nhiều TS cho rằng vừa sức. Tuy phần nghị luận ở khối C (kẻ cơ hội thì nôn nóng có thành tích, còn người chân chính thì kiên nhẫn để có thành tựu) có phần khó đối với TS nhưng lại khiến các em thích thú vì để làm được phải hết sức động não. Những TS dự thi tại ĐH Hà Nội và ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội lại rất phấn khởi. Nhiều TS nhận định dù khó hơn nhiều so với đề tiếng Anh khối A1, tuy nhiên đề tiếng Anh khối D năm nay cũng chỉ tương đương với mọi năm, học sinh khá giỏi đạt 7-8 điểm, tuy nhiên để đạt điểm tuyệt đối không dễ.
Một TS ở Hải Dương cho biết rất thích câu hỏi 3 điểm của đề thi môn văn khối C: Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa. Để phân tích câu này TS phải thường xuyên cập nhật thông tin thời sự, báo chí. Tuy nhiên, sự mê muội thần tượng không phải lần đầu tiên được đề cập.
Ông Nguyễn Đức Hùng (giáo viên Trung tâm Vĩnh Viễn) đánh giá chung, đề thi cả hai khối C, D đều không đánh đố và hay ở chỗ nó vừa sức với học sinh khá nhưng thách thức lớn với TS trung bình. Đề thi năm nay có nét giống đề năm 2010 và có tính phân loại rất cao.
Kết thúc đợt thi thứ 2, ông Đỗ Quốc Anh (Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) cũng nhận định, đề thi các khối đợt này bao quát suốt chương trình và phân loại cao, có câu dễ ghi điểm nhưng cũng có những câu rất khó, chỉ học sinh giỏi mới làm được. Điều này sẽ giúp các trường tuyển được các TS theo đúng mục tiêu đào tạo.
Đà Nẵng: Nhiều TS bị ngất xỉu
Trong đợt thi thứ 2, ĐH Đà Nẵng có 19.468 TS dự thi khối B, C, D và các khối năng khiếu. Theo ghi nhận, tình hình thi ở ĐH Đà Nẵng khá nghiêm túc. Ngoài 1 TS bị đình chỉ và 1 TS bị khiển trách do mang tài liệu vào phòng thi, không ghi nhận trường hợp mang điện thoại di động (ĐTDĐ) hoặc thiết bị vi phạm quy chế vào phòng thi. Cũng trong buổi này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã đến các HĐT ở ĐH Đà Nẵng kiểm tra, nhắc nhở TS không mang ĐTDĐ và các thiết bị có chức năng thu phát, tránh việc bị đình chỉ oan. Ở một số HĐT lực lượng thanh niên tình nguyện đã nhận giữ ĐTDĐ và đồ dùng không cần thiết miễn phí cho TS ngay trước cổng trường thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác coi thi tại một điểm thi Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: M.Tâm
|
Trong đợt thi này có nhiều TS bị ngất xỉu trước hoặc trong lúc làm bài, có TS ngất đến 2 lần trong suốt buổi thi. Nguyên nhân một phần do thời tiết mấy ngày qua tại miền Trung khá nóng bức, ngột ngạt. Phần khác một số em có tiền sử bệnh động kinh, hạ canxi… vấn đề sức khỏe những ngày trước khi thi không được quan tâm đúng mức nên bước vào buổi thi với tâm lý căng thẳng dẫn đến bị ngất xỉu.
TS Trần Ngọc Linh Hà (thi tại HĐT Trường CĐ Công nghệ) cho biết: “Thông thường mấy năm trước kết cấu đề thi môn văn của khối D thì câu cảm nhận, phân tích thơ thường là câu hỏi của chương trình chuẩn nhưng năm nay lại nằm ở chương trình nâng cao. Đề khá hay và nằm trong chương trình học nên bọn em thấy thoải mái khi làm bài”. Tuy nhiên để đạt được điểm cao trong môn văn cũng không phải là điều dễ. TS Nguyễn Anh Khoa, thi vào Trường ĐH Sư phạm nhận xét: “Đề thi dễ nhưng theo em khó đạt điểm cao. Ví dụ như câu 1 hỏi về những chi tiết nhỏ của tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? rất khó trả lời vì không phải bạn nào cũng chú ý đến từng chi tiết nhỏ như thế”.
Cần Thơ: TS vi phạm quy chế giảm
Đợt 2, tại Cần Thơ ngoài Hội đồng coi thi liên trường còn có thêm HĐT Trường ĐH Y – dược Cần Thơ, có 53.446 TS đăng ký tại 2 HĐT. Đến môn thi cuối, số TS bỏ thi là 124. Nhìn chung, ở các khối thi, đa số TS cho biết: Đề thi vừa sức, dù có tính phân loại nhưng các câu hỏi đều nằm trong chương trình THPT, TS nắm vững kiến thức có thể đạt từ điểm 5 trở lên.
TS Trần Vũ Linh (ở Phú Tân, An Giang) thi khối B vào ngành nông học, ĐH Cần Thơ, cho biết: “Môn sinh em làm được hơn 50%. Môn hóa yêu cầu tính toán nhiều hơn đề của khối A. Muốn làm tốt đề, ngoài kiến thức trong chương trình lớp 11 và 12 phải làm nhiều bài tập nâng cao và học thêm một số công thức đặc biệt”. Khó nhất trong khối C là môn sử. TS Nguyễn Thanh Tân (ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) thi vào ngành Việt Nam học, ĐH Cần Thơ, chia sẻ: “Em làm được 70% câu hỏi môn địa. Môn văn được khoảng 8 điểm vì trúng tủ các câu văn học. Theo em, khó nhất là môn sử vì chỉ có 50% câu hỏi nằm trong các tài liệu ôn tập, còn lại phải tư duy và biết tổng hợp kiến thức mới làm được”.
Trong buổi thi chiều 9-7, 1 TS thi tại HĐT Khoa Môi trường và Tài nguyên, ĐH Cần Thơ phải bỏ thi vì suy nhược cơ thể. Sáng 10-7, 1 TS thi khối D tại HĐT Khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ, sau khi nộp bài đã xỉu vì hạ canxi.
Thí sinh thi vào Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM phấn khởi sau khi làm bài môn địa lý. Ảnh: M.Tâm
|
Kết thúc đợt 2, dù khối thi và TS cụm thi Cần Thơ tăng nhưng số vi phạm qui chế giảm: Có 10 TS bị đình chỉ, trong đó 7 trường hợp mang ĐTDĐ vào phòng thi, 3 trường hợp mang tài liệu; không có cán bộ vi phạm qui chế. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường cụm thi Cần Thơ, trao đổi: “Chúng tôi chỉ đạo các điểm thi phải siết chặt nội qui. Cán bộ coi thi thực hiện nhiều biện pháp để nhắc nhở TS tuân thủ qui chế, trong đó nghiêm cấm mang ĐTDĐ vào phòng thi. Ở phòng thi, cán bộ coi thi đã viết lên bảng “TS mang ĐTDĐ vào là cấm thi” trước khi gọi số báo danh TS vào phòng thi”.
Tại HĐT Trường ĐH Y – dược Cần Thơ, có 4 TS bị khiển trách do nhìn bài của bạn. 2 cán bộ coi thi bị khiển trách vì phát đề thi sớm 5 phút…
Theo kế hoạch, ngày 14-7-2012, Hội đồng chấm thi cụm thi Cần Thơ bắt đầu làm công tác chấm thi.
Tăng điểm chuẩn vào ngành thế mạnh
Với mức độ làm bài của TS, nhiều trường nhận định điểm sàn khối B, C, D năm nay sẽ không thay đổi mấy. Tuy nhiên điểm chuẩn vào một số ngành sẽ tăng. Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM Đỗ Văn Dũng cho biết, tỷ lệ TS dự thi vào trường năm nay cao hơn năm ngoái và với mức độ đề thi như vậy, các ngành vốn là thế mạnh của trường như cơ khí, điện tử sẽ tăng điểm chuẩn. Cụ thể, nhóm ngành cơ khí tăng 1 điểm, nhóm ngành điện tử tăng 2. Ở khối ngành khoa học xã hội, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, các ngành báo chí, quan hệ quốc tế… có truyền thống lấy điểm cao do chủ yếu hút được lượng TS khá giỏi nên điểm chuẩn cũng sẽ không xê dịch. Còn các ngành triết học, nhân học… khả năng điểm chuẩn sẽ bằng sàn, tương tự như mọi năm. Cùng thế mạnh đào tạo các ngành khoa học xã hội, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng giữ mức điểm chuẩn bằng sàn cho nhiều ngành, nhìn chung không có gì đột biến.
Ông Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cũng dự kiến, nhóm ngành thế mạnh của trường là thực phẩm ở khối B cũng sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm. Khối A vẫn giữ nguyên. Ở nhóm ngành kinh tế, khối A và D cũng sẽ lấy bằng mức điểm chuẩn của năm ngoái. Riêng khối mới A1 năm nay sẽ lấy ngang mức điểm sàn của bộ. Còn một số ngành “khó tuyển” như điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, môi trường… điểm chuẩn cũng ở mức sàn. Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, một số ngành thuộc khối C, D dự kiến sẽ tăng từ 0,5 đến 1 điểm. Điểm chuẩn các ngành khác sẽ không thay đổi đáng kể…
Tâm – Huê – Yên – Phượng
Chấm thi tuyển sinh ĐH, CĐ: Khác đáp án nhưng đúng vẫn được điểm
Chiều 10-7, kết thúc đợt 2 tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Tại cuộc họp báo này, bộ đã đưa ra nhiều vấn đề của kỳ thi năm nay.
An toàn – nghiêm túc
Báo cáo tổng kết kỳ thi, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, toàn quốc có 125 trường ĐH tổ chức thi đợt 1, 121 trường tổ chức thi đợt 2, tổng số TS đăng ký dự thi ĐH cả hai đợt là 1.615.979. Số TS đến dự thi là 1.265.338 (đạt tỷ lệ 78,3%), giảm 0,28% so với năm 2011.
Chương trình Tiếp sức mùa thi tiếp tục được triển khai có hiệu quả tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Đã huy động được 35.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện tham gia phân luồng, giảm ùn tắc giao thông, hướng dẫn TS đến các điểm thi, hỗ trợ việc đi lại, ăn ở cho TS, tham gia giữ gìn an ninh, trật tự bên ngoài các khu vực thi. Đã in và phát miễn phí 43.000 số báo Sinh viên Việt Nam có kèm cẩm nang Tiếp sức mùa thi và các bài viết tư vấn hỗ trợ TS cùng người nhà TS. Đặc biệt đã phối hợp tổ chức thí điểm chương trình Thắp sáng những ước mơ, hỗ trợ 200 học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn tại 10 tỉnh, hỗ trợ phương tiện di chuyển từ địa phương về địa điểm thi, hỗ trợ chỗ trọ miễn phí, toàn bộ kinh phí ăn, nghỉ, vật dụng trong quá trình đi thi và trở về địa phương.
Đánh giá chung về kỳ thi, Bộ GD-ĐT nhận định về cơ bản, hai đợt thi ĐH của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 đã được tổ chức chặt chẽ, diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.
Đề mở: Chấm mở
Liên quan đến đề thi văn và địa lý năm nay có mở hơn, gắn liền với vấn đề thời sự xã hội, nhiều phóng viên băn khoăn liệu đề thi mở, chấm thi có mở không? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Nghĩa, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, ở tất cả các khối, 3 môn đều có điểm chung đó là đề thi bám sát chương trình THPT. Đánh giá của dư luận cho thấy đề thi năm nay phân loại tốt. Học sinh trung bình khá đều làm được 5-6 điểm, nhưng học sinh khá, giỏi vẫn làm được 8, 9 điểm. Về môn ngữ văn, ông Nghĩa cho biết hướng ra đề mở là hướng đã đưa ra nhiều năm nay. Đề văn gắn liền với vấn đề xã hội. Trong bài thi, nếu có ý nào TS trình bày khác đáp án nhưng đúng vẫn được cho điểm. Bộ GD-ĐT khuyến khích sáng tạo của TS. Đề thi mở, đáp án chấm thi cũng sẽ mở. Còn đối với môn sử và địa lý, ông Nghĩa cũng cho hay, đề thi tự luận khó hơn đề thi trắc nghiệm. Bởi đề tự luận không thể trải hết được chương trình như trắc nghiệm. Do đó, việc ra đề cũng khó khăn.
Công nghệ cao: Nên hay không
Liên quan đến vấn đề công nghệ cao, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết mục đích của sửa đổi quy chế năm nay là để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với ngành giáo dục. Bộ không bắt buộc các TS phải mang vào. Qua hai đợt thi không có TS nào mang thiết bị vào đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, giải tỏa mọi thắc mắc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trước đây, chúng ta vẫn phàn nàn khi TS vào phòng thi là một “pháo đài” tách biệt, không biết chuyện gì xảy ra. Do đó, năm nay bộ có sửa đổi quy chế để minh bạch hóa công tác tuyển sinh. Xã hội cũng như cơ quan quản lý biết được bên trong các hội đồng thi đang xảy ra việc gì. Và trong quy chế cũng quy định rất rõ, nếu TS lợi dụng công nghệ này để làm bài thi thì sẽ bị xử lý. Nên không có chuyện lợi dụng chống tiêu cực để tiêu cực.
Nghiêm Huê
|
Bình luận (0)