Sự kiện giáo dụcTin tức

Đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011: Siết chặt kỷ luật, tránh lặp lại sai sót

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh làm thủ tục dự thi tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong đợt thi ĐH đầu tiên ngày 3-7

Hôm nay (8-7), thí sinh trong cả nước tiếp tục đến làm thủ tục dự thi, chỉnh sửa những sai sót trong đăng ký dự thi tại đợt 2 của kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 diễn ra trong hai ngày 9 và 10-7 tới.

Cơ hội cuối cùng chỉnh sửa sai sót
Buổi làm thủ tục dự thi rất quan trọng bởi thí sinh không chỉ được chỉnh sửa những sai sót, làm quen phòng thi mà còn được nghe hướng dẫn, phổ biến quy chế thi để tránh vi phạm. Ngay từ đợt thi đầu tiên, có đến 126 trường hợp thí sinh do không nắm rõ quy chế đã bị kỷ luật, chủ yếu là do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi. Cũng trong buổi làm thủ tục dự thi đợt 1, rất nhiều thí sinh còn bị sai sót giấy báo dự thi, cần phải được chỉnh sửa để hợp lệ, chủ yếu ở các lỗi như: thiếu ảnh, thiếu dấu giáp lai, sai mã ngành, sai tên, nhầm giới tính…
Đợt thi thứ hai này, TP.HCM có 215.947 thí sinh dự thi vào 33 trường ĐH tại 199 điểm thi. Trong đó, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM vẫn dẫn đầu số lượng thí sinh với 27.177 em, 19 điểm thi. Trường ĐH Nông lâm có 23.395 thí sinh với 22 điểm thi. Trường ĐH Y dược có 23.190 thí sinh, 25 điểm thi. Trường ĐH Sài Gòn 18.882 thí sinh, 19 điểm thi… Cũng trong đợt thi này, nhiều trường vẫn tiếp tục sử dụng điểm thi là các trường tiểu học với kích cỡ bàn ghế không phù hợp với học sinh phổ thông, không đảm bảo được khoảng cách quy định giữa các thí sinh. ThS. Nguyễn Vĩnh An (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, đợt này, toàn cụm Cần Thơ có 45.507 thí sinh dự thi tại 45 điểm thi. Cụ thể, cụm bố trí 1.569 cán bộ và 1.741 sinh viên coi thi tại 1.121 phòng thi. Bên cạnh đó, còn có 419 công an, cảnh sát… sẽ cùng hỗ trợ thực hiện, đảm bảo an ninh cho kỳ thi.
Tránh lặp lại sai sót của đợt thi đầu tiên

Đợt thi thứ hai này có nhiều khối thi (B, C, D và năng khiếu) với nhiều môn thi tự luận nên công tác coi thi sẽ khó khăn và phức tạp hơn. Do đó, Bộ GD-ĐT vừa có công điện yêu cầu siết chặt kỷ luật tuyển sinh ĐH đợt hai (từ ngày 8 đến 10-7). Các trường không được tiếp tục bố trí những cán bộ vi phạm quy chế đã bị xử lý kỷ luật tham gia tuyển sinh ở đợt 2. Các hội đồng tuyển sinh cần tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả, những hạn chế, bất cập trong công tác chuẩn bị và tổ chức thi ĐH đợt 1 (khối A và V), có biện pháp khắc phục sai sót ở đợt thi thứ nhất, tránh để lặp lại những sai sót này ở đợt thi tiếp theo. Về việc ký giấy thi và phiếu trả lời trắc nghiệm – những khâu đã để xảy ra sự cố trong đợt 1, bộ lưu ý, đối với các môn thi tự luận, trước khi phát tờ giấy thi cho thí sinh, cán bộ coi thi thứ hai phải ký và ghi rõ họ tên vào đúng ô quy định trên tờ giấy thi; cán bộ coi thi thứ nhất chỉ được ký và ghi rõ họ tên vào đúng ô quy định trên tờ giấy thi của thí sinh sau khi thí sinh đã ghi đầy đủ họ tên, số báo danh và các mục cần thiết khác trên tờ giấy thi. Ở các môn thi trắc nghiệm, cả hai cán bộ coi thi ký vào phiếu trả lời trắc nghiệm trước khi phát cho thí sinh; nhắc nhở thí sinh phải kiểm tra kỹ để bảo đảm đề thi đủ số trang, đúng mã đề trên từng trang, số câu trắc nghiệm…
25-7 công bố điểm thi
Ngay sau khi kết thúc đợt thi đầu tiên, nhiều trường đã bắt tay vào thực hiện rọc phách, chấm thi. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM bắt đầu chấm thi từ ngày 6-7. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ chính thức chấm vào ngày 13-7 tới. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM… dự kiến công bố điểm thi từ 25-7. Trường ĐH Cần Thơ cũng đang tiến hành công đoạn rọc phách, chính thức chấm vào 16-7. ThS. Nguyễn Vĩnh An (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, để phục vụ công tác chấm thi, trường bố trí 550 cán bộ. Lực lượng cán bộ chấm thi này được huy động từ giáo viên các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Nguyễn Tiến Dũng cũng thống kê, để chấm 13.200 bài thi tự luận của khối A, trường đã huy động 80 giáo viên từ các trường THPT khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… tham gia chấm. Theo ông Dũng, với mức độ đề ra như vậy, khả năng điểm chuẩn khó có thể cao hơn năm trước. Mức điểm sàn có lẽ cũng không biến động nhiều so với năm rồi. ThS. Nguyễn Vĩnh An cũng dự báo, kết quả thi của thí sinh năm nay sẽ có sự phân hóa rõ rệt giữa những em học lực khá giỏi với những em học lực bình thường.
Bài, ảnh: Mê Tâm

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)