Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an, Cục CSGT đã triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT và trật tự xã hội từ ngày 1-12-2019 đến 14-2-2020, nhằm phục vụ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2020 trong toàn quốc.
Ban ATGT TP đề nghị các quận huyện tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức “đã uống rượu bia thì không lái xe”
Triển khai cao điểm đối với đường bộ, đường sắt và thủy nội địa
Để phục vụ nhu cầu du xuân và đi lại của người dân trong cả nước trong dịp Tết dương lịch 2020, Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội đầu xuân, đợt cao điểm được triển khai thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ ngày 1-12 đến 14-12-2019), lực lượng CSGT sẽ tập trung xử lý theo chuyên đề vi phạm nồng độ cồn và ma túy. Giai đoạn 2 (từ ngày 15-12-2019 đến 14-2-2020) là cao điểm bảo đảm trật tự ATGT và trật tự xã hội. Theo đó, trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng CSGT toàn quốc chú trọng các giải pháp hạn chế ùn tắc, phòng ngừa và kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí; tập trung kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, ma túy; xử lý nghiêm các hành vi lưu thông sai làn đường, quá tốc độ, chở quá tải, dừng đỗ không đúng quy định; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, quá niên hạn kiểm định. Đối chiếu với các lỗi vi phạm được tập trung tăng cường, cho thấy xe ô tô vận tải hàng hóa, vận chuyển hành khách, container và xe mô tô, gắn máy là những đối tượng mà lực lượng chức năng tập trung kiểm soát, xử lý. Ngoài ra, tình trạng tụ tập gây rối trật tự công cộng và đua xe trái phép cũng sẽ bị kiểm soát gắt gao.
Tương tự, đối với giao thông đường sắt, CSGT các tỉnh thành cùng với chính quyền, công an địa phương và ngành đường sắt phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự ATGT. Trong đó chú trọng kiểm tra việc chấp hành những quy định về an toàn tại những khu vực đường ngang có tình hình giao thông phức tạp, đường ngang không có cảnh giới, đường ngang tự phát. Bên cạnh đó, những quy định về PCCC, cháy nổ, vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng được kiểm soát nghiêm ngặt. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, các giải pháp phòng ngừa TNGT đường sắt tại những điểm đen TNGT cần được đẩy mạnh trên toàn quốc, nhất là đối với những ga trọng điểm tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Đối với giao thông đường thủy nội địa, vào thời điểm trước Tết, cảnh sát đường thủy tập trung kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa, khai thác tài nguyên khoáng sản, vận tải hành khách ngang sông, vận tải theo tuyến cố định trên các tuyến sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Đuống, sông Lam… Riêng vào thời điểm Tết và sau Tết, các hoạt động đường thủy phục vụ nhu cầu giải trí, du lịch, lễ hội cũng sẽ tiếp tục được tăng cường. Song song với các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, các địa phương cũng tăng cường rà soát, khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông và tổ chức phân luồng để tránh tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến đường huyết mạch, cửa ngõ ra vào các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội; các tuyến quốc lộ; chợ hoa, khu vui chơi, lễ hội…
TP.HCM: Quyết tâm không để xảy ra ùn tắc dịp Tết
Để ổn định tình hình trật tự ATGT phục vụ Tết và lễ hội xuân, ngay từ đầu tháng 12-2019 thanh tra Sở GTVT đã tăng cường rà soát những công trình đang thi công nhằm đưa ra những giải pháp đảm bảo an toàn tại những khu vực này. Đồng thời lực lượng chức năng cũng tập trung khắc phục những bất cập hạ tầng giao thông đường bộ; kiểm tra điều kiện an toàn của các phương tiện vận chuyển khách tại các bến xe cố định; xây dựng kế hoạch phân luồng nhằm tránh ùn tắc dịp Tết trên những tuyến đường trọng điểm gồm Quốc lộ 13 (đoạn từ Bến xe Miền Đông đến Phạm Văn Đồng), đường Trường Sơn vào Sân bay Tân Sơn Nhất, vòng xoay An Lạc đến cầu Bình Điền (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh), Xa lộ Hà Nội về cảng Cát Lái, khu vực Ngã tư Hàng Xanh… Để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại, du xuân của người dân, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải chấp hành nghiêm túc quy định không đón khách dọc đường; không bán vé cao hơn giá niêm yết; đảm bảo đáp ứng đủ phương tiện để người dân về quê đón Tết an toàn.
Để kéo giảm và hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM) khẳng định giải pháp ưu tiên là công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, việc tuyên truyền để đạt được hiệu quả cao cần có sự phối hợp với các đơn vị, mặt trận đoàn thể và sở ngành nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, đặc biệt là vấn đề liên quan đến rượu bia. Từ đây cho đến cuối năm, các đơn vị thường tổ chức liên hoan, tổng kết đón năm mới dương lịch và Nguyên đán, nên tình trạng sử dụng rượu bia cũng sẽ gia tăng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Do đó, Ban ATGT TP đề nghị lực lượng chức năng các quận huyện tăng cường tuyên truyền và nhắc nhở để giúp người dân ý thức khi tham gia giao thông là “đã uống rượu bia thì không lái xe”. |
Trong kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT phục vụ Tết, ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM) cho biết, từ nay đến cuối năm cũng như trong đợt cao điểm, TP chỉ đạo tiếp tục kéo giảm TNGT nhằm đạt chỉ tiêu phấn đấu từ đầu năm là giảm ít nhất 5% TNGT trên 3 mặt (về số vụ, số người chết và số người bị thương). Tính đến thời điểm này, tuy kết quả cho thấy TNGT đã kéo giảm ở cả 3 mặt, số người chết có giảm so với chỉ tiêu đề ra, nhưng số người bị thương và số vụ cần phải tập trung kéo giảm hơn nữa để đạt được chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Ngoài công tác tuyên truyền kéo giảm TNGT, ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết ngành giao thông TP cũng đang nỗ lực khắc phục các điểm đen TNGT; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị vận tải hàng hóa nhằm tránh tình trạng để thùng container rớt xuống đường gây tai nạn cho người lưu thông; yêu cầu các chủ bến cảng, kho bãi kiểm tra các điều kiện an toàn trước khi vận chuyển hàng hóa nhằm đảm bảo trật tự ATGT trên toàn địa bàn TP trong thời gian sắp tới.
Bích Vân
Bình luận (0)