Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Đợt II thi tuyển sinh ĐH 2009: Đề thi bất thường, thí sinh làm gì?

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, hướng dẫn cụ thể những điều thí sinh cần thực hiện trong phòng thi, trong đó có hướng dẫn thí sinh cần làm gì nếu phát hiện bất thường trong đề thi.

Bà Trần Thị Hà
Theo bà Hà, dù số thí sinh đợt I năm nay bị đình chỉ thi nhiều hơn đợt I năm ngoái nhưng phân tích lý do bị kỷ luật cho thấy, số thí sinh mang theo tài liệu vào phòng thi khá ít, chủ yếu là do mang điện thoại di động.
Tuy nhiên, gần như không có trường hợp nào bị bắt khi đang kết nối với bên ngoài, điều đã từng nhiều lần xảy ra trong kỳ thi các năm trước. Hầu hết số trường hợp mang điện thoại vào phòng thi khi bị lập biên bản là điện thoại đang được tắt nguồn hoặc nếu chưa tắt nguồn thì cũng không phải đang được kết nối.
Theo đó, các trường hợp mang điện thoại vào phần lớn rơi vào hai trường hợp: chưa nắm rõ quy chế nên vi phạm; biết là không được phép nhưng vẫn mang vào vì sợ mất do không biết để đâu.
Trước khi bước vào đợt II, Bộ tiếp tục khuyến cáo với các trường là nên tạo điều kiện để thí sinh gửi gắm đồ đạc, tài sản của mình trước khi vào phòng thi. Người nhà của phụ huynh cũng nên chủ động nhắc nhở và giúp con em mình giữ gìn tài sản, tư trang của các em để các em không phải mang theo những vật dụng cấm được mang vào phòng thi khi đi thi.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm từ những năm trước thì số lượng thí sinh bị kỷ luật đợt II bao giờ cũng tăng vọt so với đợt trước?
Đặc thù của đợt II là nhiều môn thi, nhiều khối thi. Trong các môn thi chủ yếu là những môn được thi theo hình thức tự luận. Trong các môn thi tự luận chủ yếu là môn xã hội. Những năm trước, đợt II thường xảy ra nhiều trường hợp cố tình mang tài liệu vào.
Việc kiểm tra thí sinh trước khi vào phòng thi cần được quan tâm. Để tránh những tình huống đáng tiếc, trước hết giám thị yêu cầu các em tự giác bỏ tài liệu ra ngoài trước khi vào phòng thi. Mặt khác giám thị phải nhạy cảm, tinh ý để phát hiện các trường hợp cố tình mang tài liệu vào, nhắc các em bỏ ra trước khi quá muộn đối với các em.
Tại phòng thi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ngoài vấn đề kỷ luật phòng thi, còn vấn đề nào khác mà Bộ GD&ĐT lo lắng trước khi thí sinh bước vào kỳ thi đợt II?
Như tôi đã nói, đợt II có nhiều môn thi, nhiều khối ngành. Do đó điều mà chúng tôi lo lắng nhất là những sơ sẩy do không tuân thủ chặt chẽ các quy định về in sao đề thi. Trước khi thi đợt II, Bộ đã chỉ đạo các trường phải kiểm tra chặt chẽ để việc sao in đề tránh những nhầm lẫn đáng tiếc như trường hợp của cụm thi Quy Nhơn vừa qua.
Đặc biệt, khâu đóng gói đề thi sau khi sao in rất quan trọng. Chúng tôi yêu cầu các cơ sở sao in đề phải kiểm tra kỹ, đảm bảo chính xác tuyệt đối giữa tên môn thi trên túi đề với tên môn thi trên đề thi được sao in. Phải thực hiện đúng quy trình sao in, in hết môn nào, đóng túi xong, thu dọn sạch sẽ mới in tiếp môn khác. Nếu vỏ túi đề thi ghi một đằng, ruột trong túi một nẻo thì rất nguy hiểm, nguy cơ lộ đề rất cao.
Nếu phát hiện bất thường trong đề thi, thí sinh phải làm gì?
Nếu câu hỏi thi không rõ ràng, mạch lạc thì thí sinh phải đứng lên hỏi công khai trước phòng thi. Giám thị phải có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo lại với hội đồng thi và nhận thông báo từ hội đồng thi để trả lời thí sinh. Nếu thí sinh chỉ hỏi nhỏ, không công khai thì việc trả lời của giám thị không có giá trị bởi bản thân giám thị không có thẩm quyền giải đáp các thắc mắc về đề thi.
Cảm ơn bà!
Quý Hiên thực hiện (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)