Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Đột nhập phòng thi nóng nhất nhạc viện

Tạp Chí Giáo Dục

Thi vào khoa Thanh nhạc và khoa Piano luôn "nóng" trong mùa tuyển sinh hàng năm, nay lại càng nghẹt thở hơn vì chỉ tiêu tuyển sinh của Nhạc viện giảm. Tiêu chí tuyển chọn khá khắc nghiệt vì chỉ tuyển tài năng thực sự, cộng với tỉ lệ chọi cao khiến cho các thí sinh mướt mồ hôi sau mỗi buổi thi.
Thí sinh thi vào hệ trung cấp thanh nhạc của Nhạc viện. Ảnh: Hương Giang.
Khoa Piano, 1 chọi hơn 10
Nhạc viện TP.HCM có 9 khoa thì riêng khoa Thanh nhạc đã có số thí tham dự chiếm 50% lượng thí sinh thi vào Nhạc viện. Khoa Piano có số lượng thí sinh dự thi ít hơn nhưng lại "nóng" bởi sự chọn lọc khắt khe, với tỉ lệ chọi khoảng 1/10 đến 1/11.
Ông Phạm Ngọc Doanh, phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM cho biết: Năm nay, có 200 thí sinh thi vào Khoa Piano (cả hệ trung cấp và ĐH) nhưng chỉ tuyển 17-18 em. "Thú thật, bây giờ nhiều em trình độ rất khá, giám khảo ngồi dưới đau đầu vì không tuyển cũng tiếc, nhưng chỉ tiêu có hạn nên bắt buộc lấy từ trên xuống dưới".
Theo ông Doanh, khi kinh tế phát triển, nhiều người đã đầu tư ghê gớm cho con theo đuổi ngành học thuộc dạng "quý tộc" như piano, thứ nhất là đầu tư dài hạn, tốn nhiều tiền mà hiệu quả có thể bị "xôi hỏng bỏng không" giữa chừng. Chuyện những thí sinh đã thi đậu trung cấp piano, thi lên ĐH pinao bị rớt là chuyện thường. Thi tuyển khắt khe như vậy, chỉ có những thí sinh con nhà nòi, hoặc năng khiếu bẩm sinh thật xuất sắc thì mới có thể ung dung ở cuộc thi.
Tại Trung tâm bồi dưỡng năng khiếu của Nhạc viện, có tới 500 người từ trẻ tới già đang theo học piano tại đây. Điều đó cho thấy nhu cầu rất lớn của xã hội, đồng thời đây cũng là lý do vì sao ngày càng có nhiều thí sinh thi vào Khoa Piano hơn.
Thí sinh Văn Thành Trung (con trai út của nhạc sĩ Văn Thành Nho) thi vào ĐH piano năm nay, tâm sự ngắn trước khi vào cuộc thi căng thẳng: Em đã làm quen với đàn piano từ 4-5 tuổi, sau đó là những chuỗi ngày tập luyện và tập luyện. Hàng ngày, em chỉ biết đến cây đàn. Hôm nay luyện thấy được, ngày mai lại không hài lòng, lại tập tiếp.
Trung không lo lắm về việc mình sẽ làm gì trong tương lai, chỉ cần tập đàn cho giỏi là được. Em tỏ ra rất tự tin trước cuộc thi tuyển dù có đôi chút hồi hộp.
Thí sinh không chuyên khó đậu
Có mặt tại phòng thi tuyển trung cấp thanh nhạc, nơi NSƯT Tạ Minh Tâm cùng các giảng viên đang ngồi "đãi cát tìm vàng", mới thấy việc tuyển chọn được một thí sinh có năng khiếu ca hát không hề dễ dàng. Cả một buổi chiều mới thấy có một thí sinh khá đặc biệt, còn lại nằm trong danh sách "chờ".
Thí sinh thi vào hệ đại học Khoa Piano của Nhạc viện. Ảnh: Hương Giang
Theo nghệ sĩ Tâm, thông thường, rất ít thí sinh chưa từng học thanh nhạc bài bản tại Nhạc viện có thể thi đậu vào hệ trung cấp Nhạc viện.
Chẳng hạn, năm nay có khoảng 45 em thi từ hệ trung cấp ngắn hạn lên dài hạn, 60 thí sinh học phổ thông bình thường vào thi, thế nhưng, có thể trong 60 em ấy, có khi chỉ chọn được 1 em.
Thật ngạc nhiên, nhiều thí sinh chỉ hát vài câu đã bộc lộ ngay chất giọng yếu hoặc sai nhạc, không có nhạc cảm nhưng vẫn đi thi. Hỏi nhạc sĩ Tạ Minh Tâm, ông cho biết, lý do các thí sinh không có ai hướng dẫn, có khi bạn bè khen hát hay tưởng thật nên đi thi, tuy nhiên, "tôi lại thấy điều đó cũng dễ thương".
Có những em rất đam mê ca hát, và cần phải có cơ hội để thử sức mình, các em có toàn quyền lựa chọn. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ tuyển được những thí sinh thật sự có năng khiếu.
Một thí sinh bước ra khỏi phòng thi sau khi chỉ cần cất lời ba câu là ban giám khảo đã cho dừng. Thí sinh cho biết: mọi lần em thi thấy chỉ có hai ba người ngồi chấm, hôm nay thấy đông giám khảo em rất run nên hát không hết sức mình được.
Theo nghệ sĩ Tạ Minh Tâm, để thi đậu, thí sinh không phải ngẫu hứng đi thi mà đậu được, nhất là khi giáo dục âm nhạc ở phổ thông hiện nay rất yếu. Những thí sinh đã học bài bản mới đủ tự tin thể hiện thành công mấy bài hát mà không xuống hơi hay thiếu nhạc cảm.
Hoá ra, ca hát không phải chuyện dễ như nhiều thí sinh lầm tưởng.
Theo Hương Giang
(Vietnamnet) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)