Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

“Đột nhập” trại cai nghiện Internet ở Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ben Alexander, 19 tuổi, rất cần sự giúp đỡ để thoát khỏi chứng nghiện mà theo cậu cũng mang tính hủy diệt như nghiện rượu hay ma túy. Alexander đã tìm thấy trung tâm cai nghiện Internet đầu tiên của Mỹ vừa được mở cửa.

Alexander đã dành gần như toàn bộ thời gian để chơi trò game "World of Warcraft". Hậu quả là cậu bị trường đại học Iowa đuổi học.

“Chúng tôi đã tiến hành điệu trị tại nhà được vài năm”, bà Hilarie Cash, giám đốc điều hành trung tâm ,cho biết. “Nhưng cho đến tận bây giờ, không có một nơi chuyên biệt nào để gửi những bệnh nhân kiểu này đến cả".

Nghiện Internet hiện vẫn chưa được Hiệp hội Tâm thần Mỹ xếp là một căn bệnh độc lập và chi phí điều trị thường không được bảo hiểm chi trả. Nhưng tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan, đã có rất nhiều trung tâm điều trị tương tự mọc lên. Ở những quốc gia đó, nghiện Internet được coi là một hội chứng nghiêm trọng và nhiều chuyên gia tâm lý học khẳng định đây là một mối lo có thật, đầy tác hại.

Rộng 2 hecta, trung tâm nằm cách Seattle khoảng 30 dặm về phía Đông và tiếp nhận được 6 bệnh nhân cùng lúc. Alexander cho tới nay vẫn là bệnh nhân duy nhất của chương trình “cai nghiện” tại đây. Mỗi ngày, cậu tham dự các khoá học về tâm lý và được trị liệu sức khoẻ, tham gia làm việc nhà, nhặt cỏ, trồng cây, đi dã ngoại, tập thể dục và học nướng bánh gừng.

Dù chương trình điều trị kiểu này chưa biết có hiệu quả lâu dài hay không thì vẫn còn phải chờ xem. Nhưng có một điều, Internet đã thâm nhập vào đời sống sâu tới mức gần như không thể chống lại, không thể kháng cự, cũng giống như việc đưa một kẻ nghiện rượu vào trong quán bar vậy, bà Cash cho hay.

Những tác hại của bệnh nghiện Internet không phải chuyện đùa.

Từ mất việc, hôn nhân đổ vỡ cho tới tai nạn ô tô, khi mà tài xế không thể nhịn nhắn tin trong khi đang điều khiển phương tiện. Một số người thậm chí đã chết vì chơi game liên tục nhiều ngày mà không nghỉ giải lao lấy phút nào.

Theo Tiến sĩ Kimberly Young từ Trung tâm phục hồi nghiện Internet tại Bradford, các dấu hiệu cảnh báo bao gồm: bị ám ảnh bởi mạng Internet, lên mạng lâu hơn dự định một cách thường xuyên, thờ ơ với các mối quan hệ, trường học hay công việc để có thời gian online, nói dối để bao biện cho việc sử dụng Internet quá nhiều của mình, dùng Internet để trốn tránh khó khăn hay cảm giác buồn chán ngoài đời, liên tục thay đổi cân nặng, đau đầu hoặc hội chứng tự cứa vào cổ tay…

Tuy nhiên, cách điều trị chứng bệnh này hiện vẫn đang gây tranh cãi.

Ví dụ, nghiện Internet có thể là một triệu chứng của bệnh tâm thần như trầm cảm hoặc căn bệnh kiểu như chứng tự kỷ.

"Theo những gì mà chúng tôi được biết, nhiều người bị gọi là “nghiện Internet” đã rơi vào trạng thái trầm cảm, mất cân bằng xã hội, khiến cho họ không thể sống một cuộc trọn vẹn và đối mặt với mọi người", tiến sĩ Ronald Pies, giáo sư tâm thần học tại Đại học y khoa SUNY Upstate ở Syracuse, New York, cho hay.

"Nếu như chúng ta không điều trị tận gốc, đúng bệnh thì chỉ một thời gian sau, các triệu chứng hoặc hình thái khác của bệnh sẽ lại xuất hiện", tiến sĩ Pies khẳng định.

Những người nghiện Internet là những người ăn uống, sinh hoạt không điều độ, ít giao tiếp xã hội, tính tình rụt rè, kín đáo hoặc quá nóng nảy, bốc đồng, hiếm khi tập thể dục, chơi thể thao.

Alexander đã từng là một thanh niên cao lớn, ít nói, luôn đạt điểm cao và hy vọng trở thành một chuyên gia sinh học.

Cậu bắt đầu chơi "World of Warcraft", một trò chơi nhập vai trực tuyến nhiều người chơi từ cách đây một năm và nhanh chóng đắm chìm trong đó.

"Ban đầu chỉ là vài giờ mỗi ngày. Nhưng đến giữa học kỳ đầu, tôi đã chơi 16 hoặc 17 tiếng một ngày.

Trường học không còn chút hấp dẫn nào nữa. Đó là một cách dễ dàng để hòa nhập và gặp gỡ mọi người”.

Alexander nhanh chóng bị nhà trường đuổi học trong học kỳ II và tìm đến một trung tâm điều trị lạm dụng các chất nghiện truyền thống nhưng không có kết quả. Cậu đã trải qua một khoá điều trị nhỏ kéo dài 10 tuần ngoài trời tại miền nam Utah. Tuy nhiên, cậu cảm thấy chương trình này không phù hợp với mình và cậu vẫn không thể kiểm soát được sở thích chơi game.

Vì thế, Alexander tiếp tục tìm kiếm và gõ cửa ReSTART hồi tháng Bảy. Alexander nghĩ đây là một lựa chọn đúng đắn.

“Tôi sẽ không quay trở lại với World of Warcraft ít nhất là trong thời gian tới", Alexander khẳng định.

Võ Hiền (Theo Dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)