Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đột phá đổi mới quản lý giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 16-7, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 33/2006CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sơ kết 3 năm thực hiện phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự và chỉ đạo hội nghị.

Các cháu ở Trường Mầm non Khánh Hội quận 4 TPHCM vui chơi lái xe. Ảnh: MAI HẢI

“Hai không” đi vào thực chất

Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8-9-2006 về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục (gọi tắt là Chỉ thị 33) và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (gọi tắt là cuộc vận động “Hai không”) do Bộ GD-ĐT phát động, đến nay, ngành giáo dục cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Đổi mới hoạt động giáo dục, áp dụng thi trắc nghiệm một số môn học đã góp phần đảm bảo tốt hơn tính khách quan trong coi thi, chấm thi; đảm bảo đề thi bao quát được nội dung dạy học và giảm chi phí về thời gian và kinh phí thi.

Tổ chức chấm thi theo cụm trường và chấm chéo các bài thi tự luận giữa các địa phương đã hạn chế được tiêu cực trong lĩnh vực này. Khâu thanh tra, kiểm tra giám sát được tăng cường, do vậy, trật tự kỷ cương trong thi cử được nâng lên rõ rệt, không còn xảy ra các vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, nhất là những vụ việc gian lận có tổ chức trong thi cử. Học sinh, sinh viên đã ý thức được rằng học là để cho mình, học là để tích lũy kiến thức, để trở thành người có ích cho xã hội. Các em học sinh yếu kém được giúp đỡ, khắc phục cơ bản tình trạng học sinh bỏ học, “ngồi nhầm” lớp.

Về phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, sau 3 năm thực hiện, kết quả nổi bật rõ nét là nhận thức về cách làm giáo dục ở nhiều nơi đã thay đổi. Trong 3 năm qua, các tổ chức kinh tế, các đoàn thể và phụ huynh đã tự nguyện ủng hộ vào việc xây dựng các quỹ khuyến học của nhà trường, kịp thời động viên học sinh nghèo vượt khó, học sinh có thành tích học tập với số tiền 523 tỷ đồng.

Các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, hoạt động vui chơi cho học sinh được tổ chức thường xuyên. Phong trào thi đua đã từng bước phát triển, đến nay có 60 tỉnh, thành có tất cả các trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên đều đăng ký tham gia phong trào. Cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng khang trang, văn minh, nền nếp. Trong môi trường học tập an toàn, thân thiện, học sinh thêm tự tin, tự giác chủ động trong học tập.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm gian hàng giới thiệu dụng cụ học tập.

Giáo dục phải đổi mới toàn diện

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện Chỉ thị 33 của Thủ tướng Chính phủ cũng như trong phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hạn chế phổ biến nhất là nhiều giáo viên chưa mạnh dạn phát hiện, phản đối các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích ở một số địa phương.

Việc điều động thanh tra coi thi với số lượng lớn tạo tâm lý căng thẳng, gây sức ép cho trường thi. Ngoài ra, phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực vẫn còn hạn chế do chưa có nhiều hình thức hướng dẫn linh hoạt, phù hợp chưa có thời gian nhiều cho sinh hoạt ngoại khóa, tham quan dã ngoại, cắm trại… nên chưa tạo sự gần gũi một cách có hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao các cuộc vận động, các phong trào của toàn ngành giáo dục đã mang lại những kết quả tích cực. Trong đó nổi bật là việc thực hiện Chỉ thị 33 đã siết chặt được kỷ cương trong thi cử, môi trường học tập của học sinh được cải thiện, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm…

Thủ tướng cũng nêu ra những hạn chế và lưu ý ngành giáo dục cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục. Trong đó, đổi mới nội dung còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh còn hạn chế; tình trạng trường học chưa thân thiện, học sinh chưa tích cực vẫn còn. Thủ tướng lưu ý, ngành giáo dục phải nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém, hạn chế để thực hiện tốt hơn nữa.

Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 33 trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo ngành giáo dục tiếp tục đổi mới quản lý giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục. Phải làm tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục; tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách phù hợp và hiệu quả; tăng cường các hoạt động khảo thí và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Ngoài ra, ngành giáo dục cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, triển khai có kết quả đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học và kiểm tra, đánh giá cấp phổ thông theo hướng giảm tải; rà soát, đổi mới chương trình và sách giáo khoa phù hợp với mục tiêu đã đề ra; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; nâng cao chất lượng dạy, học và sử dụng ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Thủ tướng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội tiếp tục quan tâm hơn nữa tới phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục; thực hiện tốt chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với học sinh con em gia đình có công, đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh giỏi, học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, giáo viên công tác ở những vùng có nhiều khó khăn; phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2011 – 2012 và các năm tiếp theo, đóng góp thiết thực vào sự phát triển nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

ĐÌNH TUYỂN (Theo SGGP)

Đồng Tháp cần phát huy tối đa thế mạnh nông nghiệp

Ngày 16-7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã về thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp.
Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của tỉnh đạt gần 13%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng hơn 30%, dịch vụ tăng gần 30%, xuất khẩu tăng 55%. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Tháp đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện tốt Nghị quyết 02 và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nổi bật là tỉnh đã rà soát điều chỉnh, đình hoãn, giãn tiến độ 152 dự án, với vốn gần 130 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 47 tỷ đồng chi thường xuyên…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực và thành quả quan trọng mà Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua. Thủ tướng lưu ý, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chủ động, tích cực triển khai các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là công tác quản lý, bình ổn giá cả, thị trường.

Đồng Tháp cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất để duy trì tăng trưởng hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Là địa phương có thế mạnh đặc thù về nông nghiệp, Đồng Tháp cần chú trọng phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên như vị trí địa lý, tài nguyên đất, nước ngọt… để phát triển nông nghiệp, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị cao, tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, những kinh nghiệm hay vào sản xuất nông nghiệp, đóng góp nhiều hơn nữa cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các đại biểu của ngành giáo dục đã đến dâng hương tưởng niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp).

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)