SOS chuyện tụt hậu nguồn nhân lực; đổi mới quản lý quan trọng nhất phải tạo được môi trường dân chủ; dự thảo chưa thấy cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý… Đây là các ý kiến từ buổi góp ý cho dự thảo chiến lược giáo dục 2009 – 2020 của các đại biểu từ các đoàn thể, hội nghề nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Hà Nội ngày 19/12.
> Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục năm 2009-2020: Điểm nhấn và giải pháp đột phá
> Đổi mới giáo dục: Đột phá từ quản lý
"Giáo dục cho hơn 70 triệu người chưa được 1 dòng"
Góp ý dự thảo chiến lược GD 2008-2020. Ảnh Nguyễn Dũng |
Lý giải hiện tượng có quá nhiều bức xúc của xã hội về giáo dục, GS Vũ Dương Ninh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng do nguồn nhân lực chưa theo kịp được yêu cầu của công cuộc đổi mới.
"Nếu tạm so sánh, với các ngành kinh tế, ít nhất cũng thấy đưa được nền kinh tế đi lên. Còn ở ngành giáo dục, Ban Bí thư đặt vấn đề ”giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhưng chưa thấy giáo dục đi đầu trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam, không nên nói "đào tạo theo nhu cầu xã hội" chung chung mà phải xác định đột phá ở đào tạo ĐH và dạy nghề. Bởi, năng lực cạnh tranh xuất phát từ đào tạo ĐH chứ không phải tiểu học. Cần nhanh chóng đào tạo lao động tri thức. Như vậy, chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình xã hội học tập, hướng vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo và khả năng học hỏi không ngừng trong suốt đời.
Chia sẻ với ông Dong, GS Nguyễn Hữu Tăng, Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam thấy rằng các giải pháp và mục tiêu trong dự thảo nói về lâu dài, nhưng việc chuẩn bị nguồn nhân lực là "những việc cần làm ngay".
Theo ông Dương Văn Sao, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam, hiện nay, vấn đề ĐH "nóng" là do quá tải, mở trường nhiều, giáo viên chạy sô không còn thời gian nghiên cứu.
Nhiều điểm trong chiến lược chưa có, thuật ngữ "xây dựng xã hội học tập", "xây dựng nền kinh tế tri thức" không thấy nêu lên cụ thể. Hiện nay, giáo dục trong nhà trường mới có 22 triệu HSSV, còn hơn 70 triệu người ngoài nhà trường. Giáo dục suốt đời ở đâu, trong dự thảo nói về giáo dục ngoài nhà trường chưa được 1 dòng… GS Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam phân tích.
"Khi xây dựng chiến lược, cần dự báo phát triển dân số và nguồn nhân lực, nhu cầu phát triển kinh tế, từ đó mới gắn sang giáo dục", ông Sao đặt vấn đề.
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thông tin, sắp tới sẽ có hội nghị doanh nghiệp tham gia đào tạo. Hiện nay, đang xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Tuy nhiên, không phải nội dung nào cũng dự báo được, chẳng hạ như vấn đề cơ cấu.
Môi trường dân chủ
"Nhà trường không dân chủ thì giáo viên không dân chủ được. Không thể để hiệu trưởng áp đặt", GS Nguyễn Hữu Tăng góp ý về giải pháp đổi mới quản lý giáo dục.
Về điều này, GS Vũ Dương Ninh thấy "phải nhấn mạnh tới đội ngũ quản lý giáo dục bởi nhiều việc không phải thầy cô quyết định. Chúng ta nói trẻ ngồi nhầm lớp nhưng thật ra, các cháu bị xếp nhầm lớp, bởi chỉ đạo của Ban giám hiệu về tỷ lệ học sinh lên lớp. Ban giám hiệu lại chịu sự chỉ đạo của Phòng, Sở…".
Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thứ TƯ Đoàn đề xuất cần có giải pháp thu hút lưc lượng lớn tiến sĩ, nhà khoa học người Việt về nước, bổ sung cho nguồn lực giáo dục. So sánh với chính sách thu hút Hoa kiều về công tác khi đi thực tế tại Trường ĐH Đông Nam (Trung Quốc), anh Vinh thấy rằng, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này, không phải trả bao nhiêu mà quan trọng tạo môi trường, cách ứng xử cho người trở về như khi họ được sống ở nước ngoài.
Theo GS Dong, nếu đặt vấn đề cải cách sư phạm, thì phải cải cách ngay từ đội ngũ giáo viên dạy chính trị. Hiện nay số giờ học môn chính trị nặng, cách dạy khô cứng. "Không thể cắt hoàn toàn các môn học này, nhưng có thể đổi mới theo hướng dạy các vấn đề mang giá trị nhân sinh".
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, văn hóa của ta là văn hóa tập thể. "Đâu là giải pháp mới về chất, chúng tôi sẵn sàng nghe". Ông Nhân cũng cho biết, qua một số cuộc trao đổi, chưa nhận được giải pháp đột phá mới.
Tam giác thiếu đỉnh
"Tôi đọc đi đọc lại, thấy chuẩn bị công phu, nhưng nhiều vấn đề dàn trải, có cảm giác như cái gì cũng muốn làm. Một số nội dung ở phần mục tiêu lặp lại ở phần giải pháp", GS Vũ Dương Ninh nhận xét.
Bởi vậy, cần xác định mục tiêu ngắn nhưng cơ bản, đồng thời, cấu trúc lại nội dung. Chiến lược phải định ra được các bước đi. Ví dụ, trong 3 năm đầu, trọng tâm chấn chỉnh cái đang có.
GS Nguyễn Mậu Bành thì thấy cần thiết phải làm rõ cơ sở của những chỉ tiêu đặt ra. Với mục tiêu 450 SV/1 vạn dân, tức là quy mô khi đó sẽ vào khoảng 4,5 triệu SV thì cần giảng viên, tiến sĩ? Trong 12 năm tới có kịp đào tạo không? Mục tiêu dạy ngoại ngữ, đến 2020 có đủ giáo viên ngoại ngữ không?
"Trong 3 đỉnh tam giác, Bộ mới nêu được 2 đỉnh là giáo viên và quản lý, còn một đỉnh để trống là vấn đề tài chính. Theo dự kiến, đến 2020 chi cho giáo dục chiếm 21% ngân sách, nhưng nếu thế cũng chỉ thêm được khoảng 12 USD cho một người đi học. Với ngần đấy tiền thì không thể làm được nhiều việc như chiến lược đã nêu".
Cần phải tính toán để đảm bảo 3 chân kiềng được vững chắc. Nếu không phải lùi mục tiêu bởi đặt ra mà không đạt được thì sẽ khó.
Trong tháng 11, các nhóm chuyên gia của hội đồng tư vấn khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc đã nhóm họp. GS Dong cho biết ông đã đọc văn bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị dừng chiến lược lại để làm cải cách giáo dục. Còn đại diện Mặt trận thông tin, các nhà khoa học cho rằng, để Bộ tự làm dự án thì chưa thu hết ý kiến chuyên gia.
Trả lời các vấn đề mà đại biểu nêu, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nhân cho biết, sau buổi gặp này, Bộ GD-ĐT sẽ làm bản tóm tắt giới thiệu những điểm mới, đột phá trong dự thảo; có bộ số liệu minh họa tại sao lại chọn các giải pháp; làm rõ nhu cầu tài chính; phối hợp với các tổ chức hội để giới thiệu sâu hơn bản dự thảo. Ông Nhân cũng giải thích dự thảo đã xác định "3 chặng đi" tới đích năm 2020, trong đó xác định từ nay đến 2011 là giai đoạn quá độ.
Hạ Anh (Vietnamnet)
Bình luận (0)