Nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã chủ động, thích ứng với việc dạy học trong mùa dịch khi “đi tắt, đón đầu”, mạnh dạn ứng dụng mô hình “lớp học đảo ngược”, sử dụng công nghệ thông tin thành thạo…
Từ sự mạnh dạn đột phá, các trường tiểu học đã nhanh chóng thích ứng với việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19
Hiệu ứng từ “lớp học đảo ngược”
Cô Ngô Nguyễn Thùy Anh (giáo viên Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) đánh giá, giai đoạn lớp 1 là thời kỳ vô cùng quan trọng giúp trẻ thích ứng trong môi trường lớp học mới, để trẻ có hứng thú và yêu thích việc học. Vì vậy, việc chọn lựa phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức lớp học làm sao để cân bằng tâm lý học sinh, tạo cơ hội để các em hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, vừa tạo cho học sinh sân chơi, môi trường giao tiếp và có cơ hội để trưởng thành là hết sức cần thiết. ““Lớp học đảo ngược” là phương pháp giáo dục trong đó cung cấp nội dung bài học cho học sinh trước khi bước vào lớp học. Thay vì giáo viên là trung tâm, với “lớp học đảo ngược”, học sinh đã trở thành trung tâm, bài giảng được xây dựng trước tiết học, các em được tự mình tìm hiểu, khám phá kiến thức bài học”, cô Thùy Anh chia sẻ.
“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình mở, tạo lợi thế để giáo viên thiết kế tư liệu dạy học. Việc áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” vào lớp học khiến học sinh hào hứng, chủ động hơn rất nhiều trong học tập…”, cô Ngô Nguyễn Thùy Anh (giáo viên Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú) đánh giá. |
Theo cô Thùy Anh, nếu như trong lớp học truyền thống với thời gian trên lớp bị giới hạn, giáo viên chỉ có thể hướng dẫn học sinh nội dung bài học ở ba mức độ đầu của nhận thức là ghi nhớ, thông hiểu và vận dụng. Để đạt đến các mức độ như phân tích, đánh giá, sáng tạo đòi hỏi các em phải nỗ lực tự học tập và nghiên cứu ở nhà – điều này là trở ngại với đa số học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, trong mô hình “lớp học đảo ngược” đã đảo ngược lớp học truyền thống khi ba mức độ đầu được học sinh thực hiện ở nhà từ những băng ghi hình hướng dẫn của giáo viên. Với mô hình này, giáo viên sẽ kiểm tra mức độ chuẩn bị bài học của học sinh, tạo nhóm học sinh để thảo luận, tiến hành làm các bài tập áp dụng. Sau tiết học, thông qua các nền tảng trực tuyến, học sinh sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động, làm các bài tập mang tính nâng cao để phát triển sâu hơn những kỹ năng, năng lực, đánh giá hoạt động…
Dù vậy, cô Thùy Anh nhận định, để thiết kế được các quy trình trong “lớp học đảo ngược” buộc giáo viên phải có sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, không thể theo các lối mòn truyền thống. Giáo viên phải từng bước hướng dẫn học sinh xem xét trước giờ học, đánh giá trước. Điều này sẽ giúp giáo viên tận dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài học, giảng dạy, tăng thêm sự tham gia của học sinh vào trong bài học, qua đó tạo sự thích thú cho các em…
“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình mở, tạo lợi thế để giáo viên thiết kế tư liệu dạy học. Việc áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” vào lớp học khiến học sinh hào hứng, chủ động hơn rất nhiều trong học tập. Vì thế, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến học sinh phải học trực tuyến kéo dài song tính tương tác của các em trong tiết học, với giáo viên không bị hạn chế quá nhiều”, cô Thùy Anh đánh giá.
Mạnh dạn “đi tắt, đón đầu”
Từ giữa học kỳ II năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Lê Lai (Q.Tân Phú) đã mạnh dạn thí điểm đưa dạy học trên internet trở thành phương thức dạy học của trường, song hành với dạy học trực tiếp. Trong giai đoạn này, tùy vào năng lực, sở trường của học sinh, giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia dạy học thí điểm qua internet với các công cụ, phần mềm đã được tập huấn, bồi dưỡng như K12 Online, Ms Teams, Zoom, Skype, Google Meet, Zavi, Google form. Cô Trần Thị Khanh (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, chính từ quá trình mạnh dạn thí điểm này trở thành tiền đề, tạo đòn bẩy thúc đẩy quá trình dạy và học trực tuyến của nhà trường trong bối cảnh dịch Covid-19 năm học 2021-2022. “Từ chỗ bị động trước một năm học đặc biệt khi phải dạy và học trực tuyến ngay từ đầu năm học, giáo viên nhà trường đã chủ động và nhanh chóng thích ứng. Nhiều hoạt động giáo dục, sân chơi bổ ích để học sinh có cơ hội rèn luyện phẩm chất, năng lực đã được giáo viên thiết kế khi dạy học trực tuyến, giúp giờ học trở nên sinh động, không còn nhàm chán”, cô Khanh cho hay.
HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA CÒN HẠN CHẾ, ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TOÀN DIỆN Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, tính đến thời điểm này, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của cán bộ, giáo viên và học sinh tiểu học thành phố, nhất là học sinh khối 3, 4, 5 khá thành thạo, thuận lợi cho hoạt động tổ chức dạy học trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin mà không mất nhiều thời gian tập huấn, bồi dưỡng. Dù vậy, theo Sở GD-ĐT TP.HCM, trong giai đoạn dạy và học trên internet, chất lượng dạy học phụ thuộc rất lớn về thiết bị, đường truyền internet. Cạnh đó, nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động đoàn thể còn hạn chế, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giáo dục toàn diện.
|
Để tổ chức những giờ học trực tuyến hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, cô Khanh cho biết nhà trường đã đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên qua hình thức trực tuyến, giúp thầy cô vận dụng hiệu quả những tính năng, công cụ của các phần mềm trong dạy học trực tuyến. Và khi thiết kế tiết dạy trực tuyến, giáo viên ưu tiên tổ chức các sân chơi bổ ích cho học sinh, hoạt động tạo hứng thú trong học tập cho các em qua ứng dụng phần mềm, trò chơi học tập. Thông qua các hoạt động này, học sinh hào hứng, mong đợi giờ học trực tuyến để được trải nghiệm các trò chơi, hoạt động thi đua sôi nổi, hào hứng do giáo viên tổ chức. “Từ việc đổi mới giờ học, học sinh chủ động khám phá kiến thức mới một cách nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Vì vậy, dù phải học trực tuyến kéo dài và hiện nay việc học cũng gián đoạn do dịch bệnh song cả thầy và trò đều đã quen tay, bắt nhịp, thích ứng tốt”, cô Khanh nhận định.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)