Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đột phá từ đọc hiểu văn bản

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh Trường THPT Thanh Đa (TP.HCM) trong giờ học môn ngữ văn. Ảnh: N.Quang

Môn ngữ văn trong nhà trường có truyền thống lâu đời, tuy vậy, trong bối cảnh đổi mới nội dung và phương pháp dạy học hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ và có sự đột phá thật sự. Một trong những vấn đề đó là nội dung và phương pháp dạy đọc văn.

Đọc hiểu văn bản có tác dụng giúp học sinh (HS) trực tiếp tiếp nhận giá trị văn học, thể nghiệm tư tưởng và cảm xúc được truyền đạt bằng nghệ thuật ngôn từ, hình thành cách đọc riêng. Vì thế dạy văn là dạy năng lực và kỹ năng đọc để HS có thể đọc – hiểu bất cứ văn bản nào cùng loại.

Môn ngữ văn không chỉ có đọc văn mà còn có làm văn và học các kiến thức bổ trợ khác, nhưng đọc văn vẫn là khâu quan trọng nhất vì gắn liền với việc bồi dưỡng năng lực thẩm văn, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và nhân cách cao đẹp cho người học. Tuy nhiên, một thời gian rất dài môn văn chỉ được gọi là giảng văn, sách dạy văn được gọi là văn học trích giảng. Trong cách hiểu như vậy, giảng văn chủ yếu là công việc của thầy, còn vị trí của trò trong môn học văn chỉ là bị động, trong lúc thực chất giờ học phải là giờ hoạt động của trò dưới sự dẫn dắt của thầy trên cơ sở sách giáo khoa và đồ dùng dạy học.

Sai sót của phương pháp dạy học văn như trên xét theo tinh thần giáo dục hiện đại rất dễ nhận thấy. Bởi vì bản thân văn học nghệ thuật và các văn bản nói chung là sáng tạo ra cho từng người đọc và mỗi người đọc phải tự mình đọc lấy thì hình tượng, cảm xúc và nội dung từ văn bản mới dấy lên trong lòng mình. Người ta không ai thưởng thức hộ cái đẹp, thưởng thức hộ một bài thơ hay xem hộ một bộ phim cho người khác. Vậy mà bao nhiêu năm, người thầy làm người thưởng thức văn chương hộ rồi giảng lại cái hay cho HS chép. Đến các kỳ thi, HS chỉ cần thuộc lời thầy là làm được bài, tự mình không cần đọc vẫn thi được. Cách dạy đó đi ngược lại bản chất của văn chương, đi ngược lại nguyên tắc dạy học, là phương pháp cách ly tốt nhất HS – người đọc khỏi tác phẩm, làm cho HS không có dịp trực tiếp đối diện với văn bản, do đó không có thói quen tự mình khám phá văn bản và tất nhiên đánh mất luôn năng lực tự học của họ.

Do không có năng lực đọc hiểu nên nếu cho một văn bản chưa học cùng loại với văn bản đã học trong sách giáo khoa chắc chắn là đa số HS sẽ gặp khó khăn và nói chung là không đọc hiểu được. 

Nội dung khái niệm đọc rất rộng, nhưng cấp độ sơ đẳng nhất người đọc phải nắm bắt đúng thông tin trong văn bản thì mới có thể nói tới các khâu tiếp theo như cảm thụ thẩm mỹ, tiếp nhận giáo dục, năng lực tư duy sáng tạo. Bởi vì giá trị thẩm mỹ, cái hay, cái đẹp như là những thông tin mà người thầy đã nắm bắt được cho HS, các em học thuộc những thông tin ấy để dùng vào việc làm bài và như vậy trên thực tế HS nói chung là không đọc văn, không tự mình hiểu văn và không có kỹ năng tự đọc văn. Thậm chí tự HS cũng không đọc sách giáo khoa, bởi vì nhiều giáo viên có thói quen tóm tắt sách giáo khoa và ghi lên bảng cho các em chép. Mà đã không tự mình đọc hiểu văn thì không thể trau dồi viết văn tốt được, bởi lẽ chỉ những ai đọc hiểu văn mới viết được văn và ngược lại cũng vậy.

GS.TS Trần Đình Sử (Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội)

Sự ngộ nhận tai hại

Đối với những quốc gia khác, dạy văn là dạy kỹ năng đọc để HS có thể đọc – hiểu bất cứ văn bản nào. Từ đọc hiểu văn mà các em tiếp nhận các giá trị văn học, thể nghiệm các tư tưởng và cảm xúc được truyền đạt bằng nghệ thuật ngôn từ, hình thành cách đọc riêng. Đó là con đường duy nhất để bồi dưỡng cho HS năng lực của chủ thể tiếp nhận thẩm mỹ. Do đó, hiểu bản chất môn văn là môn dạy đọc văn vừa thể hiện cách hiểu thực sự bản chất của văn học, vừa hiểu đúng thực chất việc dạy văn là dạy năng lực, phát triển năng lực là chủ thể của HS. Ấy thế nhưng ở nước ta trước đây hầu như chưa có khái niệm đọc – hiểu văn bản. Ít ai nói tới việc dạy đọc tức là dạy cho HS một hoạt động phải làm việc với con chữ, với câu văn, với dấu phẩy, dấu chấm của văn bản để hiểu đúng và hiểu sâu văn bản đó. Hình như người ta cho rằng đọc hiểu là việc rất giản đơn, hễ biết chữ là đọc được. Cái khó của HS chỉ là chưa biết cảm thụ cái hay, cái đẹp nữa mà thôi. Thực ra đó là một ngộ nhận tai hại.

 

Bình luận (0)