Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Đột phá vào nguồn nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Phát triển nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ IX nhiệm kỳ 2010 – 2015. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế đang là nhu cầu cấp bách.

Do có nền kinh tế với xuất phát điểm thấp nên mức bình quân thu nhập nước ta mới đạt khoảng 1.000 USD/người/năm. Để kinh tế phát triển, chúng ta phải đột phá trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, trước hết phải tiến hành mạnh mẽ và quyết liệt công cuộc cải cách, đổi mới giáo dục – lấy người học làm chủ thể trọng tâm, nhằm tạo ra những con người năng động, lành nghề, thích nghi với sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Nguồn nhân lực chất lượng cao được quyết định bởi chất lượng đào tạo.

Hiện nay cả nước có 414 trường đại học, cao đẳng với 74.600 giảng viên và trên 2 triệu sinh viên. Tuy nhiên, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay vẫn còn bị hạn chế bởi đội ngũ giảng viên có trình độ chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng, trước mắt cần kiểm tra chất lượng các trường đại học, cao đẳng hiện hữu, đồng thời đổi mới nội dung và phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn, phù hợp với chuẩn quốc tế. Bất cập hiện nay là chính sách đãi ngộ và lương bổng chưa hợp lý. Mức lương ở khu vực nhà nước quá thấp, do đó những đối tượng có chất lượng cao chuyển sang làm việc ở các công ty nước ngoài. Nhiều du học sinh sau khi học xong cũng không trở về nước mà tìm mọi cách ở lại nước ngoài để làm việc và sinh sống.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bền vững, Nhà nước cần phải nhanh chóng cải cách hệ thống giáo dục – đào tạo trong tất cả các cấp, từ mầm non tới sau đại học, kể cả các trường dạy nghề, sao cho thật đồng bộ và hợp lý; đồng thời đổi mới nội dung phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường. Bên cạnh việc thu hút nguồn lực chất lượng cao trong nước, Nhà nước cần có chính sách thu hút và huy động đội ngũ trí thức Việt kiều và du học sinh về nước làm việc để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

ĐẶNG ĐỨC THÀNH
(Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM)

SGGP

Bình luận (0)