Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Đột phá về công nghệ thông tin

Tạp Chí Giáo Dục

Với sự nỗ lực vượt qua những khó khăn, khắc phục những tồn tại, ngành GD-ĐT Bà Rịa – Vũng tàu (BR-VT) đã gặt hái được nhiều thành quả trong công tác “trồng người”, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy và quản lý đã làm cho BR-VT là một trong những tỉnh, TP tiêu biểu của cả nước.
Đi tắt đón đầu
13 năm trước, BR-VT đã mạnh dạn đón đầu đưa tin học vào trường học bằng cách cử hàng trăm cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đi học nâng cao trình độ tin học. Những năm gần đây, ngành GD-ĐT BR-VT đã vượt lên trong số ít tỉnh – thành cả nước ứng dụng có hiệu quả tin học vào công tác quản lý giáo dục và dạy – học tin học rộng khắp ở các trường trong tỉnh.
BR-VT đã lựa chọn cho mình những phần mềm tiện ích, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng trường, từng địa phương như: Trong quản lý, ngành đã và đang sử dụng phổ biến một số phần mềm quản lý các lĩnh vực như: Xếp thời khóa biểu, quản lý HS, quản lý trường học EMIS, quản lý thi và tuyển sinh, phần mềm quản lý nhân sự PMIS, phần mềm kế toán MISA… Trong dạy học hiện nay, đang phổ biến các chương trình: Dạy và học với máy vi tính (TLC – Teaching and Learning with Computer); các chương trình hợp tác của Bộ GD-ĐT với các công ty như Intel, Microsoft, CabriLog. Bao gồm: Chương trình dạy học cho tương lai của Intel (ITTF – Intel Teach to The Future), chương trình đối tác trong học tập của Microsoft (PIL – Partners In Learning) và một số phần mềm khác về vật lý, hóa học, địa lý, sinh học…
Ông Châu Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng (xã Phước Hưng – Long Điền) cho biết: “Việc ứng dụng CNTT vào công tác dạy và học đã tạo ra bộ mặt tích cực cho thầy và trò nhà trường. Thầy cô tích cực trau dồi kiến thức, học hỏi đồng nghiệp nên ai cũng dạy được giáo án điện tử… HS thì thích thú, hứng khởi khi được học tại phòng lap, sau mỗi giờ học các em biết soạn thảo văn bản, biết vẽ tranh…”. Còn thầy Nguyễn Công Lộc – Hiệu trưởng Trường TH Hạ Long, TP.Vũng Tàu chia sẻ: “Việc ứng dụng CNTT trong nhà trường được áp dụng một cách rộng rãi, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều sử dụng thành thạo các phần mềm, tính năng của các trang thiết bị phục vụ cho công việc giảng dạy. Qua đó, thầy cô đã phát huy được thế mạnh của CNTT, giờ dạy sinh động, hấp dẫn hơn, chất lượng giờ dạy được nâng cao, hiệu quả rõ rệt…”.
CNTT giúp thay đổi bộ mặt giáo dục
Thầy Nguyễn Thanh Giang – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh BR-VT cho biết: “Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, dạy và học được các tỉnh, TP triển khai một cách đồng bộ, bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực. Tại tỉnh BR-VT, trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả GD-ĐT, theo định hướng tin học hóa để cải cách nền hành chính góp phần “xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử”. Trong đó việc ứng dụng CNTT trong dạy học, trong quản lý là một trong những nội dung đạt kết quả tốt, rất hiệu quả, đã trở thành động lực cho sự phát triển GD-ĐT của tỉnh. Đặc biệt là quá trình trên diễn ra mà mọi người không cần phải gặp nhau (trừ việc trình ký), không cần có mặt tại văn phòng sở, cũng không nhất thiết là trong giờ hành chính. Lãnh đạo, chuyên viên có thể đi công tác thậm chí đi nước ngoài, hay nghỉ phép… vẫn có thể tham gia xử lý một cách bình thường như đang có mặt tại văn phòng làm việc, miễn là có máy tính và internet…
Thầy Nguyễn Thanh Đông, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh BR-VT cho biết thêm: “Hiện nay, tất cả các trường học trong toàn tỉnh đã được trang bị đầy đủ máy vi tính phục vụ công tác hành chính và quản lý nhà trường, riêng công tác dạy học môn tin học thì số lượng máy vi tính cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Ở nhà trường máy tính kết nối internet được sử dụng trong thư viện trường học, phòng làm việc của giáo viên. Đến nay, số trường có trang web riêng làm phương tiện liên hệ giữa nhà trường, gia đình, HS và xã hội đạt tỷ lệ cao, gần 90%. Sở đã tham mưu với UBND tỉnh đầu tư cho ngành giáo dục mua sắm các trang thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ cho công tác quản lý, chuyên môn, giảng dạy như: Máy tính xách tay (Laptop), máy chiếu (Projector), máy quét ảnh (Scaner), máy ảnh kỹ thuật số… Hiện nay 100% các trường THPT, trên 80% các trường THCS, trên 30% các trường tiểu học đã được cấp các thiết bị này”.
Huy Cận

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)