Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Đột quỵ – Đừng để bệnh “kêu ai nấy dạ”

Tạp Chí Giáo Dục

BS đang chăm sóc cho một bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Đ.T.H
Thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho thấy, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân đột quỵ được chuyển đến từ các địa phương là rất cao – 70%. Nghĩa là cứ 100 bệnh nhân đột quỵ thì có 70 trường hợp tử vong. Thống kê của ngành y tế Việt Nam cũng như thế giới cho thấy, tử vong do đột quỵ đứng hàng thứ ba, sau bệnh mạch vành và ung thư.
Đột quỵ – vì đâu nên nỗi?
Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do sự cung cấp máu lên não bị ngừng trệ.
Đột quỵ được chia làm 2 loại: Nhồi máu não (thiếu máu não), loại đột quỵ này chiếm khoảng 85-90% trong tổng số các trường hợp đột quỵ; xuất huyết não (chảy máu não). Đồng thời cũng có hai nguyên nhân gây đột quỵ. “Nguyên nhân thứ nhất là tắc mạch máu não do xơ vữa động mạch – mảng xơ vữa trong lòng động mạch nuôi não ngày càng dày lên và làm hẹp dần lòng động mạch tại chỗ, hoặc tạo thành cục máu đông chạy lên cao làm tắc các mạch máu nhỏ hơn. Ngoài ra còn do các bệnh lý rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, các bệnh lý van tim làm máu trong các buồng tim lưu thông kém, dẫn đến nguy cơ hình thành cục máu đông trong buồng tim và di chuyển lên não gây tắc mạch máu não… Nguyên nhân thứ hai là xuất huyết não. Trong đó tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây vỡ mạch máu não. Tăng huyết áp không được điều trị tốt sẽ làm tăng áp lực trong lòng mạch máu não, tạo nên các chỗ phình chịu đựng áp lực kém lâu ngày sẽ bị vỡ gây xuất huyết não. Bên cạnh đó còn có các bệnh lý khác như dị dạng mạch máu não, thoái hóa mạch máu não, u não, bệnh máu khó đông…”, BS. Lê Thị Kim Phượng – Trưởng phòng Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP.HCM cho biết.
Vậy ai là đối tượng dễ bị đột quỵ? Cũng theo BS. Phượng thì: “Tuổi càng lớn, nguy cơ bị đột quỵ càng cao. Những người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường), rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, mắc bệnh tim (đặc biệt là bệnh lý rung nhĩ) đều có nguy cơ cao bị đột quỵ. Ngoài ra, đột quỵ còn có nguy cơ xảy ra đối với những người thường xuyên hút thuốc lá, nghiện rượu và những người béo phì, ít vận động…”.
Cần xử lý đột quỵ đúng cách
Khi bị đột quỵ, bệnh nhân thường có các triệu chứng như méo miệng, yếu hoặc liệt tay – chân một bên, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc không nói được, hôn mê… Vì vậy, “Để nhận biết dấu hiệu của đột quỵ, người nhà hãy bảo người đó cười và quan sát khuôn mặt người đó có cân đối không. Cũng có thể kiểm tra bệnh nhân bằng cách kêu người đó đưa hai tay lên xem có tay nào bị liệt. Đồng thời kiểm tra giọng nói người đó có thay đổi không bằng cách bảo người đó lặp lại những từ đơn giản. Nếu phát hiện có những dấu hiệu khác thường, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115”, BS. Phượng khuyến cáo.
Những điều không được làm khi bị đột quỵ: Không tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió. Vì những động tác này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh; không được cho bệnh nhân ăn, uống và đề phòng nôn gây trào ngược, bệnh nhân hít chất nôn hoặc thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm; không được cho bệnh nhân uống thuốc Aspirin; không tự ý dùng thuốc hạ huyết áp, chỉ dùng thuốc hạ huyết áp khi HA>180/100mmHg…
Việc sơ cấp cứu người bị đột quỵ đúng cách và kịp thời sẽ có nhiều cơ hội cứu bệnh nhân khỏi tai biến, thậm chí là thoát chết. Bằng cách thực hiện các bước: “Đặt bệnh nhân đột quỵ nằm ở nơi thông thoáng, nghiêng đầu sang một bên nếu bệnh nhân nôn ói để tránh dịch nôn ói đi vào đường thở. Gọi xe cấp cứu hoặc đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất. Không nên trì hoãn việc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, vì như vậy sẽ làm chậm trễ thời gian cấp cứu rất quan trọng trong xử trí đột quỵ. Thời gian để bệnh nhân tại nhà càng lâu thì vùng não bị tổn thương càng lớn và có thể chết mà không hồi phục được. Đột quỵ là một bệnh lý có khả năng gây tái phát. Bệnh nhân đã từng bị đột quỵ một lần sẽ có nguy bị đột quỵ lần nữa. Do vậy, việc điều trị phòng ngừa là rất quan trọng trong suốt quãng đời còn lại của bệnh nhân”.
Các biện pháp điều trị căn bản, bao gồm: “Thay đổi lối sống – tránh lối sống tĩnh tại, ít vận động, nên tăng cường tập thể dục, vận động vừa sức, đều đặn, phù hợp với tình hình sức khỏe và bệnh tật đang có. Đặc biệt phải bỏ thuốc lá, ngưng rượu bia. Với chế độ ăn thì không ăn nhiều mỡ, không ăn nhiều chất ngọt, chất đường, bột, ăn lạt, ăn nhiều rau, củ, trái cây. Song song đó, nên điều trị các bệnh lý đi kèm như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các bệnh lý tim mạch (rung nhĩ, van tim)…”, BS. Phượng chia sẻ.
Hòa Triều
 
Trẻ em cũng bị đột quỵ
Theo ThS.BS Đặng Đỗ Thanh Cần – Khoa Ngoại thần kinhBệnh viện Nhi đồng 2 thì mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho khoảng 80 trường hợp trẻ mắc đột quỵ với những bệnh lý khác nhau. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 mỗi năm cũng tiếp nhận khoảng 30 trường hợp trẻ bị đột quỵ, trong đó nhiều trẻ bị tử vong hoặc để lại những di chứng khá nặng nề. Như trường hợp của cháu Nguyễn Đức M. 6 tuổi ngụ ở Bến Lức, Long An được người thân đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng co giật, nôn ói. Các BS hội chẩn, làm xét nghiệm và phát hiện M. bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não dẫn đến đột quỵ. Cũng theo BS. Cần thì nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ thường gặp nhất bao gồm bệnh tim bẩm sinh, bệnh lý về máu như bệnh hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng trong hộp sọ, dị dạng mạch máu não, chấn thương đầu… Sau cơn đột quỵ, não bộ trẻ có khuynh hướng phục hồi tốt hơn người lớn. Có thể nói, đột quỵ là tình trạng cấp cứu, nên khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ bị đột quỵ, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
M.N
 

Bình luận (0)